Rạng sáng 28-2-2012, do ngủ gật, tài xế chiếc ô tô 7 chỗ đã để xe lạc tay lái tông sập mái hiên một tiệm bún riêu trên đường 741 đoạn qua xã Hòa Lợi, huyện Bến Cát - Bình Dương, làm 2 phụ nữ thương vong. Trước đó, sáng 13-1, chiếc ô tô của CSGT tỉnh Bạc Liêu đi tuần tra trên Quốc lộ 1A đã bị xe tải chạy ngược chiều tông phải, cũng do tài xế chập chờn. Trên Quốc lộ 1A đoạn qua xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức - Quảng Ngãi rạng sáng 3-2, tài xế một chiếc xe container ngủ gật đã để xe tông sập 2 căn nhà bên đường…
Thèm ngủ lắm!
Sáng 26-3, vẫn còn ngái ngủ sau một giấc chập chờn, anh N.V.M, 34 tuổi, tài xế của một doanh nghiệp (DN) vận tải tại quận 9 - TPHCM, phân trần: “Hôm qua, tôi chạy xe liên tục từ TPHCM về miền Tây, đi từ 5 giờ đến 2 giờ sáng nay mới về TPHCM. Đến TP lại làm một số thủ tục giấy tờ, mãi 4 giờ mới chợp mắt được. Ngủ được vài giờ lại quày quả về nhà chơi với con để tối nay lại đi tiếp”.
Tuy nói là tối mới đi nhưng khoảng 16 giờ, M. đã đến quán cà phê gần bãi xe chờ sẵn. “Thiếu ngủ không đáng sợ bằng việc phải đi đêm hôm một mình. Trời mát, đường vắng nên cứ phóng xe đi, có lúc bất thần ngủ gật vài giây mà không biết. Cánh tài xế đường dài chúng tôi thèm ngủ lắm, dù biết là chết như chơi nhưng không cưỡng nổi” - anh cho biết.
Với gương mặt luôn bơ phờ vì thiếu ngủ, anh T.M.Tr, ngụ quận 2 - TPHCM, nhấp vội ly cà phê rồi tâm sự: “Mỗi ngày, tôi chạy 2 tài, cứ 8 giờ ra cảng lấy hàng đi giao, khoảng 7-8 giờ sau quay lại TP, chỉ kịp ăn cơm rồi 18 giờ 30 phút đã đi chuyến khác. Gặp lúc kẹt xe, tài xế đành ăn bánh mì ngay trên cabin để tiết kiệm thời gian. Mất ngủ triền miên nên đôi lúc tôi ngủ gật trên đường, tỉnh dậy thấy sợ vô cùng”.
Vừa xin nghỉ lái xe buýt cho một HTX, anh L., ngụ quận 5 - TPHCM, thở dài: “Chạy xe buýt mỗi ngày ôm vô lăng 10-14 giờ, từ 4 giờ đã ra khỏi nhà, đến hơn 20 giờ mới về, nghỉ ngơi chẳng được bao nhiêu. Khi chuyển qua chạy hợp đồng cho một DN vận tải khách “mồ côi”, tôi té ngửa vì họ bắt tài xế hoạt động hết công suất. Chỉ cần buông tay lái là mắt tôi đã ríu lại, có khi bỏ cả cơm để được ngủ”.
Khó kiểm soát
Theo quy định, tài xế không được lái xe liên tục quá 4 giờ và không được lái xe quá 10 giờ/ngày. Thượng tá Nguyễn Kim Hải, phụ trách Phòng Hướng dẫn - Tổ chức tuần tra, kiểm soát giao thông - Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt (C67) Bộ Công an, cho biết hiện rất khó kiểm soát việc tài xế tuân thủ đúng các quy định này. “Làm sao giám sát được chuyện đó khi chúng ta chưa có những công cụ hữu hiệu? Nếu chỉ trông chờ vào sổ nhật trình chạy xe thì rất khó xử phạt, bởi nhiều DN thay tài xế tại các trạm dừng nghỉ của mình” - ông Hải phân tích.
Một lãnh đạo Vụ An toàn giao thông - Bộ GTVT thừa nhận việc giám sát tài xế gặp rất nhiều khó khăn, điều này buộc bộ phải đốc thúc quá trình lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) trên xe. “Việc này sẽ giúp nhà xe cũng như cơ quan quản lý kiểm soát được các thông số về tốc độ, số lần dừng đỗ, chạy xe trên đường. Việc lắp đặt hộp đen đang được tiến hành theo lộ trình nên đến năm 2013, lực lượng CSGT mới có thể xử phạt những xe không thực hiện” - vị này cho biết.
Doanh nghiệp cũng có trách nhiệm Trong lúc cánh tài xế luôn than phiền thiếu ngủ, dẫn đến dễ gây tai nạn giao thông khi điều khiển phương tiện thì phần đông DN vẫn phớt lờ, luôn mong muốn, thậm chí ép các bác tài chạy xe càng nhiều càng tốt. Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Ban Chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM, cho rằng việc tài xế chịu áp lực công việc từ chủ DN dẫn đến nguy cơ lái xe không an toàn, nếu để xảy ra tai nạn thì DN cũng phải chịu một phần trách nhiệm. Để giảm nguy cơ có thể xảy ra, theo ông Tường, chủ DN vận tải nên nhắc nhở, giáo dục tài xế chấp hành tốt các quy định. Bản thân chủ DN cũng phải chấp hành quy định lái xe an toàn cho tài xế như giờ giấc, thời gian chạy xe…, bởi tài xế cũng là con người chứ không phải máy móc. |
Bình luận (0)