Sáng 7-10, Bộ Y tế đã phối hợp với Báo Người Lao Động tổ chức giao lưu trực tuyến “Ứng phó với dịch sốt xuất huyết tăng bất thường”. Theo ghi nhận của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay, cả nước có hơn 43.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) tại 53 tỉnh, thành, trong đó 28 trường hợp tử vong.
Không lơ là, cũng đừng quá lo
Lý giải về nguyên nhân số ca bệnh cao trong năm nay, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết bệnh SXH có chu kỳ dịch 4-5 năm/lần. Đỉnh dịch giai đoạn vừa qua rơi vào năm 2010 với 128.710 trường hợp mắc, 109 ca tử vong; ngược lại, năm 2014 là năm có dịch thấp nhất với khoảng 30.000 trường hợp mắc.
“Qua thực tế tại các địa phương, chúng tôi nhận thấy một bộ phận người dân chưa hiểu được loại muỗi truyền bệnh cũng như nơi sinh sản của chúng. Ví dụ, truyền bệnh SXH là muỗi vằn đẻ ở môi trường nước trong thường thấy ở các vật phế thải chứa nước, như: vỏ hộp, chai lọ, lốp xe... hoặc bình hoa trong nhà nhưng người dân cứ cho rằng muỗi truyền SXH chỉ ở các cống rãnh, ao hồ nên không nỗ lực loại bỏ các nguồn truyền bệnh trên” - PGS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Tại TP HCM, theo bác sĩ (BS) Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP, hiện có nhiều ổ dịch nhỏ xuất hiện ở 24 quận, huyện. Có 239 phường, xã có từ 2 ca bệnh SXH trở lên trong 4 tuần.
Chăm sóc người bệnh đúng cách
Tại buổi trực tuyến, khá nhiều bạn đọc đặt câu hỏi liên quan đến việc chăm sóc người bệnh, tính miễn dịch cũng như cách nhận biết các dấu hiệu nặng. Theo BS Nguyễn Minh Tiến, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Nhi Đồng 1, SXH do virus Dengue gây ra. Loại virus này có 4 type huyết thanh và bệnh nhân chỉ có thể miễn dịch suốt đời với type mình đã mắc nên về lý thuyết, một người có thể mắc SXH 4 lần. Bệnh thường diễn tiến trong 7 ngày, phần lớn tự khỏi, tỉ lệ biến chứng nặng chỉ từ 3%-5%. Người mắc bệnh nhất thiết phải đi khám, nếu xuất hiện các triệu chứng nặng như đau bụng, bứt rứt, chảy máu cam, chảy máu chân răng, tay chân lạnh… cần đưa ngay đến bệnh viện.
“Nếu gặp các biểu hiện này giữa đêm cũng phải nhập viện ngay. Chúng tôi từng gặp nhiều trường hợp phụ huynh chờ đến sáng mới đưa con đi, khi đó trẻ đã sốc nặng. Cũng nên lưu ý nhóm trẻ lớn (trên 8 tuổi) đau, mệt mà không nói, phụ huynh nên gần gũi, kiểm tra tình hình sức khỏe của con để kịp thời đưa trẻ đi khám” - BS Tiến khuyến cáo.
Nhiều bạn đọc băn khoăn về cách xử lý những dấu đỏ do xuất huyết, bao gồm cả những cách phản khoa học như cắt lể, cạo gió… Theo BS Tiến, xử lý bằng các biện pháp đó đôi khi khiến bệnh trầm trọng thêm. “Những nốt đỏ ở da là do một số hồng cầu thoát khỏi thành mạch máu ra bên ngoài tụ dưới da gây nên hiện tượng xuất huyết dưới da. Các dấu hiệu này sẽ biến mất trong 5-7 ngày” - BS Dũng cho biết.
Phương pháp chăm sóc người bệnh được các BS khuyên thực hiện là uống thuốc hạ sốt theo toa BS, uống nhiều nước, ăn thức ăn dễ tiêu (cháo, sữa, xúp...) chia làm nhiều bữa nhỏ, tái khám theo yêu cầu của BS…
Sắp có vắc-xin ngừa sốt xuất huyết
Theo Cục Y tế dự phòng, sau hơn 5 năm thí điểm, kết quả thử nghiệm tiêm vắc-xin SXH ở Việt Nam cho thấy hiệu quả đáp ứng miễn dịch với vắc-xin ở nhóm trẻ từ 9 tuổi trở lên đạt 66%, phòng ngừa được 81% ca SXH nhập viện và 93% ca SXH nặng.
Đây là dự án thử nghiệm lâm sàng đánh giá hiệu quả và an toàn của vắc-xin mới ngừa SXH (CYD14) do Tập đoàn Sanofi - Pasteur phối hợp Viện Pasteur TP HCM thực hiện. Hiện nhà sản xuất vắc-xin đang tiến hành đăng ký lưu hành sản phẩm cho người từ 9 tuổi trở lên, ưu tiên tại các quốc gia đã tiến hành nghiên cứu giai đoạn III, trong đó có Việt Nam. Được biết, trong vòng hơn 20 năm, vắc-xin SXH đã được triển khai 23 nghiên cứu ở cả 3 giai đoạn trên 17 quốc gia và đang được thử nghiệm ở giai đoạn III.
N.Dung
Xử phạt nếu không phòng dịch
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống bệnh SXH do UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì vào ngày 7-10, Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cho biết tính đến cuối tháng 9-2015, địa phương này ghi nhận hơn 2.790 ca mắc SXH, tăng hơn 340% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Ba địa phương có bệnh SXH bùng phát mạnh: TP Nha Trang, thị xã Ninh Hòa, huyện Diên Khánh.
Ông Đào Công Thiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, yêu cầu UBND các địa phương rà soát, chấn chỉnh lại ban chỉ đạo phòng dịch; không tuyên truyền chung chung mà phải hướng dẫn người dân cụ thể, thậm chí xử phạt hành chính nếu không chấp hành việc phòng dịch; Sở Y tế tham mưu về trang thiết bị, thuốc, kinh phí để tỉnh bổ sung phòng dịch...
K.Nam
Bình luận (0)