Sau kiến nghị của UBND quận Bình Tân về việc xem xét giảm cao độ tuyến đường dự án Cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương (đoạn từ mũi tàu Phú Lâm đến vòng xoay An Lạc; quận Bình Tân, TP HCM), cuộc sống của hàng trăm hộ dân vẫn bí bách bởi công trình ngổn ngang, khói bụi mù mịt và nỗi ám ảnh ngập khi mưa lớn, triều cường.
539 hộ dân, 27 cơ quan bị ảnh hưởng
Ông Võ Thanh Huy, Giám đốc Ban Quản lý dự án Cải tạo kênh Ba Bò (thuộc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP, gọi tắt Trung tâm Chống ngập), cho biết năm 2012, khi lập dự án Cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương đã lấy ý kiến của UBND quận Bình Tân và quận đã đồng ý.
“Xác định việc nâng đường lên cao độ 2.0 để chống ngập sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân hai bên đường nên chúng tôi đã đề nghị UBND quận lấy ý kiến người dân phường An Lạc và An Lạc A. Khi họp dân, chúng tôi mang cả bản đồ tới dán ở hội trường để giúp họ hình dung được nhà mình phải nâng bao nhiêu. Kết quả, hơn 90% hộ dân thống nhất với việc nâng đường lên 2 m” - ông Huy nhắc lại.
Tuy nhiên, trong quá trình thi công, nhiều hộ dân phản ánh việc nâng đường lên quá cao khiến cuộc sống bị đảo lộn, buôn bán gặp nhiều khó khăn. Ngày 18-5, UBND quận Bình Tân kiến nghị UBND TP, Sở Giao thông Vận tải TP và Trung tâm Chống ngập xem xét giảm cao độ thiết kế của dự án xuống để không ảnh hưởng nhiều đến các hộ gia đình dọc hai bên đường.
Theo UBND quận Bình Tân, dự án ảnh hưởng đến 539 hộ dân, 27 cơ quan hành chính, sự nghiệp. Sau đó, Sở GTVT TP yêu cầu Trung tâm Chống ngập nghiên cứu phương án điều chỉnh hạ thấp cao độ mặt đường mà vẫn bảo đảm thoát nước cho khu vực nhưng Trung tâm Chống ngập kiến nghị giữ nguyên cao độ.
Nhiều khó khăn nếu giảm cao độ
Ông Huy cho biết việc tạm ngưng thi công hơn 10 ngày qua khiến các phương tiện lưu thông qua đây rất khó khăn do chỉ được đi trên một nửa đường (7,5 m). Vấn đề bụi bặm cũng không tránh khỏi vì đã có một khối lượng lớn đá các loại đổ xuống mặt đường. Việc tạm ngưng dự án (trước đây dự kiến quý III/2016 hoàn thành) khiến người dân tiếp tục chịu thiệt thòi. “Chúng tôi không muốn đổ thừa nhưng rõ ràng công tác dân vận của quận Bình Tân chưa tốt” - ông Huy nói.
Cũng theo ông Huy, nếu giảm cao độ thì phải bố trí một máy bơm tại cửa xả hẻm Sinco có công suất tối thiểu 23.000 m3/giờ, diện tích chiếm dụng khoảng 1.200 m2, chi phí xây dựng 40 tỉ đồng (chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng). Tuy nhiên, trạm bơm này cũng chỉ hoạt động được đến năm 2019 vì phải trả mặt bằng cho dự án Cải tạo rạch Bà Tiếng. Bên cạnh đó, nếu giảm cao độ đường Kinh Dương Vương thì cũng phải điều chỉnh lại cao độ hai bên đường cũng như các tuyến đường kết nối với đường Kinh Dương Vương.
Còn Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế B.R (đơn vị tư vấn dự án) khẳng định nếu hạ cao độ thiết kế xuống dưới 1,7 m sẽ xảy ra tình trạng ngập khi mưa lớn trùng với thời điểm triều cường do cao độ mép đường thiết kế đã xấp xỉ mực nước đỉnh triều (1,68 m). Hơn nữa, giảm xuống 30 cm so với thiết kế thì độ cao của vỉa hè với nền nhà dân ở một số đoạn vẫn còn trên 1,2 m. Bên cạnh đó, đường Kinh Dương Vương có lớp đất bề mặt là bùn sét yếu, trong quá trình sử dụng nền đường sẽ tiếp tục lún nên sẽ có rủi ro tái ngập sau khi đường đưa vào sử dụng. Do đó, Công ty Tư vấn Thiết kế B.R kiến nghị giữ nguyên cao độ thiết kế tại tim đường là 2 m và mép đường tối thiểu 1,7 m. Trung tâm Chống ngập cho biết sẽ cùng với đơn vị tư vấn thiết kế đưa ra một số phương án để trình UBND TP quyết định.
Người dân cần hỗ trợ vốn sửa nhà
Theo khảo sát một số hộ dân hai bên đường, chúng tôi ghi nhận nhiều hộ dân không biết việc cơ quan chức năng sẽ nâng đường cao như hiện tại. Tại tuyến đường Kinh Dương Vương, hàng chục hộ dân đang nâng nhà để tránh ngập vào mùa mưa. Một số căn nhà đã treo biển bán nhà hoặc đóng cửa im ỉm.
Ông Huỳnh Ngọc Phú (ngụ số 634 Kinh Dương Vương, phường An Lạc) cho biết từ khi nâng đường, việc kinh doanh của gia đình ông gặp nhiều khó khăn. Ông Phú tính toán đường nâng 1,2 m, nhà ông phải nâng 1,4 m và mái phải nâng lên 2 m. “Nếu nâng toàn bộ nhà, ít nhất mất khoảng 400 triệu đồng. Đâu phải mình nhà tôi, những nhà khác cũng tốn kém tương tự nhưng không phải ai cũng có tiền để làm nhà. Mong TP có chính sách hỗ trợ cho những hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án để chúng tôi có tiền nâng nhà, không phải sống trong những căn hầm và đêm mưa mất ngủ vì phải tát nước” - ông Phú kiến nghị.
Bình luận (0)