Một trong những yếu tố làm cho văn hóa ứng xử của người Việt nơi công cộng dần kém đi bắt nguồn từ những điều hết sức đơn giản nhưng lại bị bỏ quên hoặc cố tình bị lờ đi. Đó là hình thành nhân cách cho trẻ từ khi còn nhỏ.
Dạy con từ thuở còn thơ
Không phải ngẫu nhiên mà ông bà ta có câu "Dạy con từ thuở còn thơ". Đó là sự đúc rút kinh nghiệm sống của người xưa về việc giáo dục con cái trong gia đình. Ai cũng hiểu gia đình là hạt nhân xây dựng nền tảng xã hội nhưng không phải người nào cũng làm được. Một người hình thành, phát triển nhân cách cần có một nền tảng giáo dục tốt từ gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó gia đình đóng vai trò then chốt.
Nhiều gia đình hay đổ lỗi, phó mặc việc giáo dục con cái cho nhà trường, xã hội mà không nghĩ rằng chính sự dạy dỗ của cha mẹ, ông bà quyết định đến việc hình thành nhân cách của đứa trẻ từ nhỏ đến khi trưởng thành. Nhiều phụ huynh không quan tâm đến cách ứng xử nơi công cộng của con em, để mặc trẻ thích làm gì thì làm với lý do "Trẻ con mà, không hiếu động sao phát triển được!" mà quên rằng giữa "hiếu động" và cách ứng xử đúng mực nơi công cộng là 2 việc hoàn toàn khác nhau.
Trẻ con hay nghịch đùa, người lớn không thể ngăn cấm nhưng có thể hướng dẫn trẻ sinh hoạt trong phạm vi, không gian công cộng thế nào vừa để chúng thoải mái nhưng cũng không làm ảnh hưởng đến những người xung quanh. Không thể thản nhiên hoặc đồng tình cho trẻ chạy nhảy, la hét, phá phách nơi công cộng; giẫm lên bãi cỏ, ngắt hoa, bẻ cành cây trong công viên; trút bỏ quần áo lao vào đài phun nước như ở bể bơi… Phải dạy dỗ, uốn nắn những lệch lạc về chuẩn mực trong thái độ, hành vi ứng xử của trẻ. Bởi lẽ, nếu không được dạy những quy tắc ứng xử lễ phép, lịch sự, tôn trọng không gian chung thì thật khó để sau này trẻ trở thành một công dân tốt, gương mẫu, ứng xử văn minh nơi công cộng. Cuối cùng, xã hội lại là nơi gánh chịu hậu quả.
Hút thuốc nơi công cộng vừa vi phạm luật vừa thiếu ý thức cộng đồng. Ảnh: Hoàng Triều
Ban hành văn bản pháp quy
Đứng về mặt quản lý nhà nước, thực tế, nơi công cộng hoặc nơi có không gian sinh hoạt chung đều có quy định về văn hóa ứng xử. Tuy nhiên, những quy định này chưa được xem là quy định pháp luật nên việc xử lý người vi phạm chỉ dừng lại ở sự nhắc nhở hoặc kêu gọi sự tự giác của mọi người, việc xử phạt rất khó thực hiện.
Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội… có một số quy định xử phạt về hành vi liên quan đến an ninh trật tự, tụ tập gây rối nơi công cộng hoặc làm mất vệ sinh nơi công cộng. Việc hút thuốc lá nơi công cộng thì có Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ điều chỉnh.
Đối với hành vi hái hoa, bẻ cành, xâm phạm cây xanh thì bị xử lý theo Nghị định 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ - quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở. Theo đó, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi đục khoét, đóng đinh vào cây xanh; tự ý ngắt hoa, cắt cành cây; đốt gốc, lột vỏ thân cây, phóng uế hoặc có hành vi khác làm hư hỏng cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ...
Như vậy, các quy định pháp luật nằm rải rác ở các lĩnh vực nên việc xử lý người vi phạm gặp không ít khó khăn. Người có thẩm quyền xử phạt cũng không thể phát hiện kịp thời để xử lý các hành vi vi phạm.
Vì vậy, để văn hóa ứng xử nơi công cộng được đi vào khuôn phép, ngoài mỗi gia đình tự hình thành thói quen ứng xử văn hóa, Chính phủ cũng cần ban hành một văn bản pháp quy quy định về văn hóa ứng xử nơi công cộng, tại các lễ hội…; đồng thời đưa ra mức xử lý đối với các hành vi vi phạm.
Lê Hà Việt Nữ (ngụ quận 7, TP HCM):
Người lớn phải làm gương
Những hành động, lời nói nơi công cộng thể hiện lối sống cũng như trình độ văn hóa của một người, một dân tộc. Để ý thức cộng đồng được nâng cao thì gia đình là cái nôi đầu tiên. Ở đó, ông bà, cha mẹ làm gương để giáo dục và hình thành thói quen nếp sống văn minh cho trẻ từ khi chập chững biết đi, biết nói.
Bên cạnh đó, trường phổ thông cần tăng cường giáo dục cách ứng xử văn minh nơi công cộng cho học sinh các cấp một cách thường xuyên, gắn học đi đôi với hành. Thầy cô cũng phải làm gương cho học sinh noi theo, nói đi đôi với làm, từ những việc nhỏ nhất như nhìn thấy rác nơi sân trường cúi xuống nhặt cho vào thùng rác công cộng... Cuối cùng, cơ quan quản lý nhà nước cần có chế tài và thực hiện nghiêm minh các quy định pháp luật đã đề ra.
Nguyễn Thị Tường Vy (sinh viên Khoa Ngữ văn Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn):
Tăng cường giám sát, xử phạt
Ngày càng có nhiều người ứng xử nơi công cộng chỉ vì lợi ích cá nhân hoặc để thể hiện giá trị của bản thân một cách lệch lạc, bất chấp đến việc làm ảnh hưởng đến những người xung quanh, bất kể ở lứa tuổi nào. Việc nâng cao ý thức cộng đồng là cả một chặng đường dài, đòi hỏi phải bắt đầu giáo dục văn hóa ứng xử ngay từ khi còn bé.
Ngoài ra, với vai trò quản lý xã hội và được các quy định pháp luật hỗ trợ, các cơ quan chức năng cần tăng cường nhân lực, thiết bị giám sát, xử phạt nghiêm những hành vi gây ồn ào, làm ô nhiễm môi trường, vi phạm thuần phong mỹ tục… ở nơi công cộng, tránh để các hiện tượng này lan tràn như một "trào lưu".
LÊ THOA ghi
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 11-5
Bình luận (0)