Đầu mùa mưa, hàng đàn chim, cò lũ lượt kéo nhau về kiếm ăn ở các cánh đồng, bãi bồi ven sông, biển ở huyện Nghi Xuân - Hà Tĩnh. Thời gian gần đây, ở những cánh đồng, bãi bồi này, nhiều “trận địa” bẫy luôn rình rập, chực chờ bầy chim trời.
Bẫy giăng đầy đồng
Đến xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, từ xa, chúng tôi đã nhìn thấy hàng trăm chiếc bẫy giăng đầy đồng. Ông Nguyễn Văn Dũng, chủ một giàn bẫy chim, cho biết mỗi giàn sử dụng 100-500 con chim hoặc cò giả bằng xốp và hàng ngàn thanh tre phết keo có độ dính cao cắm chi chít. Ở giữa giàn bẫy là vài con chim thật, chân hoặc đuôi được nối với một sợi dây dài.
Khi có đàn chim bay trên trời, chủ bẫy nấp vào một chỗ rồi giật dây để chim mồi vẫy cánh hay cất tiếng kêu. Đàn chim nghe tiếng kêu của đồng loại liền đáp xuống và lập tức chân bị dính chặt vào những thanh tre phết keo hoặc lưới giăng sẵn. “Hiện ở Nghi Xuân có khoảng 40-60 giàn bẫy thế này. Số lượng chim, cò bắt được phụ thuộc vào thời tiết. Hôm nào trời động hoặc có mưa bão thì có thể bắt được cả trăm con” - ông Dũng cho biết.
Ven Quốc lộ 1A đoạn qua Thanh Hóa, những cánh đồng ở xã Hải Vân, huyện Tĩnh Gia hay xã Quảng Trung, huyện Quảng Xương cũng giăng đầy bẫy chim. Ông Lê Văn Vân, một chủ bẫy chim ở xã Hải Vân, tay lăm lăm khẩu súng săn để sẵn sàng nhả đạn hạ những con may mắn thoát ra giàn bẫy của mình, nói: “Mùa bẫy chim chủ yếu chỉ diễn ra từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm. Năm nay, số lượng chim, cò về ít hơn các năm trước do ngày càng có nhiều người đi bẫy quá. Hiện ở Tĩnh Gia đã có cả trăm người chuyên đi bẫy chim để bán cho các nhà hàng, quán nhậu”.
Tại Nghệ An, ngoài phong trào bẫy các loại chim theo mùa mưa thì gần đây lại rộ lên việc săn, bắt chim sẻ. “Các nhà hàng, quán nhậu quảng cáo món tiết chim sẻ có chức năng tăng cường “khả năng đàn ông” nên loại chim này rất được giá. Chưa biết chuyện uống tiết, ăn thịt chim sẻ có tác dụng gì hay không nhưng mỗi ngày có hàng ngàn con bị giết hại. Trên các bụi cây, cánh đồng ngày càng vắng tiếng chim sẻ” - bà Trần Thị Hoài, ngụ xã Hưng Châu, huyện Hưng Nguyên - Nghệ An, lo ngại.
Mua bao nhiêu cũng có
Đang vào mùa mưa, trên địa bàn các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa..., những điểm bán chim, cò mọc lên khắp nơi. Tấp nập nhất hiện nay phải kể đến các điểm bán chim dọc Quốc lộ 1A đoạn qua 2 huyện Quảng Xương và Tĩnh Gia - Thanh Hóa. Nhiều loài chim trời như cói, cò, gà nước, diệc, vạc, cuốc... còn sống được bày bán tràn lan.
“Năm nay, các loài chim về ít hơn nên giá có hơi cao một tí. Tuy nhiên, nếu muốn mua loại gì, bao nhiêu, cứ đặt cọc ít tiền, bảo đảm hôm sau là có” - chị Yến, một người bán chim ở huyện Tĩnh Gia, đon đả mời chào khách.
Ở Hà Tĩnh, dọc những tuyến đường ven biển các xã Xuân Song, Xuân Yên (huyện Nghi Xuân) hay ven Quốc lộ 8 ở huyện Đức Thọ..., chim trời cũng được bày bán, nhiều con đã giết mổ sẵn. Đông người bán, lại vào dịp đầu mùa nên giá cũng khá rẻ.
Trong khi đó, ở Nghệ An, các loài chim hoang dã được bán rất nhiều tại các khu chợ lớn như: Vinh, Hưng Dung, Quán Láu… Điều dễ nhận thấy là các loài chim được tiêu thụ rất mạnh. Những nhà hàng, quán nhậu chỉ chuyên bán thịt chim cũng mọc lên ngày càng nhiều ở huyện Hưng Nguyên - Nghệ An. n
Nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng TS Ông Vinh An, Trưởng Bộ môn Động vật Khoa Sinh học Trường ĐH Vinh, lo lắng: “Việc người dân săn bắt chim trời bừa bãi sẽ khiến cho số lượng bị suy giảm, thay đổi hệ thống quần thể và ảnh hưởng đến sự đa dạng sinh học”. Theo TS Nguyễn Trọng Trải, Tổ chức Bảo tồn chim quốc tế (Birdlife) tại Việt Nam, việc săn bắt chim hoang dã ở nước ta dù đã bị cấm nhưng trong thực tế, do ở nhiều địa phương, cơ quan chức năng chưa xử lý kiên quyết nên tình trạng này vẫn diễn ra phổ biến. “Hiện nhiều loài chim bị suy giảm mạnh, có loài đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng do việc săn bắt kiểu tận diệt” - TS Trải băn khoăn. |
Bình luận (0)