Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết điểm mới của Luật BHYT sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-1-2016 là việc mở thông tuyến khám chữa bệnh (KCB) BHYT giữa cơ sở y tế tuyến xã và huyện trên cùng địa bàn tỉnh, thành phố.
Thuận lợi cho người bệnh
Theo quy định mới của Thông tư 40 vừa được ban hành, người có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại cơ sở KCB tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa, bệnh viện tuyến huyện được quyền KCB BHYT tại các cơ sở y tế trong cùng địa bàn tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, người bệnh có BHYT còn được quyền KCB tại phòng khám, bệnh viện tư nhân tương đương mà vẫn được thanh toán 100%.
Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y tế, cho rằng quy định thông tuyến của Luật BHYT sẽ mang lại điều kiện thuận lợi tối đa cho người tham gia BHYT trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế. Với quy định này, người bệnh không còn bị bó buộc phải khám tại nơi đăng ký KCB BHYT ban đầu.
Trước đây, tại bệnh viện tuyến huyện, trong trường hợp người dân đi khám không đúng tuyến thì quỹ BHYT chỉ thanh toán 70% chi phí. Theo Luật BHYT sửa đổi, bắt đầu từ ngày 1-1-2016, quỹ sẽ thanh toán 100% chi phí KCB đối với những đối tượng KCB trong cùng địa bàn tỉnh, thành phố.
Theo bà Hương, Thông tư 40 cũng tạo điều kiện cho người dân được hưởng BHYT khi phải đi làm ăn, học tập xa nơi ở. Người tham gia BHYT đi công tác, học tập, làm việc lưu động hoặc tạm trú dưới 12 tháng tại địa phương khác thì được KCB tại cơ sở y tế ở địa phương đó tương đương với tuyến của cơ sở KCB ban đầu ghi trên thẻ. Trường hợp địa phương đó không có cơ sở y tế tương đương thì người dân được lựa chọn cơ sở khác có tổ chức KCB BHYT ban đầu.
Bên cạnh những lợi ích mà người dân có được trong việc thông tuyến KCB, đa số bệnh viện cho rằng sắp tới, khi các bệnh viện phải tự chủ tài chính và hướng đến tính đúng, tính đủ thì bệnh viện phải thu hút được bệnh nhân đến khám. Việc thông tuyến này sẽ tạo sự cạnh tranh giữa các cơ sở y tế tuyến huyện và tương đương. Vài cơ sở y tế chưa muốn xếp hạng, chần chừ trong việc nâng hạng cũng sẽ phải đổi mới, đầu tư nhiều hơn về chất lượng KCB.
Lo “nước chảy chỗ trũng”
Về tiến độ thực hiện Luật BHYT mới, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT - BHXH Việt Nam, cho biết BHXH Việt Nam đã có văn bản yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố triển khai việc thông tuyến KCB từ ngày 1-1-2016.
Theo đó, BHXH các tỉnh, thành phố lập danh sách các cơ sở y tế tuyến xã, huyện và các phòng khám tương tương có đăng ký KCB BHYT ban đầu; công khai, minh bạch quyền lợi, mức hưởng của người tham gia BHYT; thống nhất với các sở y tế những giải pháp để tránh trục lợi quỹ BHYT bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin vào việc kiểm tra, kiểm soát, quản lý người bệnh, quản lý danh mục kỹ thuật, thuốc…
Giám đốc nhiều bệnh viện cho rằng quy định thông tuyến sẽ giảm đáng kể phiền phức cho người tham gia BHYT. Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi cũng còn nhiều lo ngại xảy ra tình trạng “nước chảy chỗ trũng”, tức bệnh viện tuyến trên quá tải trong khi tuyến dưới ế ẩm, lãng phí.
Bác bỏ những lo ngại trên, ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Thái Nguyên, lý giải bệnh nhân sẽ là người hưởng lợi nhiều nhất. Bởi lẽ, điều này sẽ tạo sự cạnh tranh và các bệnh viện muốn giữ bệnh nhân sẽ phải đầu tư, nâng chất lượng KCB.
Trước nỗi lo người bệnh có BHYT chạy “sô” khám 3-4 nơi, gây lãng phí hoặc trục lợi quỹ BHYT, ông Nguyễn Minh Thảo cho rằng trong tương lai, cơ quan bảo hiểm sẽ ứng dụng phần mềm quản lý bệnh nhân BHYT toàn diện. Khi đó, dù bệnh nhân khám ở bất cứ cơ sở y tế nào trên toàn quốc đều được hệ thống quản lý này phát hiện.
Bệnh viện phải thu hút bệnh nhân
Ông Phạm Lương Sơn nhấn mạnh mục tiêu cuối cùng của Luật BHYT mới chính là tăng cơ hội lựa chọn cho người bệnh, đồng thời buộc các cơ sở y tế phải nâng cao chất lượng KCB để thu hút bệnh nhân. Mục tiêu này nhằm hướng tới việc thanh toán viện phí tính đúng, tính đủ theo thị trường, không còn bao cấp. Nếu không giữ được bệnh nhân thì bệnh viện sẽ phải đóng cửa.
Bình luận (0)