Dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia (viết tắt dự thảo) dự định ban hành vào năm 2017 với nhiều quy định về các biện pháp nhằm giảm nhu cầu sử dụng rượu, bia.
Bỏ nhiều quy định gây tranh cãi
Dự thảo mới nhất đã bỏ một số quy định từng gây tranh cãi, như: người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú... không được sử dụng rượu, bia hay quy định người dân không được bán rượu sau 22 giờ và người uống rượu sau 22 giờ sẽ bị phạt.
Theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), dự thảo dự kiến ban hành vào năm 2017. Luật sẽ có chương quy định các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng rượu, bia, như: ghi cảnh báo sức khỏe lên vỏ chai; cấm bán rượu, bia trong khuôn viên bệnh viện, trường học, nơi vui chơi của trẻ…
“Dự thảo này vẫn bảo lưu quy định không được bán rượu, bia cho trẻ em cũng như không được sử dụng trẻ em trực tiếp làm công việc sản xuất, kinh doanh rượu, bia” - ông Quang nhấn mạnh.
Dẫn chứng cơ sở cho quy định này, ông Quang cho biết tỉ lệ sử dụng rượu, bia của người trẻ tuổi Việt Nam ở mức báo động với 80% nam giới và 36,5% nữ giới trong độ tuổi 14-25. Nhiều nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng những người trẻ tuổi bắt đầu uống rượu trước 15 tuổi thì về sau có thể phát sinh các vấn đề về rượu, bia cao gấp 5 lần những người đợi đến 21 tuổi mới uống. Đó là khả năng nghiện ngập cao gấp 4 lần, bạo lực gấp 6 lần sau khi uống và nguy cơ tai nạn xe cộ cũng cao gấp 6 lần do uống rượu, bia. Vì thế, trên thế giới, 166 quốc gia đã giới hạn độ tuổi sử dụng rượu, bia sau 21 tuổi, trong số này có 130 quốc gia giới hạn trước 18 tuổi. Tại Việt Nam, Luật Bảo vệ chăm sóc trẻ em cũng quy định độ tuổi không được sử dụng rượu, bia là 18.
“Có nhiều ý kiến tranh cãi cho rằng các điều này sẽ rất khó thực hiện. Theo tôi, luật thể hiện ý chí của nhà quản lý, mang tính định hướng, dẫn dắt hành vi chứ không phải quy định là xử phạt ngay được. Luật mang tính chất giáo dục truyền thông, sau đó răn đe, cảnh cáo, từ đó nâng cao ý thức của người dân rồi mới có các hình thức xử phạt” - ông Quang nói.
Phải chuẩn bị kỹ lưỡng
Trong khi đó, TS-LS Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng việc xây dựng dự thảo luật quy định về việc phòng, chống tác hại của rượu, bia là cần thiết nhưng phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Nhìn chung, dự thảo được xây dựng theo mô hình, nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012. Tuy nhiên, căn cứ theo Quyết định số 244/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020 thì việc đặt tên cho dự thảo là Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia là chưa đúng. Mục đích xây dựng phải là phòng chống sự lạm dụng rượu, bia nên tên luật là Phòng chống tác hại của rượu, bia sẽ dẫn đến không rõ mục đích xây dựng.
Về nội dung của luật, theo luật sư Trạch, dự thảo đã đưa ra nhiều khái niệm mới liên quan đến rượu, bia… nhưng còn thiếu tính thống nhất đối với các văn bản của Chính phủ cùng điều chỉnh về vấn đề này sẽ gây sự không thống nhất trong ngữ nghĩa.
Điều 11 của dự thảo quy định về địa điểm, phương thức không được bán rượu, bia. Quy định này mang tính chất rập khuôn của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá mà chưa xem xét kỹ đến bản chất của đối tượng đang phòng chống là rượu, bia. Rượu, bia khi dùng ở liều lượng ít sẽ không ảnh hưởng nhiều đến trạng thái tinh thần của người sử dụng.
Ngoài ra, dự thảo chưa quy định sâu về hậu quả của việc lạm dụng rượu, bia, mối quan hệ giữa người lạm dụng với gia đình, xã hội.
“Tôi cho rằng khi xây dựng dự thảo cần phải nắm rõ, chắc các quy định của pháp luật liên quan, không có sự trái luật, trái hiến pháp, xâm phạm đến quyền cơ bản của con người. Chúng ta có thể tham khảo việc xây dựng pháp luật của các nước nhưng cần phải so sánh, đối chiếu với tình hình nước ta để có thể vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp” - luật sư Trạch nhấn mạnh.
Độc tố trong rượu tự nấu rất cao
Thống kê mới nhất của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết mức độ tiêu thụ rượu, bia của người Việt Nam trong 10 năm trở lại đây đã tăng gấp 2 lần và trở thành thói quen phổ biến đối với 90% đàn ông Việt. Trong đó, cứ 4 người thì có 1 người sử dụng rượu, bia ở mức có hại (quá ngưỡng “tửu lượng”).
Theo Tổ chức Y tế thế giới, rượu, bia là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới. Trong đó, gây ra 20% các ca tử vong do tai nạn giao thông, 30% ca tử vong do ung thư thực quản, ung thư gan, động kinh và giết người. Ở Việt Nam, 60% số vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân từ sử dụng rượu, bia.
Cảnh báo về các vụ tử vong do ngộ độc rượu, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), nói: “Người dân Việt Nam có thói quen uống rượu tự nấu nhưng độc tố sinh ra trong quá trình nấu rượu ở trong rượu tự nấu cao gấp hàng trăm lần so với rượu nhà máy, rượu nhập ngoại. Một số kiểm nghiệm của Bộ Y tế sau các vụ ngộ độc rượu tự nấu cho thấy rượu sữa và nếp đục có hàm lượng chất methanol cao hơn mức cho phép từ 200-700 lần”.
N.Dung
Bình luận (0)