Gửi bài tham gia diễn đàn, bạn đọc Tương Quan (TP HCM) phân tích ở thuê, cái lợi đầu tiên là không cần phải bỏ ra một số tiền quá lớn nhưng vẫn có một chỗ ở nên có thể dùng số tiền đang có để đầu tư vào những mục đích khác. Người đi thuê nhà có thể tự do lựa chọn môi trường sống phù hợp, nơi gần chỗ làm, tiết kiệm thời gian di chuyển, chi phí xăng, xe. Bên cạnh đó, hằng năm không phải bỏ tiền ra để sửa chữa, tu bổ nơi ở.
Cần quy định "bảo hộ" người thuê
Tuy nhiên, theo bạn đọc Tương Quan, khi ở nhà thuê thì sự tự do phải trong một khuôn khổ nhất định theo thỏa thuận trong hợp đồng thuê nhà; cũng không được quyền sửa chữa nơi ở theo ý của riêng mình và luôn chuẩn bị tâm lý dọn đi nơi khác bất cứ lúc nào. Giá thuê nhà thường bị tăng lên sau thời gian hết hợp đồng.
"Thế nên, tôi vẫn thích ăn chắc mặc bền, muốn "an cư lạc nghiệp". Gần 20 năm sau ngày cưới, tôi nghĩ mình đã quyết định đúng khi đặt ưu tiên phải có căn nhà của riêng mình. Bởi lẽ khi đã có nhà, nhiều cơ hội đầu tư kinh doanh khác được mở ra. Là khả năng thế chấp để vay vốn từ chính căn nhà hiện tại. Giá nhà chỉ tăng chứ ít khi giảm, nên mua nhà cũng là một dạng đầu tư, có thể cho thuê rồi đi thuê lại một chỗ ở khác thuận tiện cho việc học hành, làm việc… Ngoài ra, khi có địa chỉ cố định sẽ thuận lợi trong việc làm hồ sơ, chứng giấy tờ và các giao dịch khác. Đương nhiên, khi mua nhà rồi thì khó thay đổi nơi khác nếu có những điều không ưng ý về hàng xóm, môi trường sống, an ninh trật tự… Đặc biệt, việc sở hữu một căn nhà đòi hỏi phải có đủ tài chính" - bạn đọc Tương Quan viết.
Tương tự, bạn đọc Thanh Vân (Trà Vinh) đồng tình với quan điểm không nên dốc hết sức để mua nhà bởi có thể là gánh nặng nếu điều kiện tài chính, việc làm, thu nhập chưa thật sự ổn định, vững vàng.
"Đừng nói ngày nay mà thời của ba mẹ tôi hơn 60 năm về trước cũng thế. Từ sạp chợ, ba mẹ tôi sang lại một căn hộ mặt tiền vừa mua bán vừa thuê để ở vào năm 1958. Tuy việc làm ăn mua bán phát triển nhưng ba mẹ tôi vẫn không có ý định mua lại căn nhà mà dành dụm, tích lũy vốn để làm ăn (sau này nhà thuộc sở hữu nhà nước, chúng tôi tiếp tục thuê ở ổn định tới năm 1995 mới hóa giá nhà). Tôi nhớ việc thuê nhà của ba mẹ tôi ngày đó không có hợp đồng gì cả, chỉ có mảnh giấy viết tay cho thuê vĩnh viễn và tiền thuê nhà tuy có tăng theo thời gian nhưng hoàn toàn hợp lý và chấp nhận được.
Ngày nay, hầu như không có cho thuê vĩnh viễn, thậm chí hợp đồng thuê chỉ từng năm và bằng giấy tay với nội dung "lợi thế" thuộc về phía chủ nhà. Thời gian ngắn nên khó ổn định sinh hoạt, cuộc sống, tâm lý cũng không thoải mái" - bạn đọc Thanh Vân viết.
Từ những phân tích trên, bạn đọc Thanh Vân nhận định ở nhà thuê đã là một phần của cuộc sống, đặc biệt là ở các đô thị lớn, với người mới tạo lập gia đình, sự nghiệp… Thiết nghĩ, nhà nước cần có những chính sách, quy định nhằm "bảo hộ" cho người thuê nhà hay ít nhất là công bằng hơn cho từ hai phía.
Việc sở hữu căn nhà cần phải tính toán đến khả năng tài chính, lựa chọn điều kiện phù hợp. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
"Liệu bò đo chuồng"
TS Nguyễn Trí Hiếu (chuyên gia kinh tế) thì cho rằng lý do để người ta chọn lựa mua nhà, cụ thể nhất là việc vay tiền mua nhà được xem là một khoản đầu tư và có chi phí. Nghĩa là phần trả gốc là tiền đầu tư, tiền lãi vay là chi phí. Còn khi đi thuê nhà thì chỉ có chi phí thôi.
"Tôi đồng tình một phần với quan điểm giới trẻ nên xem xét lại việc bất chấp, dốc hết tiền chỉ để sở hữu một ngôi nhà. Bởi vì thực tế ở các nước phương Tây, người trẻ tập trung vào nhiều mục tiêu, trong đó có sự nghiệp, đầu tư, du lịch, hưởng thụ… và cuộc sống của họ vẫn thoải mái, hạnh phúc, không có áp lực. Tuy vậy, sau một thời gian đi làm, nhiều người vẫn xem "Dream house" là vấn đề quan trọng cần hướng đến. Ở Mỹ, người ta vẫn ước mơ có ngôi nhà sở hữu của riêng mình nhưng họ biết lo liệu, cân nhắc vì tốn rất nhiều chi phí bắt buộc khác cho cuộc sống hằng ngày chứ không chỉ dành cho mua nhà" - TS Hiếu cho biết.
Về việc sở hữu căn nhà, TS Hiếu cho rằng có nhiều yếu tố mà người trẻ phải chú ý. Đó là khả năng tài chính và lựa chọn theo điều kiện phù hợp (ở nội thành hay ngoại thành, nhà riêng hay căn hộ…), đừng quá đặt áp lực vào việc sở hữu nhà bằng mọi cách để rồi phải mang gánh nặng nợ nần. Chỉ nên vay vốn để mua nhà khi có sẵn tài chính, ít nhất là 50% giá trị căn nhà.
Cần thời gian để thay đổi
Theo bà Nguyễn Hương (Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Đại Phúc), câu chuyện bằng mọi giá phải sở hữu được một căn nhà liên quan rất nhiều đến văn hóa. Bởi ở Việt Nam, nhà không chỉ để ở mà còn là tài sản. Tuy nhiên, 10-20 năm nữa, biết đâu có sự thay đổi trong định kiến. Bởi vì nếu các dự án nhà cho thuê được phát triển đồng bộ, đầy đủ các tiện ích dịch vụ xung quanh, người ở thuê đến chỗ làm thuận tiện, con của họ đến trường được chăm sóc tốt và giá thuê hấp dẫn so với vay tiền mua nhà trả lãi thì nhiều người sẽ thay đổi tư duy từ sở hữu sang thuê nhà.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 4-3
Bình luận (0)