Dân gian Việt Nam có câu: “Lật đật cũng tới bến giang/Lang thang cũng tới bến đò”, nghĩa là việc gì cũng từ từ, bởi... “dục tốc bất đạt”. Và không ít người cho đó là cách “sống chậm” mà các bậc thức giả đang khuyến khích thực hiện trong thế kỷ XXI này. Với tôi, đó là ý nghĩ chưa đúng dễ dẫn tới những hệ lụy không đáng có khi đất nước đã thật sự hòa nhập vào sân chơi chung của thế giới.
Ảnh: huỳnh công bá
Những năm gần đây, cuộc sống tất bật, xô bồ, tình nghĩa giữa người và người, thậm chí ruột thịt cũng bị đẩy lại đằng sau. Với nhiều người, tình người nhạt nhòa thì cho đó là mặt trái của kinh tế thị trường. Từ đó, người người lo lắng, nhà nhà lo lắng, sinh ra lễ bái, cầu cúng, hối lộ thánh thần... Họ quên rằng chính cái tâm của họ động. Họ chỉ biết cái trước mắt, quên đi tiền nhân hậu quả. Trong Pháp bảo đàn kinh, Lục Tổ Huệ Năng có dạy: “Tâm bình hà lao trì giới/Hạnh trực hà dụng tu thiền” (Tâm bình chẳng nhọc trì giới/ Hạnh ngay đâu cần tu thiền).
Từ xa xưa, ông cha ta đã truyền đời: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng”, “Một giọt máu đào, hơn ao nước lã”, “Thương người như thể thương thân”... Khi các tôn giáo đến Việt Nam cũng hòa quyện với truyền thống dân tộc nêu cao từ bi, hỉ xả, vị tha, bác ái. Cớ sao những ngày này, chúng ta lại tất bật với đồng tiền, với hưởng thụ cho riêng mình mà giẫm lên truyền thống đạo đức đã được dân tộc vun bồi cả ngàn năm qua?
Nhiều người cho rằng tất bật kiếm tiền như thế, hưởng thụ như thế mới đáng sống trên cõi đời này, nếu có thừa thì làm từ thiện coi như chia sẻ, chứ bần cùng lấy gì sẻ chia. Vâng, làm từ thiện rất tốt, rất quý nhưng Kinh Phân biệt nghiệp báo có viết: “Nếu vì muốn sanh Thiên mà tu bố thí hoặc cầu tiếng khen hoặc mong trả báo hoặc vì sợ hãi mà tu bố thí thì được quả báo chẳng được thanh tịnh”; còn “Nếu có người bần cùng, không của bố thí, khi thấy kẻ khác bố thí nên sanh tâm tùy hỉ; phước báu tùy hỉ ngang với phước báu kẻ tu bố thí không khác. Ấy là việc rất dễ tu, ai tu chẳng đặng vậy” (Kinh Nhơn quả). Hành thiện phải từ chân tâm mới tốt, mới thấy cuộc đời đáng yêu, chứ không phải sự trao đổi, mua bán.
Các nhà khoa học tại Đại học Carnergie Mellon (CMU) ở Pittsburgh, bang Pennsylvania - Mỹ đã nghiên cứu trên 1.164 người trong độ tuổi từ 51-91 tham gia vào các hoạt động từ thiện cũng như hỗ trợ các vấn đề xã hội và tâm lý đối với những người khác. Trong cuộc kiểm tra đầu tiên vào năm 2006, tất cả những người tham gia này đều có huyết áp bình thường. Nhưng khi đo lại vào năm 2010 lại cho kết quả: Những người đã dành khoảng 200 giờ hoặc nhiều hơn trong 1 năm (tương đương khoảng 25 ngày) để làm từ thiện đã giảm được 40% nguy cơ phát triển các triệu chứng cao huyết áp.
Theo kết quả nghiên cứu, các hoạt động từ thiện có thể giúp chúng ta giảm huyết áp cao (đặc biệt với người cao tuổi) do họ cảm thấy thoải mái hơn khi được làm bạn với những người khác và họ được hòa đồng với mọi người nhiều hơn. Khi già đi, nghỉ hưu, mất người thân và sống xa con cái, nhiều người cao tuổi không được tiếp xúc, hòa đồng với mọi người. Do vậy, khi tham gia các hoạt động từ thiện không chỉ giúp người cao tuổi giảm huyết áp cao mà còn làm giảm nguy cơ một số căn bệnh nguy hiểm khác. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn nhấn mạnh nội dung của các hoạt động tình nguyện không phải là yếu tố quyết định chính mà là ở vấn đề thời gian tham gia. “Chúng ta biết rằng lối sống không lành mạnh, chế độ ăn uống không khoa học và lười vận động chính là nguyên nhân gây bệnh huyết áp cao nhưng qua nghiên cứu này, chúng tôi chỉ nhấn mạnh vào một hành động của lối sống lành mạnh có thể giúp người cao tuổi giảm nguy cơ huyết áp cao” - nhà tâm lý học Rodlescia Sneed, trưởng nhóm nghiên cứu, lý giải.
Đó mới chính là cách “sống chậm”. Và cách “sống chậm” này giống như Kinh Pháp cú đã viết: “Như người chầm chậm thong thả tinh tiến, rửa trừ tâm dơ, như thợ luyện vàng”, chứ không phải rề rà tới đâu hay tới đó, mặc cho dòng đời đưa đẩy, mặc cho số phận của cộng đồng, của dân tộc.
Bình luận (0)