xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sự thật phía sau những đứa trẻ thổi lửa (*): Cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý

Lê Vĩnh - Anh Vũ

Trên cơ sở thông tin từ báo chí đã cung cấp, cơ quan quản lý nhà nước các cấp cần sớm vào cuộc xác minh, kịp thời xử lý đúng người, đúng tội nhằm bảo đảm tính răn đe

Theo dõi loạt bài điều tra "Sự thật phía sau những đứa trẻ thổi lửa" của Báo Người Lao Động, ông Phạm Đình Nghinh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM, khẳng định việc lợi dụng trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, để thổi lửa kiếm tiền là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quyền trẻ em. Việc này kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ.

Chính quyền cơ sở chịu trách nhiệm trực tiếp

"Nếu có dấu hiệu của hiện tượng chăn dắt, thậm chí cha, mẹ, người thân của trẻ chính là những đối tượng đã và đang trực tiếp tham gia đẩy trẻ vào những hoạt động nguy hiểm như trên thì đó chính là các hành vi vi phạm quyền trẻ em có tính chất tăng nặng trong quá trình xem xét xử lý. Xã hội cần lên án kịp thời nhưng quan trọng hơn nữa là cơ quan quản lý nhà nước các cấp, trên cơ sở thông tin từ báo chí đã cung cấp, sớm vào cuộc xác minh, kịp thời xử lý đúng người, đúng tội nhằm bảo đảm tính răn đe" - ông Phạm Đình Nghinh nêu ý kiến.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM Lê Văn Thinh phân tích căn cứ điểm a, khoản 3 điều 4 Quyết định số 812/QĐ-UBND, Công an TP HCM có trách nhiệm "chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý triệt để, nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với người có hành vi tổ chức, xúi giục, ép buộc, chăn dắt, nhất là những đối tượng chăn dắt chuyên nghiệp, lưu động".

Đối với địa phương, khi phát hiện có tình trạng chăn dắt trẻ em thì xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định số 130/2021/NĐ-CP hoặc chuyển hồ sơ đến cơ quan cảnh sát điều tra xử lý nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật (chăn dắt ép buộc, đối xử tàn ác, bắt trẻ em làm công việc nặng nhọc, độc hại, đánh đập, gây thương tích… mà đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì các đối tượng này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự); đồng thời can thiệp, trợ giúp kịp thời cho trẻ em theo quy trình tại Quyết định số 2017/QĐ-UBND của UBND TP HCM về "Phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục trên địa bàn TP HCM".

Sự thật phía sau những đứa trẻ thổi lửa (*): Cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý - Ảnh 1.

Cậu bé tự giới thiệu tên Bin thổi lửa trên đường Rạch Bùng Binh. Ảnh: ANH VŨ

"Trong sự việc Báo Người Lao Động nêu, trách nhiệm chính thuộc chính quyền địa phương. Về phần Sở LĐ-TB-XH, chúng tôi đã chỉ đạo phòng chuyên môn tham mưu văn bản để yêu cầu địa phương rà soát, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền, báo cáo lại cho Sở LĐ-TB-XH và UBND thành phố" - ông Lê Văn Thinh cho biết.

Trong khi đó, luật sư Trần Minh Cường, Giám đốc Công ty Luật TMC Lawyers - Đoàn Luật sư TP HCM, cho rằng chính quyền cơ sở phải chịu trách nhiệm trực tiếp với cấp trên và trách nhiệm chính trong vấn đề này; cùng với đó là sở, phòng LĐ-TB-XH. "Nói về việc bảo vệ trẻ em, hiện có tới 17 cơ quan, ban ngành liên quan nên rất cần sự vào cuộc chung, trong đó UBND các cấp là chủ yếu, giao cho ban ngành chuyên môn (LĐ-TB-XH), kết hợp công an" - luật sư Trần Minh Cường nói.

Tăng cường tuyên truyền, xử lý nghiêm

Theo luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình, Bộ Luật Hình sự 2015 không quy định trực tiếp việc xử lý đối với hành vi chăn dắt trẻ em đi thổi lửa để xin tiền. Tuy nhiên, tùy vào tính chất hành vi trong từng trường hợp cụ thể, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo các tội thuộc bộ luật này thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng như "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác", "Hành hạ người khác", "Làm nhục người khác", "Vi phạm quy định về sử dụng người lao động dưới 16 tuổi"...

Luật sư Trần Minh Hùng đề xuất cần có hình thức xử phạt nghiêm những đối tượng có hành vi chăn dắt trẻ em để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Đồng thời, nhà nước cần tạo chế độ quản lý, chăm sóc trẻ em vị thành niên không cha mẹ hoặc có cha mẹ nhưng bị bỏ rơi, lang thang… Song song đó, tuyên truyền đến người dân về Luật Trẻ em, vừa để bảo đảm quyền lợi cho trẻ em vừa hình thành thói quen báo ngay cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý khi phát hiện trẻ em bị bóc lột, lợi dụng.

