Thông tin giá 1.800 dịch vụ y tế sẽ tăng với mức trung bình từ 2-7 lần làm nhiều bạn đọc “sốc”. Lý do các cơ quan chức năng đưa ra để tăng viện phí nghe rất hợp lý nhưng cũng phải nhìn vào đời sống còn nhiều khó khăn của đại bộ phận người dân.
Bạn đọc Nguyễn Trần Nam cho rằng hiện tại chi phí khám chữa bệnh đã là nỗi ám ảnh của rất nhiều người bệnh. “Thử so sánh vài năm qua giá viện phí tăng bao nhiêu lần và thu nhập của người dân có tăng tương xứng? Đời sống còn nhiều khó khăn, bao nhiêu thứ từ điện, nước, thực phẩm, dịch vụ... cứ tăng giá vùn vụt trong khi tích lũy của người dân ngày càng ít ỏi”- bạn đọc Nam phân tích.
Tăng viện phí liệu có giải quyết được những vấn đề tồn tại của ngành y tế bao nhiêu năm qua? (ảnh: Anh Thư)
Nhiều bạn đọc nói viện phí không như những mặt hàng khác là người thụ hưởng có quyền chọn lựa. Bởi nếu đã bệnh thì phải chấp nhận tất cả, dù phải khánh kiệt tài sản. Rất nhiều người dân, đặc biệt ở vùng nông thôn, mỗi khi bệnh nặng là phải chạy vạy vay mượn, cầm cố đất đai, nhà cửa để có tiền chữa bệnh. Cũng vì thế mà dẫn đến thực trạng nhiều người có bệnh vẫn cố chịu đựng, không dám đến bệnh viện nên bệnh ngày càng trầm trọng thêm.
Vẫn biết muốn nâng chất lượng phục vụ của ngành y tế tất yếu phải tăng giá các dịch vụ tương ứng. Đáng nói là lâu nay việc cải thiện, nâng chất lượng ở các bệnh viện chưa được như mong đợi.
“Tại nhiều bệnh viện, người bệnh bị đối xử kiểu như ban ơn. Rồi việc quá tải, chờ đợi mỏi mòn nhưng khi được khám thì qua loa. Tăng viện phí rất cao và gấp gáp như thế này liệu có giải quyết được những vấn đề tồn tại của ngành y tế bao nhiêu năm qua? Hơn nữa, viện phí không nên tăng đổ đồng ở tất cả các bệnh viện. Nơi nào chất lượng tốt tăng viện phí tương ứng, nơi nào chưa tốt lắm thì tăng ít hơn để người dân có thể lựa chọn nơi điều trị phù hợp với thu nhập của mình” - bạn đọc Thành Lân phân tích.
Bình luận (0)