Có những câu chuyện ta nghe như cổ tích giữa đời thường và ở lại với sự trĩu nặng, có cả vui lẫn buồn. Vui vì còn có nhiều người tốt, những tấm lòng thơm thảo; buồn vì xã hội còn lắm tham sân si.
Giúp người là lẽ sống
Chị Đặng Mỹ Duyên, một nữ nhà văn, sống ở Tây Ninh, cộng tác với một số báo ở Sài Gòn. Chị nghèo vật chất nhưng giàu lòng nhân, lấy việc giúp người làm lẽ sống của mình. Sống bằng ngòi bút một cách thanh đạm, chị nuôi hai con ăn học và cùng bạn bè lặng lẽ giúp những cảnh đời nghèo khó.
Dăm bữa nửa tháng, người ta lại thấy chị trên chiếc xe máy chạy từ Tây Ninh về Sài Gòn. Lịch trình rất kín: Khoảng hơn 9 giờ tới trung tâm thành phố, ghé tòa soạn một vài tờ báo lấy nhuận bút truyện ngắn, tùy bút hay phóng sự. Sau đó ghé nhà một vài “mạnh thường quân” và chút rảnh rỗi giờ chót là ngồi quán cà phê nào đó với bạn bè thân. Ở đó, bạn bè lại góp chút đỉnh với chị để đường về nhẹ lòng. Rồi chị lại cùng các bạn đến với những cảnh đời bất hạnh cần được sẻ chia, tiếp sức để bước đi giữa cuộc đời.
Một cô bé nhà nghèo, tưởng đã dang dở học hành. Nhờ nhóm bạn của chị, nhất là ông anh con nuôi của ba chị - một thầy giáo có nhiều kinh nghiệm - kèm cặp, đã được tiếp tục học, ôn thi và thi đậu đại học sư phạm. Hôm cô học trò đi thi, chị và ông anh ngồi ngoài quán vỉa hè ngóng đợi và đến trưa thì chờ đón cô bé, khuôn mặt họ giãn ra khi cô học trò nói làm bài tốt bằng giọng điệu tươi vui.
Hôm đầu tháng 12-2015, tranh thủ chạy ra với chị ở quán cà phê, nữ doanh nhân Kim Thanh gửi cho chị một khoản để “phụ chăm các cháu” và hỏi chuyện về cô bé Thanh Tiên, tỏ ý vui mừng khi bé qua được nhiều bệnh tật như một phép mầu.
Bé Tiên sinh năm 2010, chỉ 40 ngày sau khi sinh thì bé mất mẹ, cha lại bệnh tật, ai kêu gì làm nấy. Bà nội ẵm cháu theo bán vé số, tối về chui rúc trong căn chòi lụp xụp gần bô rác ở chợ Long Yên, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh. Bé suy dinh dưỡng nặng, tim bẩm sinh và viêm phổi, bị lây AIDS từ mẹ. Tháng 3-2015, khi phát hiện hoàn cảnh đáng thương này, chị và nhóm bạn vận động xây lại nhà, đưa bé đi chữa bệnh.
Nhờ nhà văn Đặng Mỹ Duyên cưu mang, bé Thanh Tiên đã vui, khỏe hơn
Từ đóng góp của nhiều người, bà nội bé đã có căn nhà nhỏ. Để trị bệnh cho bé, chị quyết định đưa bé về sống ở nhà mình. Bé bệnh nặng nên gầy còm, 4 tuổi mà đi chưa vững, đầu lở chốc. Chị thuốc thang, giữ cho bé sạch sẽ, dạy bé đánh răng, vệ sinh thân thể. Hàng xóm ai cũng nói khó tin chị làm được nhưng mỗi ngày thấy bé khỏe ra, da dẻ lành lặn, bé đi vững và vui vẻ hoạt bát, ai cũng mừng.
Sự khiêm cung đồng hành với lòng tốt
Chị cứ làm việc thiện một cách lặng thầm, không khoa trương, cùng bạn bè thân quen tìm cách giúp đỡ những cảnh đời thiếu may mắn. Với chị, cũng như nhiều người chuyên tâm làm việc thiện, đó chỉ là những việc phải làm do sự thôi thúc từ sâu thẳm trái tim, từ lòng trắc ẩn bản năng và tình cảm giữa con người với con người; có thể đó cũng là từ mặc định “nhân chi sơ, tính bản thiện” mà thành. Có lẽ vì vậy mà những người làm việc tốt cứ khiêm cung, quên mình làm điều thiện.
Ở Sài Gòn còn có một người như thế. Chị Nguyễn Mai Châu làm nghề bỏ mối hải sản, có con gái làm nhân viên pha chế, hai mẹ con thuê nhà trong hẻm nhỏ ở đường Nguyễn Văn Cừ, quận 5. Cuộc sống không dư dả gì song chị hết lòng giúp đỡ người bệnh, người ngặt nghèo, cơ nhỡ. Không dám ăn cơm tiệm, sắm áo mới nhưng chị chẳng tiếc tấm áo hay ổ bánh mì, ít thuốc men cho người cần giúp.
Cũng với tấm lòng thơm thảo, anh Nguyễn Thành Trung, 26 tuổi, giám đốc một doanh nghiệp ở quận Long Biên, TP Hà Nội, được nhiều người cảm mến. Anh Trung thường tặng gạo và trứng hằng tháng cho người nghèo. Cứ cuối tuần, anh lại đi quyên góp gạo rồi cùng nhóm từ thiện đóng thành từng bao 10 kg để phân phát cho người nghèo.
Chị Châu hay anh Trung, chị Duyên và rất nhiều người khác thường chỉ nói về cách giúp đỡ người khác, sao cho họ có cuộc sống dễ chịu hơn, thoát khỏi đói nghèo, nghịch cảnh mà không hề nói về những cố gắng của mình. Một nữ nhà báo nổi tiếng từng nhận xét rằng kinh nghiệm để nhìn ra một nhà từ thiện chân chính là họ rất thu mình và kiệm nói, luôn cực kỳ thận trọng trong những phát ngôn, đặc biệt phát ngôn liên quan tới người khác.
Sống giản dị, khiêm tốn nhưng những người làm việc thiện hôm nay cũng linh hoạt sử dụng các phương tiện thông tin để mời gọi thêm nhiều người góp sức. Trên Facebook, người ta thường gặp những nhóm bạn gọi nhau đóng góp, tổ chức những chuyến đi thiện nguyện, trong đó không thể không nhắc đến sự có mặt của “dân phượt” với các chuyến đi kết hợp làm từ thiện tại điểm đến trong hành trình. Nhiều câu chuyện tử tế đăng tải trên báo và truyền hình, các chương trình truyền hình thiện nguyện cũng ngày càng phong phú. Một xã hội đầy lòng nhân hơn với nhiều chuyện tử tế hơn.
Bình luận (0)