Theo nhiều lão nông cho rằng chỉ cách nay hơn 10 năm, cứ sau mỗi mùa lũ đi qua, các loại cá đọng lại trong các hầm, đìa nhiều vô kể. Mỗi cái đìa rộng chừng nửa công đất (500 m2) có thể bắt được hàng trăm kg cá lóc, cá trê và nhiều loại cá khác.
Ký ức tát đìa
Quê tôi ở vùng cù lao ông Chưởng thuộc huyện Chợ Mới (An Giang), nơi có con sông Tiền uốn mình bao bọc quanh năm. Do vậy mà cứ mỗi mùa lũ đi qua, ngoài lượng phù sa bồi đấp cho ruộng đồng thì nó còn để lại người dân nơi đây một nguồn lợi thủy sản vô cùng phong phú. Thế nhưng, từ khi huyện nhà có chủ trương làm đê bao khép kín để tăng vòng quay của đất (làm lúa vụ 3) và thực hiện chương trình nhựa hóa nông thôn nên đến nay chẳng những không cón cá mà đất đai cũng trở nên cằn cõi vì thiếu lũ. Và cũng chính vì lẽ đó mà hình ảnh tát đìa ăn Tết năm nào giờ chỉ còn trong ký ức.
Cháu ngoại ông Lợi tóm gọn con cá lóc đồng nặng khoảng 500 gram.
Nhớ lại thuở đó, cứ mỗi lần gặt lúa xong, cả nhà ông Năm của tôi lại kéo nhau ra đồng để thực hiện các công đoạn quan trọng trước khi bắt tay vào việc tát đìa là dọn dẹp cỏ dại, be bờ, nhét bọng hoặc dùng đăng tre chặn hết các ngỏ ngách không cho cá phóng qua đìa người khác. Khi mọi việc xong xuôi, 4 người con của ông Năm được chia nhau làm 2 cặp và chọn vị trí ở 2 đầu đìa rồi dùng gàu tát. Riêng ông Năm chỉ làm nhiệm vụ quan sát mọi động đậy của cá dưới đìa để đánh giá tình hình.
Cảnh tát đìa bắt cá ăn Tết khá nhộn nhịp tại khu vực biên giới huyện Tịnh Biên, tỉnh
An Giang.
“Cá tặc” tiếp tục hoành hành các hầm, đìa của người dân.
Chiến lợi phẩm của gia đình ông Lợi.
Khi mặt trời vừa đứng bóng, mực nước đã giựt xuống hơn phân nửa, cá bắt đầu lên ngóp như thể nước trong đang được nung sôi dữ dội. Những con cá lóc đen ngòm cố nhảy lên bờ đìa hoặc chui vào những “ngôi nhà” vô chủ của bọn cua đồng để tìm chỗ thoát thân. Lúc này, ông Năm nghiêm giọng bảo: “Mặc dù chưa cạn đìa nhưng tao biết chắc chắn năm nay cá lóc sẽ nhiều hơn cá trê. Đứa nào làm động cho nó sợ mà chúi hết xuống bùn non là tao đánh gẫy chân đó nghen”.
Và khi nước trong đìa chỉ còn khoảng 5 tấc, ông Năm lệnh cho các con của mình lấy lưới cước kéo bắt đợt cá trắng như cá mè vinh, thác lác… mà đặc biệt là phải gom cho thật sạch những con cá chốt đầy gai góc rồi dùng cần xé gánh lên bờ. Bởi theo kinh nghiệm của ông, nếu để loại cá này còn sót lại sau khi đìa đã tát cạn sẽ rất nguy hiểm. Một vết đâm của nó có thể làm người ta đau nhức đến vài giờ mới giảm. “Nếu chạm phải cái ngạnh của cá chốt hoặc cá trê trắng thì phải cắn cái đuôi nó đấp ngay vào chỗ vết thương. Còn chưa xong nữa thì chỉ còn cách dùng viên đá lửa của hộp quẹt nhét vào đó cho đỡ nhứt”, ông Năm nhắc nhở.
Bắt xong, ông Năm ngồi đếm lại cũng được hơn 10 bao tải cá, tương đương khoảng 500 kg rồi thuê chiếc xe trâu kéo về tận nhà. Sau khi phân loại, cá nhỏ ông Năm cho người nhà cắt đầu làm mắm, cá chết thì mổ bụng làm khô và cá còn sống được gọng lại trong các lu, khạp để ăn qua Tết.
