Tính đến 10 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu nông sản, thủy sản sang Trung Quốc ước đạt 7,5 tỉ USD, chiếm 19,3% thị phần, là thị trường lớn thứ 2 về giá trị của Việt Nam, chỉ sau Mỹ. Trong đó, rau quả là mặt hàng đóng góp lớn nhất (chiếm 23,4% tổng giá trị, đạt hơn 1,755 tỉ USD); sắn 862 triệu USD; thủy sản 858 triệu USD; hạt điều 507,8 triệu USD; gạo 458,5 triệu USD...
Nhiều ngành bị sụt giảm
Những năm trước đây, việc xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang Trung Quốc khá dễ dàng, chủ yếu theo nhu cầu thị trường, thuận mua vừa bán; ngoài hoạt động xuất khẩu chính ngạch còn phổ biến buôn bán tiểu ngạch. Thế nhưng, vài năm gần đây, phía Trung Quốc ngày càng nâng cao tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và siết chặt buôn bán tiểu ngạch.
Điển hình là trường hợp ngành gạo. Năm 2017, thị trường Trung Quốc chiếm đến 50% thị phần thì năm nay chỉ còn 17%. Lý do là Trung Quốc không còn để doanh nghiệp (DN) gạo Việt Nam xuất khẩu tự do mà yêu cầu phải cấp phép nên chỉ có hơn 20 DN trong số hơn 200 DN có giấy phép xuất khẩu gạo của Việt Nam. Trong quá trình xuất khẩu, có DN còn bị Trung Quốc tạm đình chỉ do phát hiện vi phạm trong quá trình xuất khẩu hay kiểm tra cơ sở.
Hay như rau quả, chủ yếu là trái cây, vào năm 2018, xuất khẩu sang Trung Quốc đã đạt mức kỷ lục là 2,78 tỉ USD nhưng sau đó sụt giảm, đến năm 2020 chỉ còn 1,84 tỉ USD do nước này siết chặt danh mục loại quả được nhập khẩu chính ngạch chỉ còn 8 loại là: thanh long, xoài, mít, vải, chôm chôm, dưa hấu, nhãn, chuối. Từ đó đến nay, Việt Nam chỉ đàm phán mở cửa được thêm măng cụt, loại quả nước ta không có sản lượng lớn; trong khi các loại rau quả tiềm năng như sầu riêng, khoai lang, chanh leo, bưởi... vẫn còn xếp hàng chờ.
Chuối là một trong 9 loại trái cây tươi xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc
Ngay với những loại quả đã được xuất khẩu chính ngạch, Trung Quốc yêu cầu vùng trồng, cơ sở đóng gói phải có mã số để quản lý, truy xuất nguồn gốc nên càng thu hẹp sản lượng trái cây đủ điều kiện xuất khẩu sang nước này. Do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên chuyên gia Trung Quốc chưa sang Việt Nam kiểm tra thực tế. Vừa qua, nước này chuyển sang phương thức kiểm tra trực tuyến, kết quả là nhiều vùng trồng và cơ sở đóng gói bị đánh giá không đạt về kiểm soát dịch hại và phòng chống Covid-19.
Tại cuộc họp mới đây với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, đã bày tỏ sự lo lắng về đầu ra cho trái thanh long khi nhiều DN lớn trên địa bàn bị đánh giá không đạt. Cùng với Bình Thuận, đây là tỉnh có diện tích trồng thanh long lớn trên cả nước và loại quả này chiếm khoảng 50% tổng giá trị xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc (kim ngạch xuất khẩu từng đạt 1 tỉ USD/năm) nên vấn đề này không hề nhỏ.
Thách thức kèm cơ hội
Mới đây nhất, Trung Quốc tiếp tục ban hành lệnh 248 về đăng ký DN và lệnh 249 về quản lý giám sát an toàn thực phẩm có hiệu lực từ ngày 1-1-2022 sẽ tiếp tục tác động đến các DN xuất khẩu Việt Nam.
TS Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), đánh giá các quy định mới của Trung Quốc hiện nay đã tiệm cận thị trường châu Âu (EU). Đáng lưu ý, nước này vừa ban hành hơn 10.000 mức giới hạn dư lượng tối đa (MRLs) tăng 42% với 564 loại thuốc bảo vệ thực vật, 16,7% so với quy định vào năm 2019 trong danh mục 376 thực phẩm. Trung Quốc cũng ban hành danh mục gồm 500 loài sinh vật gây hại thực vật thuộc đối tượng phải kiểm dịch thực vật đều là các loại sinh vật gây hại phổ biến thường kèm các loại quả tươi Việt Nam như: rệp, ruồi đục quả… Để xử lý các sinh vật này, các DN bắt buộc phải có biện pháp kiểm soát (kèm chi phí phát sinh - PV).
Dù nhiều DN bi quan về tương lai thị trường Trung Quốc nhưng cũng có nhiều DN nhìn ra cơ hội lớn, nhất là DN đã xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc. Theo ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit, DN của ông đã xuất khẩu trái cây chế biến chính ngạch sang Trung Quốc từ lâu nhưng phải cạnh tranh với hàng tiểu ngạch giá rẻ (không phải đóng thuế GTGT 17%, không kiểm soát an toàn thực phẩm). "Thương lái thường mua gom nông sản sau đó bán kiểu "hàng chợ" thì vị thế nông sản Việt Nam không thể cao, còn DN xuất khẩu chính thức sẽ có cơ hội ở các chuỗi cửa hàng, siêu thị. Lâu nay chúng ta vẫn có nhận định thị trường Trung Quốc bấp bênh là do yếu tố tiểu ngạch" - ông Viên nhìn nhận.
