Dự thảo sửa đổi của Bộ Công Thương về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện nếu được đưa vào áp dụng từ ngày 1-7 tới đây không những khiến khu vực sản xuất phải đối mặt với giá điện tăng mà ngay cả người dân sử dụng điện trong mức từ 101-150 KWh/tháng cũng bị ảnh hưởng.
Công nhân của EVN đang cải tạo lưới điện. Ảnh: TẤN THẠNH
Tăng giá với 60%-70% hộ dân
Dự thảo đề xuất giá điện sinh hoạt sẽ giảm số bậc thang lũy tiến, chỉ còn 6 bậc thay vì 7 bậc như trước đây. Cụ thể, bậc thang đầu tiên áp dụng cho các hộ thu nhập thấp, giá tối đa sẽ bằng 80% so với giá bán lẻ điện bình quân. Từ bậc thang thứ 2, giá bán lẻ được áp dụng cho các hộ sinh hoạt bình thường: từ 0-100 KWh giá bán không lớn hơn mức bán lẻ bình quân, từ 101-200 KWh giá bán bằng 108%, từ 201-300 KWH giá bán bằng 138%, từ 30-400 KWh giá bán bằng 154%, từ 401 KWh trở lên giá bán bằng 165% so với giá bán lẻ bình quân.
Việc thu gọn 1 bậc trong biểu giá điện về cơ bản sẽ giúp một số đối tượng "dễ thở" hơn, như: sử dụng từ 151-200 KWh giá giảm từ 134% xuống còn 108%, từ 201-300 KWh điện giá giảm từ 145% xuống còn 138%, từ 301-400 KWh giá giảm từ 155% xuống còn 154% giá bán lẻ bình quân.
Tuy nhiên, đáng lưu ý là sử dụng từ 101-150 KWh điện sẽ phải chịu chi phí giá điện cao hơn, từ 106% lên 108% giá bán lẻ điện bình quân (ở dự thảo này từ mức 101-200 KWh được gộp chung mức giá bằng 108% giá bán lẻ bình quân).
Nhiều ý kiến cho rằng dự thảo đã không đứng về phía người nghèo khi ngay bậc thang đầu tiên dành cho người có thu nhập thấp, giá bán điện đã được điều chỉnh tối đa không quá 80% giá bán lẻ điện trung bình, trong khi đó trước đây, giá bán cho đối tượng này chỉ bằng giá thành sản xuất.
Dư luận vẫn thắc mắc
Ông Trần Viết Ngãi cũng cho rằng biểu giá trong dự thảo lần này rất "khiêm tốn", không hề cao, thậm chí còn hơi thấp so với hoạt động kinh doanh của ngành điện hiện tại. "Ngành điện đang lỗ, hiện nay còn nợ trên 30 ngàn tỉ đồng. Chưa kể mùa khô năm nay phát điện cho miền Nam hầu như phải chạy bằng dầu khiến chi phí bị đội lên cao. Với giá như thế thì ngành điện khó có lãi" - ông Ngãi nhìn nhận.
Tuy nhiên, TS Lê Đăng Doanh cho rằng bên cạnh việc giảm giá ở một số đối tượng thì Bộ Công Thương cũng tạo điều kiện cho ngành điện được nâng giá ở một số đối tượng khác. "Như vậy là không nâng biểu giá tràn lan mà có chọn lọc với một số hộ nhất định, đó là cách ngành điện được trang trải chi phí của mình mà không cần thiết phải đề xuất tăng giá bán lẻ điện" - TS Lê Đăng Doanh nhận định.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng dự thảo có nhiều nội dung nâng mức tăng giá bán lẻ điện lên ở cả khu vực sản xuất và sinh hoạt chứng tỏ ngành này vẫn đang tiếp tục theo xu hướng tăng giá điện bất chấp những yếu tố cấu thành chi phí chưa được giải trình công khai, minh bạch và vẫn gây thắc mắc trong dư luận.
Bình luận (0)