Theo kế hoạch, dự thảo nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt sẽ trình Chính phủ vào tháng 10-2015 và ban hành vào tháng 12 tới. Nghị định lần này sẽ được sửa đổi theo hướng tăng nặng mức xử phạt các hành vi vi phạm nguy hiểm đối với xã hội và trật tự an toàn giao thông (ATGT) để tăng sức răn đe.
Nhiều mức phạt tăng 10 lần
Theo ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT - Bộ Giao thông Vận tải, sau một thời gian thực hiện Nghị định 171/2013 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt) và Nghị định 107/2014 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 171), một số quy định đã bộc lộ sự bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự ATGT. Đây chính là lý do để sửa đổi, bổ sung nghị định này. Trong đó, nhiều hành vi sẽ bị xử phạt rất nặng nhằm tăng sự răn đe, giáo dục.
Theo dự thảo, đối với nhóm vi phạm về nồng độ cồn, đề xuất tăng mức phạt tiền tất cả hành vi của tài xế ô tô. Cụ thể: tăng mức phạt từ 7-8 triệu đồng lên 8-12 triệu đồng đối với người có nồng độ cồn vượt quá 50-80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/lít khí thở (mức 2). Đặc biệt, người có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở (mức 3) sẽ bị phạt tiền 16-18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 10-12 tháng.
Đối với người điểu khiển mô tô, xe máy vi phạm về nồng độ cồn, mức phạt cũng tăng gấp đôi. Vi phạm ở mức 3 sẽ bị phạt 5-7 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 4-6 tháng.
Ban soạn thảo cho biết lý do phải tăng mức xử phạt đối với nhóm hành vi vi phạm về nồng độ cồn là vì theo thống kê, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) do người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu bia gây ra trung bình mỗi năm chiếm tới 16%-20%. Tỉ lệ này có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Hơn nữa, các vụ TNGT liên quan đến sử dụng rượu bia thường rất nghiêm trọng cả tính chất lẫn mức độ thiệt hại về người và tài sản, đe dọa ATGT đối với người khác.
Cũng theo dự thảo, với hành vi đi xe máy vào đường cao tốc, mức xử phạt được đề nghị tăng lên gấp 10 lần. Theo đó, người điều khiển mô tô, xe máy đi vào đường cao tốc sẽ bị phạt tiền 2-4 triệu đồng thay vì mức 200.000-400.000 đồng hiện nay.
Xử phạt đi đôi tuyên truyền
Bà Hoàng Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra thuộc Tổng cục Đường bộ, cho rằng việc tăng mức phạt liên quan đến các nhóm hành vi là nguyên nhân chính gây ra TNGT lần này nhằm tác động vào ý thức của người tham gia giao thông. “Với các hành vi này, dù cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực nhưng vi phạm vẫn xảy ra phổ biến. Mức phạt như hiện nay chưa đủ sức răn đe, đặc biệt là đối với hành vi chở quá tải trọng. Việc sửa đổi Nghị định 171 lần này sẽ tập trung vào xử phạt nặng đối với chủ phương tiện” - bà Hạnh cho biết.
Đồng tình với dự thảo, luật sư Nguyễn Thị Thúy Hường, Trưởng Ban Tuyên truyền Hội Luật gia TP HCM, cho hay ở những nước phát triển, người vi phạm giao thông bị xử phạt rất nặng. Chẳng hạn ở Singapore, người lái xe sử dụng rượu bia hoặc chạy quá tốc độ còn bị phạt tù.
“Bên cạnh việc ban hành nghị định xử phạt theo hướng tăng nặng, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp tuyên truyền, giáo dục sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, để người dân thấy được hậu quả của việc không tuân thủ luật giao thông cũng như sự răn đe của nhà nước đối với chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật giao thông” - bà Hường đề xuất.
Cần có cơ chế giám sát
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho biết rất đồng tình việc tăng nặng mức phạt với các hành vi vi phạm giao thông. Ngoài ra, theo ông, cần có cơ chế giám sát để các lực lượng thực thi công vụ hoạt động hiệu quả và đúng pháp luật.
Nhiều luật sư cho rằng để tránh những tiêu cực có thể xảy ra khi xử lý vi phạm, ngành giao thông cần có thiết bị ghi âm, ghi hình trên các tuyến đường cao tốc. Điều này giúp việc chấp hành quy định của pháp luật về giao thông và xử lý các hành vi vi phạm được công khai, minh bạch.
Bình luận (0)