Hiện nay, TP Đà Nẵng có tổng cộng 24 khu tập thể (KTT) đang trong quá trình xuống cấp, chủ yếu tập trung ở 2 quận Hải Châu (13 khu) và Thanh Khê (6 khu).
Vừa ở vừa run
Nằm lọt thỏm tại số 10 Trần Bình Trọng (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu), KTT có tuổi đời gần 50 năm (3 tầng với hơn chục phòng có diện tích bình quân 13,5 m2) đến nay vẫn còn 4 hộ dân bám trụ để chờ được thuê chỗ mới.
Bà Nguyễn Thị Hạnh (SN 1954, quê Nghệ An) ở cùng gia đình trong KTT này hơn 40 năm, kể: "Thấy khu này xuống cấp từ lâu nên cấp trên đã có chủ trương di dời, giải tỏa từ tháng 6-2017. Cả khu có 12 hộ nhưng nay chỉ còn hộ của tôi và 3 hộ khác. Dự kiến cuối năm nay, gia đình tôi sẽ dời đi hẳn chứ không thể sống trong tâm trạng vừa run vừa lo khi mỗi ngày xuất hiện thêm nhiều vết nứt trên tường, phòng bị dột khi mưa".
Ông Trần Quang Triết, Giám đốc Công ty Quản lý nhà Đà Nẵng, cho biết hầu hết KTT trên địa bàn Đà Nẵng được xây dựng từ trước năm 1975. Sau này, nhà nước tiếp quản, giao cho các cơ quan, đơn vị quản lý, bố trí cho cán bộ, công nhân viên nhằm đáp ứng nhu cầu bức xúc về nhà ở trong thời kỳ bao cấp. Hầu hết việc tu bổ đều do các gia đình tự bỏ kinh phí để vá víu. Các KTT có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào, không chỉ ảnh hưởng tới người dân, mà còn làm nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị.
Khu tập thể số 10 Trần Bình Trọng (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) đang xuống cấp trầm trọng
Điều đáng lo hơn là đa số KTT được xây dựng đã lâu, không bảo đảm các yêu cầu an toàn PCCC. Hiện nay, hệ thống đường dây điện đều có lớp vỏ nhựa bị hao mòn, dễ gây chập điện. Trong khi đó, số người sinh sống trong các KTT đông, số lượng thiết bị điện tăng theo, khiến hệ thống điện thường xuyên quá tải.
Theo ông Triệt, trong 24 KTT xuống cấp, có đến 9 KTT có chất lượng chỉ còn lại dưới 40%. Theo Thông tư 13/LB-TT ngày 18/8/1994 của Ban Vật giá Chính phủ - Bộ Tài chính - Bộ Xây dựng, phải phá dỡ hoàn toàn những KTT này để bảo đảm tính mạng và tài sản của người sử dụng.
Năm 2019 phải giải tỏa xong
Về phương án giải tỏa, di dời của UBND TP Đà Nẵng đối với các KTT xuống cấp (trước mắt là 9 KTT có chất lượng dưới 40%), ông Triết cho biết tháng 10-2015, UBND TP Đà Nẵng đã có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP phương án xử lý. Năm 2016-2017, Công ty Quản lý nhà đã phối hợp cùng các ban, ngành liên quan vận động giải tỏa, di dời, hỗ trợ và bố trí tái định cư cho 45 hộ tại 5/9 KTT xuống cấp (129 Hải Phòng, 159 Trần Phú, 23 Nguyễn Thiện Thuật, 110 Hoàng Diệu và 69B Trần Phú). Hiện Trung tâm Phát triển quỹ đất (Chi nhánh 1) đang tiếp tục thực hiện giải tỏa, di dời 4 KTT còn lại tại số 57 Hùng Vương, 10 Trần Bình Trọng, 05 Nguyễn Thái Học và 50-52 Lê Lai.
Mới đây, UBND TP Đà Nẵng đã có công văn về việc kiểm tra, rà soát các dự án đang triển khai trên địa bàn quận Hải Châu. Trong đó, UBND TP thống nhất kế hoạch hoàn thành giải tỏa, di dời đối với 24 KTT xuống cấp trên địa bàn quận Hải Châu theo 2 nhóm. Trong đó, nhóm 1 sẽ hoàn thành giải tỏa trong năm 2018; nhóm 2 hoàn thành giải tỏa trong năm 2019.
Theo Công ty Quản lý nhà Đà Nẵng, nguyên nhân khiến nhiều hộ dân vẫn chưa thể di dời ra khỏi các KTT cũ đang xuống cấp là do hầu hết các hộ đều ở trung tâm TP, mong muốn được mua lại nhà hoặc bố trí tái định cư tại chỗ để tiện đi lại.
"Nhiều hộ dân không đồng ý nhận đất tái định cư tại khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ mà đề nghị được nhận đất tái định cư tại trung tâm TP hoặc khu vực cận trung tâm thuộc địa bàn quận Hải Châu, Sơn Trà, Thanh Khê" - ông Triết nói.
Ưu tiên hộ có vị trí đặc biệt
Để vận động và tạo điều kiện cho các hộ di dời, UBND TP Đà Nẵng có chủ trương: đối với các hộ tầng trệt, mặt tiền tại khu vực trung tâm, có vị trí đặc biệt thuận lợi như khu vực đường Hùng Vương, Nguyễn Thái Học thì bố trí tái định cư tại khu Hòa Cường Nam (quận Hải Châu) hoặc làm việc với các hộ này về phương án bố trí chung cư tại khu chung cư 201 Đống Đa.
Bình luận (0)