Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Thông tư 91/2015 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quy định về tốc độ và khoảng cách xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ sẽ có hiệu lực từ ngày 1-3.
Khu đông dân cư: Tối đa 50-60 km/giờ
Thông tư 91 quy định trong khu vực đông dân cư, các phương tiện được phép chạy tối đa 60 km/giờ trên đường đôi (có dải phân cách giữa) và đường một chiều có từ 2 làn xe cơ giới trở lên. Với đường 2 chiều không có dải phân cách giữa và đường một chiều có 1 làn xe cơ giới, các phương tiện được phép chạy tối đa 50 km/giờ.
Như vậy, so với hiện tại, các phương tiện cơ giới sẽ được chạy với tốc độ tối đa cao hơn 10 km/giờ trong khu vực đông dân cư.
Ở ngoài khu vực đông dân cư, ô tô con, ô tô chở người đến 30 chỗ (trừ xe buýt), ô tô tải có trọng tải đến 3,5 tấn được phép chạy tốc độ tối đa 90 km/giờ trên đường đôi (có dải phân cách giữa) và đường một chiều có từ 2 làn xe trở lên. Đối với đường 2 chiều không có dải phân cách giữa và đường một chiều có 1 làn xe cơ giới là 80 km/giờ.
Trong khi đó, tốc độ tối đa cho phép đối với xe máy chuyên dùng, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xác định theo biển báo hiệu đường bộ. Tốc độ của các loại xe cơ giới, xe máy chuyên dùng trên đường cao tốc không vượt quá 120 km/giờ.
Về việc đặt biển báo hiệu tốc độ, Thông tư 91 quy định không được hạn chế độ tốc dưới 50 km/giờ trên các đường nhánh ra, vào đường cao tốc. Ngoài ra, việc đặt biển báo “bắt đầu đông dân cư” và “hết khu đông dân cư” phải theo quy định của pháp luật, căn cứ tình hình thực tế dân cư hai bên đường bộ.
Tăng tốc độ là cần thiết
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng việc điều chỉnh tốc độ tối đa cho phép tại Thông tư 91 là cần thiết, đã căn cứ theo những quy chuẩn thiết kế kỹ thuật của các tuyến đường. Ngoài ra, khi chất lượng đường đã tốt hơn, xe cộ được kiểm soát chặt chẽ hơn thì việc nâng tốc độ cho phương tiện là hoàn toàn hợp lý.
Tuy nhiên, ông Liên cho rằng sau khi điều chỉnh tăng tốc độ thì việc quản lý cần được giám sát chặt hơn nhằm nâng cao trách nhiệm của ngành giao thông để bảo đảm phát huy hiệu quả chính sách. Bên cạnh đó, cần tăng cường công nghệ để quản lý thiết bị giám sát hành trình nhằm theo dõi, nếu xảy ra tai nạn thì sẽ phân tích được nguyên nhân, tránh đổ thừa lẫn nhau.
“Nếu nói tăng tốc độ sẽ làm gia tăng tai nạn giao thông (TNGT) là có phần khiên cưỡng. Bởi lẽ, TNGT xảy ra phần lớn là do ý thức của người tham gia giao thông. Hơn nữa, Bộ GTVT cũng đã nghiên cứu và xem xét kỹ lưỡng về việc tăng tốc độ, chỉ tăng đối với những loại đường phù hợp, bảo đảm an toàn” - ông Liên phân tích.
Ông Nguyễn Văn Huyện cũng cho rằng việc điều chỉnh tăng tốc độ các phương tiện hoàn toàn theo thiết kế và sẽ không gây tăng TNGT. Tổng cục Đường bộ đã cập nhật, phân tích tất cả các vụ TNGT xảy ra, nhất là trên đường cao tốc, nhận thấy phần lớn nguyên nhân không phải là chạy quá tốc độ mà do các tình huống tài xế xử lý không đúng.
Trong khi đó, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải - Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng (Hải Phòng), bày tỏ ủng hộ việc điều chỉnh tăng tốc độ tối đa của xe cơ giới ở các loại đường khác nhau. Theo ông, điều đó đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp như giảm chi phí và tăng doanh thu. Việc xảy ra TNGT là do nhiều nguyên nhân, như: ý thức của người tham gia giao thông, kỹ năng lái xe, kỹ thuật phương tiện, chất lượng hạ tầng giao thông...
Nhiều chính sách có hiệu lực từ tháng 3-2016
- Từ ngày 1-3, theo Thông tư liên tịch số 37 của liên bộ Y tế - Tài chính, các bệnh viện trên toàn quốc sẽ đồng loạt tăng viện phí. Theo đó, giá của hơn 1.880 dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm sẽ tăng bình quân 30% so với mức hiện hành.
- Luật Hôn nhân gia đình 2014 được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư liên tịch số 01, có hiệu lực từ ngày 1-3, quy định chia tài sản khi ly hôn phải xét đến lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng. Tuy nhiên, việc giải quyết chế độ tài sản vợ chồng ưu tiên các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được, tòa án mới giải quyết theo quy định của luật.
- Quyết định 01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, quy trình hỗ trợ kinh phí cho địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai có hiệu lực từ ngày 5-3. Theo đó, chỉ xem xét hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương đối với những nơi có mức thiệt hại vượt quá khả năng cân đối ngân sách địa phương.
- Theo Nghị định 08/2016 áp dụng từ ngày 10-3, số lượng phó chủ tịch UBND được quy định cụ thể theo từng cấp, khu vực đô thị và nông thôn. Đáng chú ý, TP HCM và Hà Nội mỗi địa phương có tối đa 5 phó chủ tịch UBND.
- Được áp dụng từ ngày 15-3, Nghị định 06 quy định về việc số lượng kênh chương trình nước ngoài khai thác trên hệ thống dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền chỉ tối đa 30% tổng số kênh khai thác. Trên kênh truyền hình trả tiền không được bao gồm các thông tin quảng cáo cài đặt sẵn từ nước ngoài; các nội dung quảng cáo đều phải thực hiện tại Việt Nam.
- Có hiệu lực từ ngày 20-3, Thông tư 20/2016/TT-BTC hướng dẫn thực hiện cơ chế quản lý tài chính về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp...
Bình luận (0)