Hiện các “sát thủ” ở ĐBSCL đang dùng mọi cách như bẫy lưới, dây câu và thậm chí là dùng mồi tẩm độc để săn bắt cho bằng được nhiều giống chim, cò. Nhiều vườn chim, cò tự nhiên của người dân và cả ở các khu rừng tràm do nhà nước quản lý cũng đang dần bị xóa sổ.
Bày bán đầy đường
Dọc các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ ở ĐBSCL hiện có rất nhiều điểm bán chim, cò công khai. Người ta buộc chân chúng rồi treo lủng lẳng lên nhánh cây hoặc bị tạm giam trong các lồng sắt để chờ khách đi đường ghé mua. Chúng hoảng loạn, ngắc ngoải chờ bị nhổ lông, vặn cổ để đưa lên bàn nhậu.
Trên Quốc lộ 91 đi qua 2 quận Thốt Nốt và Ô Môn của TP Cần Thơ, ai đi ngang cũng không khỏi xót xa trước cảnh hàng trăm chim, cò bị buộc lại thành từng chùm treo lủng lẳng chờ bán ven đường. Chúng tôi vừa dừng xe, một phụ nữ bán chim nói liền một mạch: “Ở đây tụi em bán đầy đủ các loại cò lửa, cồng cộc, ốc cao, gà nước... để làm rô ti. Còn nếu muốn ngâm rượu trị nhức mỏi, hen suyễn thì tụi em cũng có sẵn bìm bịp, le le”.
Cũng theo phụ nữ này, mỗi ngày chị ta bán không dưới 200 con chim trời các loại, trong đó gà nước, ốc cao, chim quốc là được ưa chuộng nhất. Các loại cò lửa, cò cá, cò trâu có giá trung bình từ 20.000 - 40.000 đồng/con; chim quấc loại to có giá khoảng 70.000 đồng/con. Riêng gà nước trống là đắt nhất, khoảng 150.000 đồng/con.
Tại tỉnh An Giang, đoạn gần KCN Bình Hòa, huyện Châu Thành, có hàng loạt điểm bán chim, cò nằm san sát nhau. Các loại chim trời ở đây đều được nhốt trong lồng sắt hoặc gỗ. Thấy khách hàng không mặn mà với 2 loại chim, cò vừa giới thiệu, chủ nhân ở đây chỉ tay về cái lồng nhốt đàn chim sẻ, chim én rồi nói: “Mấy chú mua chim sẻ này về làm món rô ti nhậu đi. Tuy nó nhỏ nhưng thịt lại thơm ngon. Tôi bán mở hàng với giá 6.000 đồng/con”.
Cũng vào thời điểm này, trên các tỉnh lộ thuộc địa bàn tỉnh Đồng Tháp cũng xuất hiện nhiều điểm mua bán chim, cò gần các khu rừng tràm. Trong đó, đáng ngại nhất là các điểm nằm dọc Tỉnh lộ 844 từ thị trấn Tràm Chim về xã An Long của huyện Tam Nông - nơi tiếp giáp vùng đệm của Vườn Quốc gia Tràm Chim. Nơi đây bán đủ các loại chim trời, muốn mua bao nhiêu cũng có.
Vườn chim kêu cứu
Ở ĐBSCL hiện có rất nhiều vườn cò được người dân địa phương ra sức bảo tồn, gìn giữ để phục vụ du lịch. Thế nhưng, nhiều khu vườn cũng đang đối mặt với tình trạng săn bắt vô tội vạ nhưng chính quyền sở tại và các ngành chức năng chưa có biện pháp hỗ trợ để bảo vệ.
Ông Mai Văn Trưởng, một người có vườn chim tự nhiên ở xã Mỹ An, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, cho biết: Vườn cò nhà ông đang thưa thớt dần do nạn săn bắt bừa bãi của một số người dân địa phương. Hơn 30 năm trước, vườn cò của ông Trưởng có đến hàng chục ngàn con về trú ngụ. Nhiều đoàn khách nước ngoài cũng đến và đề nghị ông hợp tác xây dựng khu du lịch vườn cò cao cấp nhưng ông Trưởng không đồng ý. Hiện nay lượng chim trong vườn giảm dần, còn chưa đến 40%. “Tôi mong chính quyền có biện pháp ngăn chặn nạn săn bắn, tận diệt chim trời, chứ như thế này thì sau này chẳng còn con gì sống nổi” - ông Trưởng than phiền.
Còn vườn chim Bằng Lăng ở phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, tình cảnh cũng rất bi đát. Hiện có đến hơn chục người dựng lều bao quanh vườn để bẫy chim. Mùa lũ cũng như mùa khô, nhóm người này thường dùng những chiếc lưới có chiều rộng 5 m, dài 7 m rồi buộc cò mồi ở giữa để dẫn dụ cò từ trong vườn bay ra bẫy bắt. Mỗi lượt như thế có đến gần 20 con mắc bẫy. Bà Nguyễn Thanh Nguyệt, con gái ông Nguyễn Ngọc Thuyền - chủ vườn cò Bằng Lăng - bức xúc: “Dù gia đình đã trình báo chính quyền địa phương nhiều năm nay nhưng tình trạng này không những không giảm mà mỗi lúc lại càng rộ hơn. Một số người còn dùng thuốc độc tẩm vào thức ăn rải theo bờ ruộng để bắt cò. Tình trạng tận diệt chim trời cứ tiếp tục thì cò trong vườn sẽ sớm bị tận diệt”.
Có thể bị tù đến 5 năm
Theo TS Vũ Ngọc Long - Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, Giám đốc Trung tâm Đa dạng sinh học và phát triển (CBD) - việc các loài chim, cò bị săn bắt khá phổ biến ở nhiều nơi là do công tác tuyên truyền của các ngành, địa phương chưa được chú trọng. Hiện nhiều người vẫn còn cho rằng việc ăn thịt chim, cò sẽ bổ dưỡng hay trị được bệnh là một sai lầm. “Chim, cò cứ mất dần đi sẽ làm mất cân bằng hệ sinh thái và người làm nghề này cũng rất dễ vi phạm pháp luật nếu bắt phải những loài chim quý hiếm như giang sen, gà đẩy, cồng cộc, diệc xám… Mức án cao nhất cho hành vi này đến 5 năm tù giam”- TS Long khuyến cáo.
Bình luận (0)