Diễn đàn “Hàng rong và trật tự đô thị” đã nhận được và chọn đăng nhiều bài viết từ ngày 19-4 đến nay. Những ý kiến dưới đây cũng là phần kết thúc diễn đàn.
Hãy cho họ con đường sống
Đa số người bán hàng rong ở Sài Gòn là dân tứ xứ. Gánh chè, cháo, xôi, đậu, bánh… nuôi sống cả gia đình và những đứa con ăn học thành tài. Không ít người lao động mỗi sáng đã lót lòng mấy củ khoai, gói xôi, ổ bánh mì… từ những gánh hàng rong ấy.
Hàng rong có chiếm lòng lề đường không? Lẽ tất nhiên là có. Tuy nhiên, chúng ta hãy xem họ có thật sự cản trở người đi bộ hay không khi có nhiều nhà mặt tiền ở TP HCM chiếm dụng lề đường hoặc cho thuê mở quầy vé số, tủ thuốc…; nhiều con đường được đậu xe hơi hoặc bị dựng hàng rào chiếm chỗ để giữ xe một cách hợp pháp; bao nhà hàng, quán nhậu chiếm lề đường có “bảo chứng” được tồn tại từ năm này qua tháng khác…
Tôi hoàn toàn không ủng hộ những chiếc xe bán hàng rong nhưng cần có cái nhìn thiện cảm với họ. Họ là những người nghèo khó, đến TP HCM làm một nghề rất lương thiện. Hàng rong có từ lâu đời và là nhu cầu có thực giữa kẻ mua và người bán, cũng là nét văn hóa không riêng gì ở TP HCM mà hầu như khắp cả nước. Xin hãy nhẹ tay, dành cho cho họ một “con đường hàng rong” để họ có con đường sống, vì họ là những người kém may mắn hơn chúng ta.
(Trần Hữu Ngư)
Phải đối xử công bằng
Dẹp hàng rong lấn chiếm lòng lề đường là việc làm đúng nhưng thời gian qua, dư luận lại không đồng tình, phản ứng gay gắt khi lực lượng thực thi công vụ thực hiện việc này. Vì sao?
Trước hết, tâm lý người dân là luôn đứng về người cô thế. Chứng kiến người thực thi công vụ hành xử thiếu chuẩn mực, không minh bạch, công bằng nên họ có phản ứng tiêu cực. Thực tế, rất nhiều trường hợp chỉ những người buôn gánh, bán bưng không có vị trí cố định thì bị đẩy đuổi. Trong khi đó, các nhà hàng, quán ăn lớn ngang nhiên dùng lòng lề đường kinh doanh ăn uống, giữ xe, mở nhạc ồn ào lại không bị xử lý. Hơn nữa, việc dọn dẹp lòng lề đường thường làm theo phong trào, lâu lâu ra quân một lần nên người dân lờn về ý thức pháp luật.
Để việc dọn dẹp lòng lề đường có hiệu quả, để người dân có ý thức về pháp luật thì phải làm thường xuyên. Lực lượng công vụ phải được đào tạo về kỹ năng ứng xử, xử lý tình huống. Đặc biệt, TP HCM cần thống nhất việc quy hoạch sử dụng lòng lề đường, không để tình trạng từng phường - xã, quận - huyện tự quy hoạch.
(Quách Tuấn Khải)
Phạt cả người mua hàng rong
Theo tôi, để chấn chỉnh tình trạng này thì cần sự góp sức của toàn xã hội bằng những giải pháp đồng bộ.
Đầu tiên, cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật an toàn giao thông, giải thích rõ những quy định của pháp luật về an toàn giao thông, những điều cấm, điều không được phép, mức xử phạt… đối với những cá nhân bán hàng rong.
Những cá nhân trực tiếp mua hàng cũng là nguyên nhân gián tiếp khiến tình trạng lấn chiếm lòng lề đường để bán hàng rong ngày một nhiều thêm. Vì vậy, cần giáo dục, tuyên truyền để người dân không tự ý dừng phương tiện để mua bán, gây cản trở giao thông, gây mất an toàn cho mình và người khác. Nếu cố tình vi phạm mà gây ra thiệt hại, tùy tính chất, mức độ mà xử lý theo quy định pháp luật.
Đối với việc thực thi chế tài xử phạt của cơ quan công quyền, thiết nghĩ trong nhiều trường hợp cần thiết phải sử dụng quyền lực nhà nước một cách cứng rắn, nghiêm minh, công bằng nhưng cũng cần có sự mềm dẻo, không quan liêu, cứng nhắc, lạm quyền.
Cuối cùng, cần quy hoạch khu vực tự do kinh doanh cho những cá nhân bán hàng rong, tạo mọi điều kiện để người dân vào đó mua bán, công khai, minh bạch mọi thứ từ việc đăng ký mua bán, vệ sinh an toàn thực phẩm, chế độ đãi ngộ của nhà nước… Bảo đảm ai cũng có quyền được tham gia khi họ có nhu cầu sử dụng, tránh tình trạng người cần không được, người không cần lại có.
(Luật sư Nguyễn Thành Công, Công ty Đông Phương Luật)
Cần có sự phối hợp giữa các lực lượng
Luật pháp phải công bằng và cần được mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân tuân thủ. Khi ý thức tự giác của một số người dân còn kém, lực lượng thực thi công vụ đòi hỏi phải nghiêm túc, công bằng với mọi người, mọi lúc, mọi nơi. Không thể cấm hàng rong nhưng lại làm ngơ cho các cửa hàng kinh doanh lớn lấn chiếm lòng lề đường để kinh doanh, làm bãi giữ xe…
Ngoài ra, cần có sự phối hợp giữa các đơn vị, lực lượng chức năng như dân phòng, trật tự đô thị, cơ quan công an… Đồng thời, phân định rõ về nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan này để tránh tình trạng thiếu trách nhiệm hay lạm quyền. Từ đó mới thay đổi cách nhìn của người dân, khiến họ có niềm tin và đánh giá khách quan hơn đối với lực lượng thi hành công vụ.
Bên cạnh đó, nên thiết lập một cơ chế quản lý, quy hoạch phù hợp để hình thành “văn hóa hàng rong”.
(Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 19-4
Bình luận (0)