Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị đánh giá 10 năm thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam do Văn phòng Chương trình Phòng chống tác hại (PCTH) thuốc lá (Bộ Y tế) tổ chức sáng 28-5 ở Hà Nội.
Người hút thuốc lá quá nhiều
PGS-TS Nguyễn Thị Xuyên - Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Chủ nhiệm Thường trực Chương trình PCTH thuốc lá quốc gia - dẫn báo cáo của WHO cho thấy mỗi năm trên thế giới có khoảng 6 triệu ca tử vong liên quan đến sử dụng thuốc lá và 600.000 người chết do phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động.
Điều tra toàn cầu năm 2010 về sử dụng thuốc lá cho thấy Việt Nam là 1 trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới, trung bình 2 nam giới từ 15 tuổi trở lên có 1 người hút thuốc. Việc sử dụng thuốc lá phổ biến ở Việt Nam là một trong những nguyên nhân làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm một cách nhanh chóng trong thời gian qua. Các bệnh đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở cả nam và nữ. “Hơn 75% các ca tử vong ở Việt Nam hằng năm là do các bệnh không lây nhiễm, trong đó sử dụng thuốc lá là nguyên nhân chính” - bà Xuyên nói.
Tăng thuế có thể cứu được 16.000 người/năm
Ông Jeffery Kobza, quyền Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, cho biết Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng to lớn về kinh tế và sức khỏe do sử dụng thuốc lá bởi mỗi năm thuốc lá gây ra 40.000 ca tử vong sớm và chi phí điều trị, mất năng suất lao động do thuốc lá gây ra lên tới hơn 1 tỉ USD/năm. “Nếu thực hiện đầy đủ luật kiểm soát thuốc lá và thực hiện tăng thuế thuốc lá lên 100% thì có thể cứu được 16.000 sinh mạng khỏi tử vong do thuốc lá mỗi năm ở Việt Nam” - ông Jeffery Kobza khẳng định.
Ngày 11-11-2004, Việt Nam đã tham gia Công ước khung của WHO với cam kết thực hiện các biện pháp PCTH của thuốc lá hiệu quả để bảo vệ các thế hệ hiện tại và tương lai. Sau 10 năm thực hiện Công ước khung, đến nay việc thực hiện môi trường không khói thuốc tại Việt Nam đã được cải thiện nhiều so với trước đây và nhiều địa phương hưởng ứng như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Hạ Long, Hội An, Nha Trang, Huế, Hải Dương, Bắc Giang, Tiền Giang... Môi trường không khói thuốc được mở rộng và củng cố tại các cơ sở giáo dục, bệnh viện như: Đại học Y tế Công cộng, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Nhi Đồng 1 và nhiều bệnh viện khác...
Dù đạt được những kết quả tích cực trong 10 năm qua, tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên cũng thẳng thắn chỉ ra rằng công tác PCTH của thuốc lá tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn do thuốc lá là một sản phẩm gây nghiện, giá thuốc lá còn rẻ, tỉ lệ hút thuốc ở nam giới còn cao, ý thức tuân thủ quy định cấm hút thuốc của người dân còn hạn chế. “Vì vậy, để thực hiện thành công các cam kết khi tham gia công ước thì cần sự nỗ lực hơn nữa, phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các bộ, ngành, địa phương trong PCTH của thuốc lá” - bà Xuyên nói.
Bình luận (0)