Thay vì buồn lòng bởi câu nói: "Thành tích kém so với khu vực ở ASIAD 19 nằm trong dự báo", chúng ta hãy chấp nhận thực tế để biết mình là ai.
Về chỉ tiêu ở ASIAD 19, thể thao Việt Nam đặt ra 2-5 huy chương vàng. Chúng ta đã có 2 huy chương vàng, tức hoàn thành được mục tiêu tối thiểu nhưng nhìn sang các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, họ đều có số huy chương vàng vượt xa thể thao Việt Nam.
Thể thao thành tích cao không phải là một khái niệm xa lạ vì nó được xác định cụ thể trong Luật Thể dục, thể thao từ lâu. Giành được một huy chương vàng ở cấp độ châu lục và thế giới chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Với những gì đã thể hiện tại ASIAD 19, thể thao Việt Nam chưa cho thấy được sức bật từ các môn thể thao có thể hy vọng thi đấu giành được huy chương tại Olympic 2024 sắp tới.
Ngành thể thao Việt Nam thường lấy thành tích thi đấu ở SEA Games là cơ sở để đánh giá thực lực và năng lực của các vận động viên rồi sàng lọc, đầu tư, lựa chọn đi thi đấu ở ASIAD (châu Á) và Olympic (thế giới). Cách làm này đã lỗi thời, khi thể thao thế giới ngày càng thay đổi cách nhìn nhận và tiếp cận vấn đề.
Bài toán đầu tư và định hướng của thể thao Việt Nam bao lâu nay vẫn chưa có lời giải thỏa đáng. Khi danh sách đầu tư trọng điểm chọn lựa các huấn luyện viên và vận động viên luôn làm theo kiểu "ăn xổi ở thì", đầu tư chỉ nhắm vào mục tiêu giành huy chương tại những giải đấu ngắn hạn thì không giải quyết được phần gốc là tìm được đúng người có đủ các tố chất để huấn luyện, đào tạo để thi đấu ở sân chơi châu lục và quốc tế.
Người xưa nói "có thực mới vực được đạo". Lâu nay ngành thể thao Việt Nam vẫn chỉ dựa vào bầu sữa chính là ngân sách nhà nước, chỉ đủ cho nhu cầu cơ bản nên những vấn đề về khoa học thể thao khó được quan tâm để nâng cao thành tích.
Trong khi mở rộng, tìm hướng kết hợp với nguồn đầu tư xã hội hóa, thu hút tài trợ của doanh nghiệp mới là cách làm mà các nền thể thao lớn trong khu vực và thế giới áp dụng.
Bên cạnh đó, tạo ra cơ chế đãi ngộ thông qua thành tích mà họ đạt được để kích thích không chỉ vận động viên đó nỗ lực mà còn thu hút các tài năng khác tham gia con đường thể thao chuyên nghiệp.
Không chỉ đơn thuần là tạo điều kiện để vận động viên phát triển thành tích thể thao, việc tạo ra sự kết hợp hài hòa trình độ học vấn nhằm tạo ra khả năng tiếp thu các yếu tố khoa học kỹ thuật cũng như bảo đảm cho họ một nghề nghiệp khi trải qua thời kỳ đỉnh cao phong độ cũng là một vấn đề.
Thành tích cũng như tấm huy chương luôn có 2 mặt. Nếu chỉ nhìn vào mặt sáng chói thì sẽ bỏ qua những xù xì đằng sau. Để thể thao Việt Nam không phải buồn vì thành tích thì ngay bây giờ, chúng ta phải mạnh dạn thay đổi.
Bình luận (0)