Khi từ chiến khu về Sài Gòn đầu tháng 5-1975, tôi và mấy người bạn cùng cơ quan đã có những đêm thức tới hơn 0 giờ, chỉ để đứng trên ban-công tầng 3 nhìn ngắm... xe cộ chạy trên đường phố. Chúng tôi lúc ấy đang ở đường Hồng Bàng (quận 5), số nhà ba trăm mấy thì phải. Và Sài Gòn về đêm với mật độ xe cộ lưu thông trên đường phố như thế đối với tôi thật lạ lẫm. Tôi đã sống nhiều năm ở Hà Nội, chưa bao giờ thấy cảnh này: xe có động cơ bật đèn nối đuôi nhau chạy như một dòng-sông-ánh-sáng chảy trôi bất tận. Chợt hiện về một câu trong bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Ta đã thấy gì trong đêm nay...”.
Những ngày đầu
Vâng, tôi đã thấy... xe máy và ô tô chạy trên đường phố Sài Gòn thật bình yên trong một đêm thanh thản. Tôi đã thấy hòa bình, giản dị và bất ngờ. Tôi đã thấy mình đang ở giữa Sài Gòn, thành phố mà tôi đã mường tượng bao nhiêu năm, từ những câu thơ khờ dại của tôi ngày còn ở Hà Nội, tới những đêm nằm ven lộ Bốn (Cai Lậy, Tiền Giang) nhìn về cái quầng sáng trên bầu trời phía Sài Gòn. Giờ thì tôi đã gặp, lần đầu.
Tôi đã thấy...
Một bé gái 3 tuổi, cháu ruột một người bạn tôi ở chiến khu, líu ríu chào tôi trong ngôi nhà nhỏ bên rạch Thị Nghè. Bất ngờ sao, cháu có tên là Hòa Bình:
Cậu ôm cháu cậu hôn tha thiết
từ hôm nay con vĩnh viễn Hòa Bình
vĩnh viễn là tên con
trên đất này những hố bom và chiến hào đang khép lại
Tên cháu bé là khát vọng của người mẹ nghèo trong ngôi nhà nhỏ bên rạch Thị Nghè, cũng là khát vọng của một dân tộc.
Tôi đã thấy...
Bao nhiêu là số phận trong những ngày đầu hòa bình, trong Mùa xuân đầu tiên (Văn Cao) ấy. Có những cảnh đối lập mà tôi nghĩ chỉ có điện ảnh mới làm bật lên thật rõ, như cảnh chúng tôi thấy giữa những khu phố buôn bán sầm uất, ăn nhậu hà rầm ở Chợ Lớn, lại xen vào những khu nhà ổ chuột với những túp lều làm bằng... vỏ bìa hộp các-tông. Nhìn bà con mình sinh sống trong những cái gọi là nhà đó, thật không sao cầm lòng. Hơi lãng mạn và đa cảm, những chú lính ở rừng về là chúng tôi cứ đứng lặng trước những cảnh đối lập ấy và cứ tưởng đó là những cảnh cuối cùng sẽ được xóa bỏ một ngày không xa.
Tôi đã thấy...
Những cuộc diễu hành tự phát có kèm văn nghệ múa hát, kể cả múa lân, của thanh niên, học sinh - sinh viên Sài Gòn trong những ngày hòa bình đầu tiên. Sự hồn nhiên trong sáng của những “đám rước hòa bình” trên đường phố ấy đã khiến tôi ngạc nhiên không dứt. Vì tôi không thấy cảnh này ở Hà Nội.
Tháng 5-1975, Sài Gòn cứ tưng bừng lên đủ thứ, tùm lum lên đủ thứ. Và tôi, suốt ngày rong ruổi trên các đường phố, làm không ra làm (vì công việc cơ quan đã hoàn thành), chơi không ra chơi, mà ăn thì lại càng... ngẫu hứng, tới bữa đâu ăn đó, đâu cũng gặp bạn bè, đâu cũng được bà con Sài Gòn hồ hởi cho... nhậu. Một buổi sáng, tôi và Ngô Thế Oanh đang định lang thang chợ sách bán “xon” trên đường Lê Lợi thì ông bạn “nối khố” Tám Nhân xịch xe Jeep đến, bảo lên xe đi Vũng Tàu. Ờ thì đi. Hỏi đi làm gì, Tám Nhân chỉ vào 2 ông lớn (lớn tuổi hơn chúng tôi) và giới thiệu: “Đây là anh Lê Đăng Thực, đây là anh Trần Thế Dân ở Xưởng phim Tài liệu trung ương đang làm phim về Sài Gòn giải phóng”. Mãi sau này, Tám Nhân có về làm ở Hãng phim Giải phóng mấy năm, chứ lúc đó, cậu ta cũng như chúng tôi, đâu biết làm phim là thế nào. Anh là dân sinh viên tranh đấu, quen đường thuộc lối Sài Gòn, lại đang làm ở cơ quan Bộ Văn hóa Chính phủ lâm thời miền Nam Việt Nam nên có vẻ oai và thạo việc. Đi với đoàn làm phim kể cũng oai thật, xe có thể dừng dọc đường và máy quay phim của anh Trần Thế Dân làm việc liên tục.