Tết này, khi tôi trở về thăm quê thì hay tin ông vừa “đi xa” và cái đìa của ông cũng không còn nữa. Dấu tích còn sót lại chỉ là cây ô môi già nua đang đứng trước nguy cơ bị đốn hạ vì người ta nghĩ rằng chính nó là nguyên nhân gây suy giảm năng suất lúa.
Cá dần khan hiếm
May mắn thay, khi đến ấp Trung Bắc Hưng, xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên-An Giang, chúng tôi lại được dịp chứng kiến cảnh tát đìa ăn tết. Cả nhà ông Trần Văn Lợi đang khẩn trương rút cạn nước trong cái đìa nhỏ rộng chừng 1.500 m2. Thấy chúng tôi có vẻ thích thú trước cảnh tát đìa, ông Lợi cũng hào hứng leo lên bờ ngồi tiếp chuyện. Ông Lợi nói rằng muốn dụ cá về nhiều thì cứ sau mỗi đợt tát đìa, chủ đìa phải chịu khó nạo vét bớt phần bùn non và cho vào đó nhiều nhánh cây (chà) để tạo sự yên tĩnh. Ngoài ra, cũng có thể chọn phương án khác như thả rau muống hoặc trồng sen thay thế mà không cần tốn mồi để nhử cá vào. Bước cuối cùng là phải cất chòi canh để hạn chế tình trạng “cá tặc” nhận đìa.
Theo ông Lợi, nhận đìa là hình thức trộm cá phổ biến đã có từ thời xa xưa ở địa phương và chủ yếu bắt cá lóc. Dụng cụ của “cá tặc” cũng rất đơn giản chỉ là côn và nôm. Côn là những đoản gỗ hình trụ tròn được nối với nhau bằng dây xích nhỏ, có chiều dài không giới hạn. Côn được 2 người cầm ở 2 đầu và kéo lê dưới đáy đìa. Cách làm này của “cá tặc” là để cá lóc bị giật mình rồi chúi xuống bùn non lẩn trốn.
Cả gia đình ông Lợi tham gia bắt cá khi đìa vừa tát cạn
Khi đó, trên mặt đìa sẽ xuất hiện những bọt nước. Người thứ 3 cầm nôm (giống như cái bội nhốt gà) chụp ngay xuống vị trí có bọt nước vừa xuất hiện rồi luồn tay vào trong nôm bắt cá. Cũng theo ông Lợi, thật ra họ làm kiểu như thế thì chẳng bắt được bao nhiêu cá. Cái đáng ngại chính là đìa của bà con đã bị khuấy động và làm cá hoảng sợ rồi bỏ chốn cũ mà đi. Do đó, biện pháp tốt nhất vẫn là cất chòi canh giữ. Tuy nhiên, khi đến đợt tát đìa cuối năm thì chủ đìa cũng phải “biết chuyện” một chút với bà con lối xóm. Cá bắt được dù ít hay nhiều gì thì chủ đìa bao giờ cũng dành ra số lượng đáng kể để chia sẻ với mọi người xung quanh.
Ông Lợi cho biết tát đìa bây giờ không còn vất vả mà vui như ngày xưa nữa vì đã có máy móc thay thế. Trong khi đó, một số vị cao niên cố giữ lại gàu dai treo trong nhà để làm kỷ vật chứ không còn sử dụng. Chuyện chia chát cá cho hàng xóm láng giềng cũng đã đi vào dĩ vãng.
“Cá mắm bây giờ mỗi năm một ít đi. Khi nghe tin có ai tát đìa là có bạn hàng họ mừng lắm. Ai cũng muốn mình mua được cá đồng “chánh cống” tuy giá có cao hơn cá nuôi nhưng rất dễ bán. Tôi vừa cân xong cho họ mớ cá đầu tiên gần 20 kg với giá 70.000 đồng/kg. Trừ hết chi phí xăng dầu chắc còn lời được phân nửa”, ông Tính cho hay.
Kỳ tới: Xuống Cà Mau chụp... đìa!
Bình luận (0)