UBND TP HCM vừa có văn bản chỉ đạo UBND các quận, huyện phối hợp các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp mở địa điểm tư vấn tuyển sinh, tư vấn đào tạo lái xe trên địa bàn. Qua đó, xử lý nghiêm các địa điểm, phòng ghi danh giả mạo tên cơ sở đào tạo lái xe để tư vấn tuyển sinh, tư vấn đào tạo.
Không có giấy phép đào tạo, vẫn chiêu sinh
Trước đó, sau phản ánh của Báo Người Lao Động, đoàn liên ngành Sở Giao thông Vận tải (GTVT) và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã làm việc với văn phòng ghi danh số 65 Sương Nguyệt Ánh (phường Bến Thành, quận 1).
Tại buổi làm việc, đại diện văn phòng cho biết văn phòng trực thuộc Công ty TNHH Thương mại Tư vấn TP HCM. Chức năng của công ty là tư vấn đào tạo lái xe, bổ túc tay lái, cho thuê và tập lái đúng như nội dung trong giấy phép kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp.
Lĩnh vực tư vấn đào tạo lái xe đã ngưng hoạt động từ năm 2017, còn hoạt động bổ túc tay lái vẫn đang duy trì. Khi đoàn liên ngành yêu cầu cung cấp các giấy tờ, tài liệu liên quan thì đại diện văn phòng chỉ cung cấp được giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; còn các giấy phép hoạt động đào tạo lái xe, hồ sơ, chứng từ liên quan đến hoạt động tư vấn, bổ túc tay lái thì không có.
Một điểm tư vấn đào tạo lái xe trên đường 3 Tháng 2 (quận 10, TP HCM) nhưng lại ký hợp đồng đào tạo với học viên
Mới đây, đoàn liên ngành của Sở GTVT và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra, đại diện văn phòng cho biết đã ngưng hoạt động từ tháng 3-2018. Tổ công tác đã yêu cầu gỡ bỏ các biển hiệu, thông báo chiêu sinh và đào tạo lái xe, đồng thời thông báo ngưng hoạt động để người dân có nhu cầu liên hệ công việc được biết. Tuy nhiên, những ngày sau đó, chúng tôi nhiều lần quay lại nơi đây thì vẫn chứng kiến các nhân viên tư vấn ký hợp đồng đào tạo lái xe với những người có nhu cầu.
Theo một lãnh đạo Sở GTVT TP, rất có thể các văn phòng kiểu này là cánh tay nối dài của các trường đào tạo và sát hạch lái xe trên địa bàn TP, nhằm tăng cường chiêu sinh người học. Sau khi ký hợp đồng đào tạo với người học, những văn phòng này sẽ bán lại hồ sơ học viên cho các trường đủ điều kiện tổ chức đào tạo và sát hạch lái xe theo yêu cầu của Bộ GTVT.
Trong khi đó, một số trường đào tạo lái xe uy tín cho biết thực tế có nhiều điểm ghi danh đào tạo "mượn" thương hiệu của trường hoặc quảng cáo có liên kết với trường nhưng thực tế thì không. Người học nếu không tìm hiểu kỹ rất dễ bị lầm... Để không bị mất tiền oan uổng, cần tìm hiểu kỹ thông tin các trường, trung tâm được Sở GTVT TP cấp phép.
Tràn lan bằng giả
Theo Phòng Quản lý sát hạch cấp giấy phép lái xe Sở GTVT TP HCM, từ ngày 1-1 đến 20-8-2018, đã phát hiện 218 giấy phép lái xe (GPLX) giả. Trong đó, A1: 118 trường hợp, B2: 51 trường hợp, C: 21 trường hợp, D: 13 trường hợp, E: 12 trường hợp và FC: 3 trường hợp. Đặc biệt, tính từ năm 2016 đến nay, đã có 4.500 GPLX do Vương quốc Campuchia cấp cho công dân Việt Nam. Tuy nhiên, qua kiểm tra hồ sơ, đơn vị này phát hiện một số trường hợp người Việt Nam lưu trú tại Campuchia trong thời gian từ 2-3 ngày vẫn được cấp GPLX.
Bên cạnh đó, qua kiểm tra một số GPLX có mã QR code thì không đúng với thông tin trên GPLX. Đơn cử GPLX B.00078089 do Vương quốc Campuchia cấp cho Nguyễn Hồng Yến (SN 21-3-1981), quốc tịch Việt Nam nhưng qua kiểm tra QR code thì một người khác là Tang Pha La, quốc tịch Campuchia. Hiện Sở GTVT TP HCM đề nghị Lãnh sự quán Campuchia tại TP HCM cung cấp quy trình, điều kiện để người Việt Nam được thi và được cấp GPLX tại Vương quốc Campuchia để làm rõ.
Ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM, cho biết thời gian qua, đã liên tục nhắc nhở và chấn chỉnh nhiều đơn vị đào tạo, sát hạch lái xe trên địa bàn TP nhằm thực hiện đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát, xử lý các văn phòng, điểm ghi danh về đào tạo và sát hạch lái xe trên địa bàn không đáp ứng yêu cầu của Bộ GTVT.
"Chúng tôi đã giao Thanh tra Giao thông chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng và đặc biệt là các quận, huyện tiến hành kiểm tra định kỳ, đột xuất nhằm tăng cường giám sát hoạt động của các điểm tư vấn tuyển sinh, tư vấn đào tạo lái xe trên địa bàn" - ông Lâm nhấn mạnh. Trong khi đó, theo một lãnh đạo khác của Sở GTVT TP, quận, huyện phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát các văn phòng, điểm ghi danh về đào tạo lái xe xem có đủ các điều kiện để hoạt động hay không.
Muốn nhận bằng nhanh không khó (?)
Đến đăng ký thử học để lấy GPLX B2 tại một vài điểm ghi danh đào tạo và sát hạch lái xe (đường An Dương Vương, quận 5, TP HCM), đường 3 Tháng 2 (phường 12, quận 10)..., chúng tôi được các nhân viên tư vấn cho biết GPLX B2 học khoảng 3 tháng (lý thuyết và thực hành); tổ chức đón học viên tại nhiều khu vực; học phí giao động từ 6-8 triệu đồng và ký hợp đồng đào tạo, đóng học phí tại chỗ. Về thời gian nhận GPLX, "nếu cần gấp sẽ báo lên sếp hỗ trợ sớm hơn"; "không có thời gian đi học, nhất là lý thuyết sẽ có thầy giáo hỗ trợ".
Trong khi đó, theo quy định, các trung tâm này được phép tư vấn về pháp luật, địa điểm học, học phí, loại bằng... nhưng không được ký hợp đồng đào tạo với học viên.
Bình luận (0)