Ngày 8-10, ông Tan Kek Wei (gọi tắt là ông Tan, 42 tuổi, quốc tịch Malaysia) tiếp tục quay lại Văn phòng Đại diện Báo Người Lao Động tại TP Cần Thơ nhờ hướng dẫn nơi dịch các tài liệu từ tiếng Malaysia sang tiếng Việt Nam để cung cấp cho UBND xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Đây là nơi con gái của ông Tan là bé Tan Kar Yuan (3 tuổi, quốc tịch Malaysia) bị chính mẹ ruột mang đi giấu sau khi trở về Việt Nam.
Hướng dẫn lòng vòng
Trước đó, ngày 29-9, ông Tan đã nộp đơn đến Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ nhờ can thiệp việc “vợ nhỏ” của ông là bà T.T.N (SN 1989, ngụ xã Mỹ Khánh) đưa bé Tan Kar Yuan đi giấu. Tuy nhiên, cơ quan điều tra hướng dẫn ông Tan sang Sở Tư pháp TP Cần Thơ và nơi đây bảo ông quay về cơ quan điều tra hoặc nhờ UBND xã Mỹ Khánh mời bà N. đến hòa giải.
Ông Tan đã chờ đến sáng 5-10 nhưng không được ai liên lạc theo số điện thoại ghi trong đơn. Ông Tan quay lại UBND xã Mỹ Khánh thì được cán bộ hộ tịch yêu cầu ông xuất trình các giấy tờ chứng minh bé Tan Kar Yuan là con của ông. Khi ông Tan đưa ra hộ chiếu và giấy khai sinh của bé bằng tiếng Malaysia thì cán bộ tiếp nhận bảo phải dịch ra tiếng Việt. Do sát ngày hết hạn visa (6-10) nên trưa 5-10, ông Tan tức tốc đến Lãnh sự quán Malaysia tại TP HCM nhờ can thiệp nhưng do không có các ngành chức năng ở TP Cần Thơ xác nhận có tiếp nhận vụ việc nên Lãnh sự quán Malaysia không thể can thiệp. Quá gấp gáp, ông Tan đành qua cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) để sang biên giới Campuchia đóng dấu vào hộ chiếu, rồi quay về biên giới phía Việt Nam để đóng thêm dấu xác nhận. Từ đây, ông mới được ở lại Việt Nam thêm một tháng.
Chiều 8-10, ông Tan cầm các giấy tờ đã dịch sang tiếng Việt vào UBND xã Mỹ Khánh nhưng do cán bộ hộ tịch… nghỉ phép đến hết tuần nên nơi đây chưa giải quyết được. Ông Tan đành ngậm ngùi quay về khách sạn để chờ tin con gái.
Sẵn sàng chi tiền để được nuôi con
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, trong đơn gửi các ngành chức năng TP Cần Thơ, ông Tan cho biết cuối tháng 9-2009, ông kết hôn với bà S.T.B.T (SN 1980, ngụ tỉnh Bạc Liêu), sau đó 2 người sang Malaysia sinh sống. Ít lâu sau, bạn của bà T. là N. sang Malaysia bằng đường du lịch và ghé nhà vợ chồng bà T. chơi. Từ đây, giữa ông Tan và N. phát sinh tình cảm, dẫn đến N. sinh một con gái vào tháng 10-2012.
Do N. lưu lại Malaysia không hợp pháp nên trên giấy khai sinh, bé Tan Kar Yuan là con của ông Tan và bà T. Hằng ngày, N. vẫn sinh sống chung nhà với vợ chồng bà T. và ông Tan vẫn gửi tiền về mỗi tháng cho cha mẹ N. Ngày 7-9 vừa qua, 4 người trở về thăm nhà N. thì xảy ra chuyện N. đem bé Tan Kar Yuan đi giấu. Ông Tan nhiều lần tìm đến nhà nhưng cha mẹ của N. xua đuổi, hăm dọa.
Tiếp xúc với chúng tôi, ông T.V.N (ông nội của N.) cho biết gia đình cũng đã làm đơn “tố” ông Tan lừa gạt, dụ dỗ N. sang Malaysia. Tuy nhiên, ông N. cho biết nếu ông Tan muốn đem bé Tan Kar Yuan về Malaysia thì phải biết… “công bằng” với gia đình N. Số tiền “công bằng” là bao nhiêu thì cứ để ông Tan tự nguyện, gia đình ông không đòi hỏi.
Về phần mình, ông Tan khẳng định do ông là con một trong gia đình nên mẹ ông đang rất cần cháu nội bên cạnh lúc tuổi già. Vì thế, nếu được UBND xã Mỹ Khánh mời lên hòa giải, ông sẵn sàng chiều theo ý của N. về tiền bạc.
Chờ thỏa thuận quyền nuôi con
Luật sư Trần Thị Ánh, Đoàn Luật sư TP HCM, phân tích: Qua thông tin trên báo chí, giữa ông Tan và cô N. phát sinh tình cảm dẫn đến sinh con nên ông Tan chính là cha ruột và cô N. là mẹ ruột của bé Tan Kar Yuan. Vì thế, việc cô N. mang con đi giấu thì theo pháp luật Việt Nam sẽ không có dấu hiệu hình sự. Bản chất vấn đề ở đây là tranh chấp quyền nuôi con nên ông Tan có thể khởi kiện ra TAND TP Cần Thơ. Trường hợp bé Tan Kar Yuan trên 36 tháng tuổi thì tòa án mới có thể giao cho ông Tan nuôi dưỡng hoặc 2 bên thỏa thuân việc nuôi con. Trường hợp giải quyết theo pháp luật của Malaysia thì cần tham khảo hiệp định tương trợ tư pháp giữa 2 nước.
Bình luận (0)