Búp bê, sườn xe đạp và chuyến xe đò
Tôi đã thấy...
Khi xe ra ngã ba Vũng Tàu thì gặp một đoàn toàn lính Bắc hành quân cùng chiều. Cả một đoàn quân ngoài ba-lô và vũ khí giống nhau, những gương mặt lính giống nhau, còn giống nhau khi trên vai mỗi người lính đều khoác một cái sườn xe đạp và một con búp bê. Tại sao chỉ là hai thứ quà “xú-vơ-nia” đó mà không là thứ gì khác? Ống kính anh Dân chắc đã ghi lại hết cái cảnh tượng vừa hào hùng vừa cảm động lại vừa... buồn cười ấy trong những ngày mới giải phóng. “Hành trang của lính” chỉ là vậy, và “chiến lợi phẩm” khi họ giải phóng Sài Gòn “Hòn ngọc Viễn Đông” cũng chỉ có vậy. Những người lính chỉ có cái sườn xe đạp và con búp bê với hy vọng mang về làm quà cho gia đình ngoài Bắc.
Con búp bê và chiếc khung sườn xe đạp ấy, trên vai người lính giải phóng, cũng là biểu tượng của hòa bình.
Tôi đã thấy...
Những ngày hòa bình đầu tiên cũng là những ngày bà con Sài Gòn hồ hởi nhận... họ. Nghĩa là nhận bà con, những người từ miền Bắc vào, những người từ chiến khu bưng biền ra.
Một lần, đang lang thang ở chợ Cũ thì gặp ông bạn Nguyễn Chính và thằng em Lê Văn Mười - lính chủ lực ở Mỹ Tho từng lang thang cơ nhỡ với tôi - đang nhậu lai rai vỉa hè. Chính kéo ngay tôi vào bàn và giới thiệu với một người bạn chạy xe lam, nói anh này có họ hàng với chị Quyên (vợ anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi). Chị Quyên lúc bấy giờ đang ở ngành thương nghiệp giải phóng, sau này về phụ trách nhà hàng Vĩnh Lợi. Chúng tôi tay bắt mặt mừng, uống bia tưng bừng, anh xe lam bao trọn gói. Cũng chẳng biết nếu có họ với chị Quyên thật thì anh xe lam được cái gì. Nhưng hồi đó là vậy. Người Sài Gòn rất tự hào nếu có họ hàng với miền Bắc, nhất là có họ với phía vào giải phóng miền Nam. Họ hàng thế thôi, cho có chỗ dựa tâm lý, chứ chẳng dám nhờ đỡ hay cưu mang gì. Trong khi các mẹ, các chị đi xe đò tuyến Sài Gòn - Mỹ Tho trên Quốc lộ 4 dù chả họ hàng gì với tôi cả nhưng đã nhờ được tôi mang giùm mấy can xăng cho họ. Hồi đó xăng dầu bị cấm buôn bán theo kiểu “hàng xách tay” trên xe đò. Nhìn tôi ngồi hiền lành, mặc quân phục giải phóng, thế là bà con nhờ. Tôi vui vẻ nhận lời, cứ để mấy can xăng ngay dưới chân mình mà không hề lo cháy nổ. Mới giải phóng mà bà con đã buôn xăng dầu rồi, đủ biết buôn bán món hàng này dễ kiếm tiền thế nào!
Đêm đầu tiên sau 5 năm
Tôi đã thấy...
Cầu Hiền Lương bảy nhịp. Đúng vào ngày 20-7-1975.
Tôi đi xe đò ra Bắc, cùng nhà văn Nguyễn Khắc Phục. Mãi sau này mới nhớ ra đó là ngày 20-7. Chúng tôi xuất phát từ Huế. Sở dĩ 2 thằng có chuyến đi chung trở ra Bắc là do tôi không có tiền. Đi lang thang gần như khắp miền Nam sau giải phóng nhưng túi tôi không một xu. Anh em bạn bè bao cho cả. Điều đặc biệt là tuy không có tiền nhưng tôi chả cảm thấy thiếu thốn hay bất tiện. Ai rủ đi đâu tôi cũng đi. Ai cho ăn gì tôi đều hớn hở đón nhận. Vì thế, khi Nguyễn Khắc Phục rủ: “Tao với mày ra Hà Nội đi!” là tôi chịu liền.
