xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thi hành án kéo dài: Vì sao?

Bài và ảnh: Trường Hoàng

Các luật sư cho rằng chấp hành viên gây khó, nhũng nhiễu; cơ quan thi hành án không quyết liệt; Luật Thi hành án dân sự còn nhiều bất cập... là những nguyên nhân khiến việc thi hành án gặp nhiều khó khăn

Sau bài viết “Thi hành án quá nhiêu khê” đăng ngày 28-11, Báo Người Lao Động đã nhận được nhiều ý kiến của các luật sư xung quanh vấn đề này.

Không làm hết trách nhiệm

Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng vẫn còn một số trường hợp chấp hành viên (CHV) không làm hết trách nhiệm trong thi hành các bản án theo yêu cầu của người được thi hành án (THA).

Nhiều đơn thư khiến nại của người dân gửi Báo Người Lao Động phản ánh về việc chậm thi hành án
Nhiều đơn thư khiến nại của người dân gửi Báo Người Lao Động phản ánh về việc chậm thi hành án

Dẫn từ thực tế vụ THA từng tham gia ở tỉnh Đ., luật sư Đức cho biết có vụ THA, tài sản bị kê biên là một trang trại giá trị hơn 3 tỉ đồng, trong khi khoản phải THA chỉ hơn 2 tỉ đồng nhưng 3 năm, cơ quan THA vẫn không xử lý tài sản kê biên. CHV vụ này cho rằng: “Luật sư tham gia cũng không giải quyết được gì”. Chỉ đến khi luật sư Đức làm văn bản gửi các cơ quan chức năng, vụ việc mới được giải quyết. “Việc CHV thiếu tinh thần trách nhiệm, thực hiện công vụ không đúng, có biểu hiện vòi vĩnh... đã gây bức xúc, làm méo mó hình ảnh cơ quan THA trong người dân” - luật sư Đức nhận định.

Phân tích trường hợp bà Trương Thị Lệ Nương (quận 1, gửi đơn qua Báo Người Lao Động), luật sư Đức cho rằng vụ này, người phải THA thừa tài sản để trả nợ nhưng Chi cục THA Dân sự quận 10 đã THA quá chậm chạp. Trong 7 năm, Chi cục THA Dân sự quận 10 giải quyết không dứt điểm dù đã kê biên 4 căn nhà, đất của người phải THA; nhiều lần ra quyết định cưỡng chế bán đấu giá nhưng đều “dừng” đột ngột theo đơn của người phải THA. Như vậy, trường hợp này là do cơ quan THA không quyết liệt chứ không phải do đương sự không có tài sản.

Cùng quan điểm, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết có những vụ dù đã đủ điều kiện THA nhưng vì mục đích nào đó lại bị một số cá nhân, cơ quan can thiệp trái luật. Có trường hợp CHV và cơ quan THA dân sự không dám... quyết liệt, sợ trách nhiệm trong việc cưỡng chế. Việc THA kéo dài, quyền lợi hợp pháp của người được THA bị xâm phạm có thể tạo ra sự bức xúc, thiếu niềm tin vào pháp luật.

Quy định nghĩa vụ chưa cụ thể

Phân tích ở góc độ pháp luật, luật sư Nguyễn Thanh Thanh (Đoàn Luật sư TP HCM) chỉ ra một số bất cập của Luật THA dân sự. Cụ thể, luật chưa quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của các cơ quan phối hợp trong quá trình xác minh điều kiện THA. Một khi người được THA đã “bó tay” trong việc xác minh điều kiện THA, “đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được” và “yêu cầu CHV tiến hành xác minh”, CHV tiếp nhận yêu cầu sẽ xác minh điều kiện THA ở UBND xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, luật lại không quy định rõ, cụ thể trách nhiệm, nghĩa vụ cũng như quyền lợi của các cơ quan này. Do đó, có địa phương tham gia nhiệt tình, có địa phương không hỗ trợ cơ quan THA.

Ngoài ra, thủ đoạn che giấu tài sản, thu nhập của người phải THA ngày càng tinh vi nên khó xác định. Cụ thể như che giấu các nguồn thu nhập, tẩu tán tài sản bằng nhiều hình thức khác nhau, thay đổi chỗ ở liên tục nhưng không trình báo với chính quyền địa phương và tất nhiên không có bất kỳ sự phối hợp nào với người được THA... Do đó, để người được THA xác minh được tài sản, thu nhập của người phải THA càng trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Luật sư kiến nghị

Luật sư Nguyễn Thanh Thanh kiến nghị cần có các giải pháp mang tính đồng bộ liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật một cách cụ thể và rõ ràng hơn; đồng thời cần quy định trách nhiệm, quyền lợi của các cơ quan phối hợp, hỗ trợ; trang bị các phương tiện hỗ trợ để quá trình xác minh điều kiện THA đạt hiệu quả.

Luật sư Nguyễn Văn Đức đề nghị các cơ quan tư pháp ở trung ương (TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Bộ Tư pháp) nên ban hành một thông tư liên ngành theo hướng cho luật sư được tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đương sự ở giai đoạn THA. Điều này vừa bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân vừa nâng cao trách nhiệm pháp lý của cơ quan THA và CHV.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo