Theo phản ánh của bà Phạm Thị Lang (SN 1956; ngụ ấp Bắc Đông, xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An), vào năm 2002, bà và ông Đặng Minh Dũng (nguyên Tỉnh đội phó Tỉnh đội Kiên Giang) hợp tác sang nhượng lại 130 ha đất rừng phòng hộ của 10 hộ dân ở huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang để đầu tư trồng rừng với thời hạn 50 năm.
Việc làm khó hiểu của TAND tỉnh Kiên Giang
Trong đó, bà Lang quản lý, sử dụng 69,2 ha; phần còn lại thuộc về ông Dũng. Sau khi được chính quyền địa phương cùng với các cấp có thẩm quyền chấp thuận việc nhận khoán rừng, bà Lang và ông Dũng đầu tư cải tạo, trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng rất tốt.
Vào ngày 17-2-2009, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Kiên Giang ban hành Quyết định 65/QĐ-NN và 66/QĐ-NN về việc thu hồi toàn bộ diện tích đất rừng của bà Lang và ông Dũng để giao khoán cho 15 hộ dân khác. Bà Lang và bà Nguyễn Thị Huỳnh Nga (vợ ông Dũng) làm đơn khởi kiện các quyết định trên. Thế nhưng, đến nay, TAND tỉnh Kiên Giang chỉ đưa ra xét xử vụ việc liên quan đến bà Lang.
Tại bản án sơ thẩm số 03, ngày 6-3-2013, TAND tỉnh Kiên Giang không chấp nhận đơn của bà Lang khởi kiện Quyết định 65/QĐ-NN đồng thời bác yêu cầu bồi thường thiệt hại hơn 5,2 tỉ đồng. Ngày 12-9-2013, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM tuyên hủy án sơ thẩm vì vi phạm tố tụng và đề nghị cấp sơ thẩm xét xử lại. Tại bản án sơ thẩm số 04 (lần 2), ngày 29-5-2014, TAND tỉnh Kiên Giang một lần nữa tuyên bác yêu cầu khởi kiện của bà Lang. Sau khi nguyên đơn kháng cáo, ngày 11-3-2015, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM lại tuyên hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ về cấp sơ thẩm để giải quyết lại theo đúng quy định của pháp luật. Dù vậy, TAND tỉnh Kiên Giang vẫn “ngâm” hồ sơ mặc cho đương sự chịu cảnh khổ vì nợ nần chồng chất.
Sở NN-PTNT đã nhận sai…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, gia đình bà Phạm Thị Lang từng là cơ sở cách mạng thời chống Mỹ, nuôi giấu ông Đặng Minh Dũng. Năm 2002, ông Dũng là Tỉnh đội phó Tỉnh đội Kiên Giang, ghé thăm bà Lang. Thấy hoàn cảnh gia đình của ân nhân quá khó khăn (chồng bà Lang bị tai nạn, phải nằm một chỗ; 5 người con đang tuổi ăn học), ông Dũng muốn giúp bằng cách mời bà hợp tác trồng rừng. Bà Lang gom toàn bộ vốn liếng và vay thêm tiền ngân hàng đổ vào trồng rừng với hy vọng 5-10 năm sau sẽ thu hồi vốn, có lãi.
“Tôi đâu có ngờ sau 5 năm vất vả trồng rừng lại phải chịu cảnh trắng tay rồi nợ nần chồng chất như thế này. Bị ngân hàng xiết nợ, tôi phải mượn tạm mảnh đất gần 3 ha của con rể đem đi thế chấp. Rồi nợ lại tiếp tục quá hạn, nợ chồng nợ nên mảnh đất mượn tạm đó cũng đã bị ngân hàng bán đấu giá. Gia đình tôi và con gái vì thế mà lục đục. Có khi tôi phải bỏ lên chùa ở cả tuần để lánh nạn” - bà Lang nghẹn ngào.
Trong một diễn biến khác, mới đây, tại TAND Tối cao ở TP HCM, đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang thừa nhận việc sang nhượng đất rừng của bà Lang là hợp pháp. Đặc biệt, trong quá trình quản lý, bà đã trồng 10 ha cừ tràm và 30.000 cây tràm bông vàng, xà cừ... nhưng chưa được bồi thường; thừa nhận Quyết định 65/QĐ-NN của sở là sai nên sở đã ra quyết định khác để thay thế. Vì các lẽ đó, Tòa Phúc thẩm đưa ra nhận định nếu sở đã hủy Quyết định 65/QĐ-NN thì hồ sơ hợp đồng giao khoán, chăm sóc, bảo vệ rừng của nhóm bà Lang vẫn còn nguyên giá trị. Do vậy, việc tòa sơ thẩm (lần 2) của TAND tỉnh Kiên Giang bác đơn của bà Lang là không có căn cứ.
Trong “thông báo rút kinh nghiệm” của VKSND Cấp cao tại TP HCM có đoạn: “Đáng lẽ (tòa sơ thẩm Kiên Giang) phải xác định rằng việc ban hành các quyết định và thực hiện các quyết định tùy tiện của giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang mới phát sinh tranh chấp, do đó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang phải chịu trách nhiệm về những hậu quả thiệt hại phát sinh từ những quyết định trên theo quy định của pháp luật...”.
Hiện bà Phạm Thị Lang nợ ngân hàng hơn 2 tỉ đồng, mất khả năng thanh toán, chỉ còn biết trông chờ vào tiền bồi thường của nhà nước.
Bình luận (0)