Nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân sống ven biển xã Quảng Công bị đe dọa bởi tình trạng biển lấn vào bờ gây sạt lở, “ngoạm” nhiều nhà dân khi mùa mưa bão đến. Để bảo đảm an toàn cho người dân, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng 3 khu tái định cư (TĐC) An Lộc - Tân Thành, Hải Thành - Cương Giáng và Tân An, tổng diện tích 40 ha, vốn đầu tư gần 70 tỉ đồng cho 204 hộ dân di dời đến đây.
Hạ tầng chưa hoàn thiện
Đến nay, có 154 hộ chuyển lên khu TĐC làm nhà sinh sống, số còn lại chỉ xây nền móng hoặc phần thô rồi để vậy. Như khu TĐC thôn An Lộc, nhiều căn nhà lợp fibro xi-măng được xây dựng trên nền đất cát, chưa được quét sơn; nhiều nhà chỉ mới xây lên 4 bức tường, chưa có cả trần nhà hoặc chỉ làm được phần nền móng ở dưới rồi để vậy. Với những người đã dọn đến sống, hạ tầng giao thông và hệ thống điện nước vẫn chưa hoàn thiện nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
Anh Nguyễn Tám (38 tuổi, ngụ thôn An Lộc) kể: “Những năm gần đây, sạt lở trầm trọng, xâm thực vào đất liền 20 m nên chúng tôi cũng muốn vào khu TĐC. Tôi vừa chuyển lên đây 3 tháng, không có điện nên phải kéo nhờ điện từ trụ điện nhà hàng xóm cách 200 m để dùng. Vì đường dây tải điện dài nên tiền điện cũng tăng vọt, nhà không có tivi, tối chưa tới 21 giờ đã tắt điện rồi mà tháng nào tiền điện cũng cao. Đường sá thì chỉ có làm trục đường chính, đường vào nhà dân chưa làm nên nhiều nhà vẫn chưa có đường để đi”.
Không có tiền xây nhà
Được biết, chính quyền hỗ trợ cho người dân lên TĐC sinh sống theo 2 đợt. Từ năm 2007 đến 2014, mỗi hộ dân được nhận hỗ trợ 14,5 triệu đồng; đợt 2 từ năm 2015 đến nay, mỗi hộ dân được nhận 20 triệu đồng và được cấp đất để xây nhà. Tuy nhiên, với nhiều hộ dân vùng xã bãi ngang ven biển Quảng Công, cuộc sống còn khốn khó, chỉ có bám biển mưu sinh, nay lại ảnh hưởng do sự cố môi trường biển nên số tiền được hỗ trợ vẫn không thể giúp họ xây được một căn nhà trên vùng đất TĐC.
“Để xây được một căn nhà đơn giản cũng mất ít nhất 40-50 triệu đồng rồi, dân thì nghèo, tiền mô mà xây? Điện không có, đường sá chưa làm xong nên một số hộ không đủ tiền làm nhà thì nhận tiền hỗ trợ rồi làm móng xong để đó, về sống lại ở nhà cũ vùng sạt lở chờ khi có tiền mới làm được” - anh Nguyễn Tám giải thích.
Chuyển lên khu TĐC, đất sản xuất không có, các hộ dân vẫn mưu sinh chủ yếu bằng nghề đi biển. Trong khi khu TĐC cách xa biển, đường đi ra biển không chạy xe được mà phải băng qua đồi cát nên hoạt động đánh bắt cũng vất vả hơn. Ông Võ Thuận (68 tuổi; ngụ thôn 8, xã Quảng Công) than thở: “Sau sự cố môi trường biển, công việc đánh bắt bị ảnh hưởng, cả nhà tôi 11 người con nhưng chỉ có tôi và đứa con trai đầu bám biển mưu sinh. Giờ chuyển lên khu TĐC, mỗi lần đi biển cũng xa hơn. Khi đánh bắt về, đưa cá từ biển vào tới nhà cũng rất vất vả”.
Ông Lê Duận, Chủ tịch UBND xã Quảng Công, cho biết: “Do biển xâm thực vào bờ gây sạt lở, nhiều nhà dân sống ở gần biển bị sập, đe dọa đến tính mạng. Xã đã hỗ trợ cấp đất, nhà nước hỗ trợ tiền cho người dân lên sinh sống trên khu TĐC để bảo đảm an toàn. Về một số hộ chưa có điện, xã cũng đã có kiến nghị nhiều lần lên cấp trên để sớm kéo điện lên cho bà con sinh hoạt, giúp người dân sớm an cư lạc nghiệp”.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có 10 điểm sạt lở bờ biển với chiều dài 30 km, tập trung chủ yếu ở các vùng biển thuộc các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc.
Bình luận (0)