Chi nhánh Điện lực huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng vừa thông báo ngưng cung cấp điện cho nuôi trồng thủy sản qua trạm biến áp công cộng từ ngày 15-6. Thông tin này làm những hộ nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm, như ngồi trên lửa. Thiếu điện chạy máy sục ôxy, chất lượng con tôm sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
“Khát” điện
Ông Lưu Quốc Toàn - ngụ ấp An Hưng, xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung - nuôi tôm đã hơn 10 năm nay. Năm 2012, do giá dầu liên tục tăng, nếu chạy quạt để sục
ôxy cho ao nuôi tôm bằng máy nổ sẽ tốn rất nhiều tiền nên ông Toàn làm đơn xin cấp điện. Khi được phía điện lực đồng ý, ông Toàn đã mua 4 mô-tơ loại 3 KW để quay quạt tạo khí ôxy cho 2 ao tôm khoảng 8.000 m2. Nhờ vậy, chi phí nuôi tôm giảm, người nuôi thu hoạch tương đối khá.
Do thời gian gần đây điện cúp liên tục nên ông Toàn và những người nuôi tôm ở huyện Cù Lao Dung phải mua máy nổ chạy dầu để phòng hờ. “Mỗi máy ngốn khoảng 8 lít dầu/ngày, tính giá hiện nay là 23.000 đồng/lít thì mỗi ngày chạy máy cũng hết 184.000 đồng. Với 4 máy, một ngày tôi phải chi ra khoảng 600.000 đồng tiền dầu, so với dùng điện thì chi phí quá cao” - ông Toàn cho biết. Ông Toàn còn nuôi một ao tôm đã 30 ngày tuổi, đang trong giai đoạn lớn nhanh nhưng cả tháng nay, điện cứ cúp liên tục, không thể sục ôxy nên tôm thường nổi đầu lên mặt nước. Nếu sắp tới điện vẫn bị cúp, những người nuôi tôm như ông Toàn chưa biết phải tính sao.
Theo thông báo từ Chi nhánh Điện lực huyện Cù Lao Dung, thời gian qua, nhu cầu sử dụng điện trên địa bàn huyện tăng khoảng 30% so với năm 2013 và dự kiến còn tiếp tục tăng cao. Nhiều khi trạm biến áp công cộng quá tải dẫn đến sự cố, thậm chí cháy máy biến áp. Để tránh tình trạng này, ngành điện lực đã ngưng cung cấp điện và đề nghị những người nuôi trồng thủy sản tự đầu tư trạm biến áp riêng.
Tại huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, từ đầu năm đến nay đã có hơn 100 trạm biến áp bị nổ do việc nuôi tôm công nghiệp phát triển quá nhanh, dẫn tới sử dụng điện quá tải. Trong khi đó, những huyện nuôi tôm của tỉnh Trà Vinh như: Duyên Hải, Cầu Ngang, Châu Thành, Trà Cú..., điện thường “giở chứng”. Người nuôi không còn cách nào khác là phải dùng máy nổ chạy bằng dầu.
Do nuôi tôm thẻ chân trắng
Năm 2014, tỉnh Trà Vinh dự kiến nuôi tôm trên 23.000 ha nhưng nguồn điện phục vụ cho ngành thủy sản quá ít. Hiện Trà Vinh có gần 85% tổng diện tích nuôi thủy sản phải sử dụng máy nổ vì chưa có nguồn điện phục vụ, làm tăng chi phí đầu tư. Tại tỉnh Sóc Trăng, năm 2014 có khoảng 9.200 ha mặt nước nuôi tôm nhưng nguồn điện phục vụ cũng thiếu nghiêm trọng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ sau Tết Giáp Ngọ, giá tôm thẻ chân trắng tăng cao. Hàng loạt hộ dân đã chuyển từ nuôi tôm sú sang đầu tư cho tôm thẻ chân trắng nên nhu cầu sử dụng điện tăng lên. Mật độ nuôi tôm thẻ rất dày nên phải thường xuyên dùng điện để chạy hệ thống quạt sục bọt khí, tạo ôxy. Nếu không đủ ôxy, tôm sẽ nổi đầu, ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất.
Theo ông Trần Văn Mới - Trưởng Ban Nhân dân ấp An Quới, xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung - diện tích nuôi tôm ở ấp trên 100 ha. An Quới là vùng nuôi tôm được nhà nước quy hoạch. “Kêu gọi người dân tự đầu tư trạm biến áp là rất khó vì chi phí quá cao. Chính quyền địa phương cần hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư trạm biến áp để người nuôi tôm giảm bớt khó khăn” - ông Mới kiến nghị.
Khuyến cáo nuôi lại tôm sú
Trong một cuộc họp mới đây giữa UBND tỉnh Trà Vinh và 4 huyện nuôi tôm trên địa bàn, ông Dương Văn Kẻn, Giám đốc Sở Công Thương, cho rằng sự phát triển diện tích nuôi tôm không tuân thủ quy hoạch và không nằm trong quy hoạch phát triển điện. Vì vậy, việc thiếu điện cho nuôi trồng thủy sản là tất yếu. Tất cả những vùng nuôi tôm tập trung của Trà Vinh đều đang thiếu điện để chạy máy sục khí. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh khuyến cáo những hộ mới nuôi tôm thẻ chân trắng nếu không đủ nguồn điện thì nên quay lại nuôi tôm sú.
Bình luận (0)