Con tàu ĐNA 90304 của anh Trương Văn Minh đang nằm bờ chưa thể ra khơi trở lại, do chưa có tiền để mua lưới mới đánh bắt
Trở lại làm thuê
Từ lúc 10 tuổi, Nguyễn Văn Em đã theo cha đi biển. Năm 27 tuổi, anh lập gia đình rồi vay mượn người thân 60 lượng vàng hùn vốn với một người bạn mua một chiếc tàu công suất 60 CV, hành nghề câu mực ngoài biển khơi. Hơn 2 năm sau, người bạn mua chung tàu vào TPHCM làm ăn nên để lại con tàu cho anh làm chủ. Những năm đầu, công việc đánh bắt rất thuận lợi nên việc trả nợ suôn sẻ. Rồi một ngày đầu tháng 6 -2006, trong lúc đang câu mực ngoài biển khơi thì cơn bão Chanchu bất ngờ ập đến. Anh và các ngư dân may mắn thoát chết, nhưng thân tàu đã bị sóng dữ đập tơi tả, hư hỏng nặng nề. Hơn 2 tháng tu sửa, con tàu đã ngốn hơn 200 triệu đồng, rồi anh Em lại tiếp tục ra khơi đánh bắt. Nợ cũ lẫn nợ mới chưa trả xong thì đến tháng 10-2006, cơn bão Xangsane lại đổ vào Đà Nẵng nhấn chìm hàng trăm chiếc tàu đang neo đậu trên dòng sông Hàn, trong đó có tàu của anh Em.
Hơn 5 ngày sau, khi cơn bão đi qua, anh Em thuê người trục vớt con tàu lên khỏi mặt nước nhưng nó đã bị hư hỏng nghiêm trọng. Không vay được tiền sửa chữa nên con tàu phải nằm bờ, rồi lâu ngày bị gỉ sét, đành bán phế liệu. Không có tàu, không còn cách nào khác, anh Em lại đi làm thuê cho chủ tàu khác.
Anh Lê Văn Ánh (quận Sơn Trà) cũng cùng cảnh ngộ như anh Em. Anh Ánh vay mượn trên 50 lượng vàng cùng với số tiền dành dụm được để mua con tàu ra khơi đánh bắt, nhưng không may, những chuyến ra khơi của anh đã bị tàu nước ngoài tấn công, cướp hết lưới nên phải ôm nợ. Rồi cơn bão Xangsane năm 2006 cũng nhấn chìm con tàu trị giá hơn 100 lượng vàng. Anh Ánh bỗng nhiên trở thành con nợ, phải đi làm thuê cho các chủ tàu khác kiếm sống.
Mong được hỗ trợ để trở lại với nghề
Từ ông chủ tàu, anh Nguyễn Văn Em trở thành người làm thuê. Anh đang vá lưới để cùng chủ tàu chuẩn bị ra khơi
Trò chuyện với chúng tôi, anh Minh cho biết anh có thâm niên hơn 30 năm hành nghề trên biển. Trong cơn bão Chanchu, chiếc tàu ĐNA 90190 của anh cũng bị sóng đánh chìm ngoài biển khơi. Khi đó anh cùng các ngư dân trên tàu may mắn bám được vào một hòn đảo thuộc Hoàng Sa của Việt Nam nên may mắn thoát chết. Toàn bộ tài sản của gia đình đầu tư vào con tàu và số tiền vay mượn trên 500 triệu đồng cũng bị sóng cuốn trôi, anh trở lại 2 bàn tay trắng. Thông cảm hoàn cảnh của anh nên 2 người thân cho mượn 2 sổ đỏ để thế chấp vay tiền ngân hàng mua con tàu mới ĐNA 90304 tiếp tục ra khơi đánh bắt. Cuộc sống gia đình anh Minh cũng rất khốn khó, cả gia đình 5 nhân khẩu phải ở nhà thuê. Hằng ngày chị Trần Thị Lệ Nga (vợ anh Minh) phải dậy từ sáng sớm, xuống biển mua từng con cá, con tôm về bán lại kiếm chút tiền phụ giúp mua gạo nuôi con. Ước mong lớn nhất của anh Minh là được hỗ trợ tiền để mua lưới ra khơi đánh bắt.
Mua bảo hiểm tai nạn cho ngư dân Ông Hồ Phó, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng, cho biết hiện Đà Nẵng có trên 300 chiếc tàu công suất lớn thay phiên nhau ra khơi. Nghề biển có nhiều rủi ro, nguy hiểm và khi bị tổn thất nặng nề, nếu không được cơ quan bảo hiểm đền bù, ngư dân thường phải trắng tay, nợ nần chồng chất, có khi phải bỏ nghề... Mới đây, để hỗ trợ ngư dân bám biển, UBND TP Đà Nẵng đã quyết định hỗ trợ 100% chi phí mua bảo hiểm tai nạn cho ngư dân. Theo đó, lao động và thuyền viên các tàu đánh cá xa bờ có công suất từ 50 CV trở lên sẽ được hỗ trợ 100% phí mua bảo hiểm tai nạn với mức 64.000 đồng/thuyền viên/năm. Đây loại hình bảo hiểm cho trường hợp thương tích, chết do tai nạn trên biển. Ngoài ra, TP Đà Nẵng cũng hỗ trợ gắn thiết bị định vị, thông tin liên lạc cho tàu xa bờ và mở các lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng. |
Bình luận (0)