Luật sư Trần Minh Cường nhìn nhận tình trạng chăn dắt trẻ em đi thổi lửa để xin tiền đã diễn ra từ nhiều năm nay. Là thành phố văn minh, nghĩa tình, chính quyền TP HCM cần kiên quyết xử lý dứt điểm tình trạng này. Cùng với đó, cần mở rộng, nâng cao chất lượng các cơ sở phúc lợi xã hội để tập trung các đối tượng ăn xin, lang thang, cơ nhỡ đường phố nuôi dưỡng và chăm sóc y tế.

Về phía người dân, luật sư Trần Minh Cường nhắn nhủ không cho tiền những đứa trẻ thổi lửa ngoài đường phố, vì nếu không còn người cho tiền thì các đối tượng trên cũng không thể tiếp tục thực hiện hành vi. Cùng với đó, báo ngay cơ quan có thẩm quyền để kịp thời ngăn chặn khi phát hiện nhóm đối tượng có dấu hiệu chăn dắt trẻ em để thu lợi bất chính.

"Hiện nay có nhiều tổ chức bảo trợ xã hội, các nhóm tình nguyện viên giúp đỡ người nghèo, trẻ lang thang, cơ nhỡ. Khi phát hiện các trường hợp quá khó khăn, chúng ta nên liên hệ, giúp họ vào các mái ấm tình thương, tổ chức xã hội. Như vậy, vừa bảo đảm cuộc sống cho họ vừa tránh được tình trạng họ bị lạm dụng sức lao động" - luật sư Trần Minh Cường đề nghị.

Rất nguy hiểm

Theo bác sĩ chuyên khoa I Hồ Thanh Lịch, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Nam Sài Gòn (TP HCM), xăng là chất lỏng độc hại gồm các hợp chất hydrocarbon như: ankan, metan, benzen, toluen...; chỉ một lượng nhỏ các chất này khi vào cơ thể đã có thể gây ức chế thần kinh trung ương và ảnh hưởng các cơ quan khác.

Hít phải xăng trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng phổi bởi hơi xăng dễ len lỏi vào phổi và lan đến các phế quản nhỏ, phế nang gây viêm phổi. Nếu vô tình uống phải một lượng lớn xăng có thể gây tổn thương các cơ quan vĩnh viễn, thậm chí tử vong.

Thông tin thêm, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP HCM), cho biết việc nuốt phải xăng dầu sẽ gây ra các biểu hiện về đường tiêu hóa như đau bụng, buồn nôn và có thể tác động đến thần kinh khiến người bệnh giảm trí nhớ, rối loạn ý thức, hôn mê. Ngoài ra, có thể gây phỏng cho chính người thực hiện hoặc người xung quanh khi phun lửa. H.Yến

Ông ĐẶNG HOA NAM, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH):

Vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em

Tôi đã xem phóng sự của Báo Người Lao Động và đánh giá rất cao tác nghiệp của phóng viên. Các bạn đã điều tra rất kỳ công, bất chấp việc bị những đối tượng chăn dắt đe dọa. Nếu đúng như Báo Người Lao Động đã đăng tải thì đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em.

12-CD-342788538_620265426672106_2426273731519839016_n

Ở đây có mấy vấn đề. Khi báo chí cung cấp thông tin, trách nhiệm của chính quyền các cấp, nhất là chính quyền nơi các em thực hiện việc biểu diễn thổi lửa và nơi các em cư trú, cũng như Sở LĐ-TB-XH TP HCM và các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật cần khẩn trương vào cuộc xác minh.

Cụ thể, có những hành vi vi phạm như sau: chăm sóc trẻ không đúng quy định pháp luật (theo Luật Trẻ em và Nghị định 56/2017/NĐ-CP); nếu có hành vi dụ dỗ, ép buộc trẻ đi lao động kiếm tiền trên đường phố là trái với quy định của Luật Lao động; thậm chí là có hành vi bóc lột trẻ em. Ngoài ra, cần làm rõ các đối tượng có hành vi đánh đập, nhục mạ, gây thương tích cho trẻ hay không.

Về hướng xử lý, nếu hành vi của các đối tượng gây tổn hại cho trẻ chưa đến mức xử lý hình sự thì phải bị xử lý vi phạm hành chính. Nếu qua xác minh, điều tra, cho thấy các hành vi đến mức độ phải xử lý hình sự thì xử lý hình sự. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc ngay để làm rõ vấn đề này.

Với người dân, khi thấy những hành vi chăn dắt hoặc trẻ em lao động không đúng quy định pháp luật thì không nên ủng hộ hoặc cho tiền. Cần gọi điện đến cơ quan bảo vệ trẻ em qua Tổng đài 111 hoặc gọi đến đường dây nóng của ngành LĐ-TB-XH các cấp hay trung tâm công tác xã hội của thành phố để thông báo cho họ xử lý.

Từ nội dung Báo Người Lao Động phản ánh, Cục Trẻ em đánh giá đây là hành vi vi phạm quyền trẻ em. Vì vậy, Cục Trẻ em đề nghị chính quyền các cấp của thành phố và các cơ quan chuyên môn, đặc biệt là Sở LĐ-TB-XH TP HCM, phải vào cuộc kịp thời, có thể phối hợp cơ quan công an để xác minh, điều tra, ngăn chặn các hành vi vi phạm kịp thời, không để tái diễn các vi phạm.

Văn Duẩn ghi

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 4-5

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo