Đối với tôi, Tết là gia đình sum họp, là ngồi rửa lá dong cho bố nấu bánh chưng, tự tay tôi tỉ mỉ lau từng vật dụng, ngóc ngách trong nhà. Bố tôi hay bảo nhà có sạch sẽ tinh tươm, mới mong một năm mới bình an, phát tài. Tất cả những điều này, đều không thể thực hiện khi tôi sống xa quê hương, gia đình.
Dịp năm mới của người Philippines diễn ra vào cuối tháng 12 (dương lịch), không ăn Tết âm lịch như người Việt Nam. Đương nhiên, cũng không có "thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ".
Nơi tôi sống là thành phố Pasay - Philippines, nhịp sống ngày thường đã rất tất bật, dịp Tết không khí cũng không mấy thay đổi, không có sắm sửa, không có chợ Tết cũng không có hoa Tết. Vì thế, nhiều bạn bè người Philippines thường rất ngạc nhiên khi nghe tôi kể về Tết ở Việt Nam.
"Phố Ông Đồ" - hình ảnh Tết cổ truyền, được tái hiện tại Nhà Văn hoá Thanh niên TP HCM. Ảnh: T.T
Năm nào cũng vậy, Tết của tôi và những người bạn đồng hương đang sống xa quê hương chỉ đơn giản là đi ăn uống cùng nhau và gửi đến nhau những lời chúc tốt đẹp.
Sau tiệc, tôi sẽ gọi điện về chúc Tết bố mẹ. Qua màn hình điện thoại, tôi được nhìn thấy cành đào, cành quất bố mua, một bàn đầy bánh mứt đủ loại sắc màu, hương trầm thoang thoảng bên mâm cơm giao thừa… Những đứa xa quê như tôi, thèm lắm vị Tết quê.
Hơn 3 cái Tết xa quê, tôi mới dần thấm thía được câu chuyện về Tết xa xứ mà một người thầy thân thiết ở giảng đường đại học từng kể với chúng tôi. Năm đó, thầy là một trong những giảng viên trẻ xuất sắc được nhà trường cử đi du học tại Trung Quốc.
Trong hồi ức của thầy, thời đi du học nghèo lắm, Tết không có tiền về quê. Lúc này, các bạn bè Trung Quốc về nhà ăn Tết hết nên ký túc xá vắng tanh, chỉ còn vài du học sinh Việt Nam đón giao thừa cùng nhau.
Thầy kể nhóm du học sinh của thầy lúc đó bàn nhau gom tiền mua được mấy cây pháo hoa để đốt vào lúc đồng hồ điểm 12 giờ, bước sang năm mới. Đó cũng là lúc nước mắt mọi người lã chã rơi. Cả nhóm ôm nhau, buồn buồn, tủi tủi.
Năm đó, ngồi nghe câu chuyện của thầy, thấy thầy buồn, tôi cũng nghĩ giao thừa xa xứ sẽ là thời khắc khiến những người xa quê dễ yếu lòng nhất. Nhưng chẳng thể nào mường tượng được rõ ràng cho đến khi bản thân tự trải nghiệm.
Những ngày đầu năm mới ở thành phố Pasay - nơi tác giả sinh sống và làm việc.
Hơn 3 năm xa quê, khoảnh khắc ngẩng đầu nhìn những tia pháo hoa rực rỡ sắc màu lung linh trên những toà nhà cao tầng, xa lạ nơi xứ người, tôi đã hiểu được giọt nước mắt năm đó của thầy và các bạn. Tiếng pháo nổ đùng đoàng còn lòng người lại đầy tâm sự. Đó là nỗi nhớ nhà, nỗi buồn của một tha hương.
Nhưng tận sâu tâm cảm là hy vọng, hy vọng Tết năm sau được về đoàn tụ cùng gia đình, được đón một Tết cổ truyền đúng nghĩa cùng bố mẹ, anh chị em trong nhà.
Với tôi, Tết còn là dịp để nhìn lại chính mình, suy ngẫm về những được - mất đã qua, để chúng ta có thể dọn dẹp những nỗi buồn cũ, giữ niềm tin vào sự khởi đầu mới. Tren tất cả, Tết là lý do hợp lý để mỗi người con Việt Nam được trở về dưới mái nhà thân thương, bên những người yêu thương nhất.
Vì nhiều lý do, nhiều người phải ăn Tết xa quê như tôi hay các bạn đồng nghiệp khác của tôi tại Philippines. Nhưng chúng tôi vẫn luôn an ủi nhau rằng còn rất nhiều năm mới khác, còn rất nhiều Tết trước mắt để chúc nhau bình an, vui vẻ và luôn giữ vững niềm tin là năm sau sẽ được về quê ăn Tết.
Một năm nữa lại sắp đến, chúc cho mỗi người dù là có một Tết ở gần nhà hay xa nhà đều sẽ có một năm mới rực rỡ, an yên, vạn sự hanh thông.
Bình luận (0)