Còn ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty Huy Long An - Mỹ Bình, cho rằng thị trường 1,4 tỉ dân này có rất nhiều phân khúc, không ở đâu mà người tiêu dùng chấp nhận trả tiền rất cao cho thực phẩm cao cấp như Trung Quốc nên chúng ta không thể bỏ qua. Trước giờ, DN xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản thì người ta cũng đến tận vườn, nhà xưởng để kiểm tra thì Trung Quốc cũng vậy" - ông Huy nói.
Thị trường nội địa hưởng lợi
Là DN tiếp đoàn chuyên gia Trung Quốc thẩm định mở cửa cho trái măng cụt, bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu Chánh Thu, đã nhìn thấy sự thay đổi của thị trường Trung Quốc nhiều năm trước. Trước mắt sẽ khó khăn nhưng đây là bước đệm để toàn bộ chuỗi cung ứng trái cây của Việt Nam thay đổi từ nhà vườn đến các vựa, cơ sở đóng gói, xuất khẩu.
"Trước đây, nông dân còn ỷ lại khi có thị trường Trung Quốc nên ít người chịu thay đổi để sản xuất theo tiêu chuẩn EU, Mỹ, Nhật Bản. Giờ Trung Quốc thay đổi thì nông dân bắt buộc phải thay đổi, tương lai Việt Nam sẽ có vùng nguyên liệu có thể xuất khẩu đi tất cả các nước vì tiêu chuẩn gần như tương đương. Hơn nữa, người tiêu dùng nội địa cũng hưởng lợi khi được sử dụng sản phẩm sạch hơn vì các vùng chuyên canh chủ yếu sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu" - bà Vy bày tỏ.
Ông ĐẶNG PHÚC NGUYÊN, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam:
Nhiều nước đề nghị lùi thời gian áp dụng
Những năm gần đây, dù ngành rau quả có giá trị xuất khẩu lên đến hơn 3 tỉ USD/năm nhưng phần lớn DN tham gia là DN vừa và nhỏ. Chưa kể vùng nguyên liệu còn manh mún, ít vùng chuyên canh nên khó áp dụng các tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt như các nước. Do đó, việc đáp ứng các quy định mới sẽ không dễ dàng, cần phải có thời gian dài để tập huấn cho nông dân, DN thích ứng.
Lệnh 248 và 249 của Trung Quốc không chỉ áp dụng với Việt Nam mà toàn bộ các nước xuất khẩu nông sản thực phẩm sang Trung Quốc. Tôi được biết các nước như Anh, Nhật, Mỹ đã có đề nghị Trung Quốc lùi thời hạn áp dụng 2 lệnh 248 và 249 sau 18 tháng để các nước có thời gian chuẩn bị. Nông dân và DN cũng cần thêm thời gian như vậy, do đó Việt Nam nên có đề nghị tương tự.
Ông TRƯƠNG ĐÌNH HÒE, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam:
Ngành thủy sản tự tin
Dù 2 năm qua, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc giảm nhưng chủ yếu do tác động của dịch Covid-19, nhu cầu thị trường yếu. Về dài hạn, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn và quan trọng của thủy sản, đặc biệt với cá tra.
Các quy định mới của Trung Quốc không làm khó cho ngành do ngành đã quen với việc đáp ứng các tiêu chuẩn từ EU, Nhật Bản. Trước đây, thương lái Trung Quốc có thể đến Việt Nam gom nguyên liệu, đặt gia công rồi đưa về Trung Quốc nhưng với các quy định mới thì khả năng cao là họ chuyển sang nhập khẩu chính thức từ DN sẽ giúp xuất khẩu sang Trung Quốc bền vững hơn.
Ông NGUYỄN VĂN THỨ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm G.C:
Lợi thế thị trường gần
Là DN chuyên xuất khẩu nha đam và thạch dừa chế biến, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu mới của chúng tôi, chiếm khoảng 10% thị phần sau Nhật Bản, Hàn Quốc. Trước đây, thương lái Trung Quốc thường đến tận Việt Nam mua nguyên liệu thô, sau đó đem về chế biến để có chi phí thấp. Khi Trung Quốc kiểm soát chặt nhập khẩu thực phẩm cùng với tác động của dịch Covid-19, khách hàng chuyển sang nhập khẩu thành phẩm từ chúng tôi. Chúng tôi có nhiều khách hàng đang trong quá trình đàm phán và đã có kế hoạch sang Trung Quốc nghiên cứu thị trường để sản xuất hàng theo đúng "gu" tiêu dùng thay vì bán những gì chúng tôi đang có. Trung Quốc là thị trường rất lớn, lại gần Việt Nam. Năm qua, khi cước vận chuyển tàu biển sang Mỹ, EU tăng 5-10 lần thì cước sang thị trường này chỉ tăng 0,3 lần nên tiềm năng còn rất lớn.
Ngọc Ánh ghi
Bình luận (0)