Tâm trạng lúc ấy rất khó tả. Dù lang thang, chúng tôi vẫn còn cha mẹ. Nhất là với tôi, cha mẹ già, con một, tôi lại bỏ đi đã 5 năm rồi. Ở rừng, có những lúc thật buồn, tôi đã khóc một mình khi nhớ về thầy má mình. Và tôi biết, ở nơi xa ấy, thầy má tôi cũng đã bao lần khóc trong đêm. “Những giọt nước mắt đời không thấy”. Không ai thấy hết. Suốt chuyến đi, tôi bồi hồi. Lúc xe đò chạy qua cầu Hiền Lương, tự nhiên rưng rưng. Nhớ khi vượt Trường Sơn vào chiến trường Nam Bộ, tôi có hứa với lòng mình là sẽ vào Nam bằng đường Trường Sơn và trở ra Hà Nội theo đường số Một. Tôi đã hoàn thành được ước nguyện ấy. Được trở về Hà Nội qua cầu Hiền Lương, lại tình cờ đúng vào ngày 20-7.
Tôi đã thấy...Căn phòng nhỏ bé của cha mẹ mình, sau 5 năm xa cách.
Ra tới Hà Nội vào buổi chiều, Phục kéo tôi chạy về khu tập thể Kim Liên thăm ông anh ruột, sau đó đưa tôi tới nhà Đặng Nhật Minh để mượn cho tôi cái xe đạp. Phục với Minh là bạn từ trước khi Phục đi B và Đặng Nhật Minh có làm một bộ phim từ truyện của Phục. Nhà Đặng Nhật Minh hơi xịn so với Hà Nội hồi đó, ra dáng biệt thự Tây. Ông vui vẻ cho tôi mượn chiếc xe đạp Phượng Hoàng. Tôi hớn hở đạp xe về Gia Thượng - Ngọc Thụy - Gia Lâm, trại nghiên cứu tằm tơ của Bộ Nông nghiệp, nơi thầy má tôi ở từ nhiều năm nay. Khi đạp xe qua cầu Long Biên, có cảm giác như cây cầu già nua đầy thương tích này bật ùa tới đón tôi, một người quen cũ. Khỏi nói, thầy má tôi đã xúc động và hạnh phúc như thế nào khi thấy tôi về, còn nguyên vẹn, chỉ trông hơi nhếch nhác bụi đời sau 5 năm với bao khốn khổ trong một cuộc chiến tranh ở cả hai miền Nam - Bắc. Hóa ra, dù ở Hà Nội, thầy má tôi vẫn “được” đội bom B52, y như con mình ở chiến trường. Đó là vào cuối năm 1972, khi Mỹ dốc toàn lực đánh thẳng vào Hà Nội bằng máy bay ném bom chiến lược B52. Trại tằm vẫn còn nguyên mấy hố bom. May mà cả trại không có ai bị thương tích. Bà con hàng xóm, cơ quan má tôi kéo tới thăm hỏi tôi. Má tôi nhanh nhẹn thịt con gà nhà nuôi cho buổi tối sum họp. Bây giờ nghĩ lại, trong tôi vẫn tràn ngập cảm giác ấm áp ấy, khi đứa con xa nhà 5 năm được ngồi bên cha mẹ, được ăn uống dưới ánh mắt yêu thương âu yếm của cha mẹ mình. Và đêm đầu tiên, được ngủ trên chiếc giường đơn quen thuộc, sau 5 năm.
“Ta đã thấy gì trong đêm nay...”.
Tôi đã thấy Hòa Bình. Tôi đã thấy Thống Nhất. Tôi đã thấy “Mùa xuân đầu tiên” trên gương mặt mỗi người Việt Nam quen, lạ mà tôi gặp:
Ta đã thấy gì trong đêm nay
Bàn tay muôn vạn bàn tay
Những ngón tay thon nối tật nguyền
Nối cuộc tình nối lòng đổ nát
Bàn tay đi nối anh em... (Trịnh Công Sơn)
Vâng, tôi đã thấy và đã cùng “nối vòng tay lớn” với hàng triệu bàn tay Việt vào mùa hạ năm 1975 ấy.
Bình luận (0)