Khuya 16-5, hai nhóm thanh niên gồm hàng chục người cầm theo hung khí, bom xăng, chạy xe máy rượt đuổi nhau trên đường Phước Thiện, phường Long Bình, TP Thủ Đức, TP HCM. Rạng sáng một ngày trước đó tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, hai nhóm thanh niên lao vào hỗn chiến với hung khí, bom xăng cùng súng khiến ít nhất một người bị thương. Ngày 12-5, ngay trước cổng trụ sở TAND tỉnh Tiền Giang, một nạn nhân bị thương bởi súng sau cuộc ẩu đả loạn xạ.
Nguyên nhân ban đầu của những vụ hỗn chiến này đều xuất phát từ mâu thuẫn hoặc đôi co trên mạng của một số người rồi hai bên tập trung lực lượng để "xử nhau". Điểm chung là tâm lý nhờn pháp luật, tính côn đồ và thói thích thể hiện của một số đối tượng mới lớn.
Hiện tượng "vô pháp vô thiên" này có nguyên nhân đến từ sự quản lý lỏng lẻo của gia đình khi giao xe, thoải mái về thời gian với con cái và ít quan tâm những mối quan hệ của trẻ. Ngoài ra, đặc điểm gia đình, môi trường xã hội, việc quản lý an ninh, việc giáo dục đạo đức, lối sống… tại nơi các đối tượng này lớn lên cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến tính cách manh động, bất chấp của họ.
Hình ảnh đánh đấm tràn lan, hình tượng "anh hai, chị đại" trong môi trường học đường tại các phim ảnh nước ngoài chiếu trên các kênh truyền hình trong nước... cũng không thể vô can.
Việc sử dụng bạo lực như là một ưu tiên trong giải quyết mâu thuẫn rõ ràng đang phản ánh câu chuyện các giá trị về tính kiên nhẫn, nhường nhịn, nhân ái đang bị che mờ, lung lay, đi ngược lại sự tiến bộ.
Hơn chục năm trước, việc thụt lùi những giá trị ấy được đổ lỗi cho "mặt trái của cơ chế thị trường". Gần đây, việc này được thay bằng "thiếu mục đích sống", "hoang mang trước những biến chuyển thời đại"… và có vẻ như việc đổ lỗi không nhằm vào ai, vào điều gì cụ thể nên trách nhiệm vẫn còn bỏ ngỏ và sự "nổi loạn" trong tính cách, hành động của một bộ phận giới trẻ càng ngày càng sa đà theo chiều hướng tiêu cực.
Để không còn xảy ra những điều đáng tiếc, ảnh hưởng đến an ninh địa bàn và tâm lý người dân do sự manh động, bất chấp pháp luật của một số người, cần giải quyết những nguyên nhân vừa nêu ở trên. Việc giải quyết phải bằng các giải pháp đồng bộ, triệt để.
Các cấp, ngành liên quan cần vào cuộc nhanh nhạy, quyết liệt hơn nhằm ngăn ngừa các vụ tụ tập dùng hung khí nguy hiểm để hỗn chiến, gây mất an ninh trật tự. Lực lượng công an cần sử dụng biện pháp nghiệp vụ rà soát, nắm bắt để quản lý các đối tượng thường tụ tập, gây rối; qua đó giáo dục, răn đe, nhắc nhở.
Ngoài ra, gia đình, nhà trường cần quan tâm hơn để phát hiện, uốn nắn kịp thời các biểu hiện lệch lạc của con em trong sinh hoạt, học tập; không để trẻ tụ tập, ăn nhậu dễ phát sinh mâu thuẫn.
Bình luận (0)