Sau bài "Bất an với côn đồ trên đường phố" đăng trên Báo Người Lao Động ngày 28-6, nhiều chuyên gia xã hội, pháp luật đã thẳng thắn thừa nhận người Việt đang rất hung hãn, thích dùng nắm đấm để giải quyết mâu thuẫn.
Dễ bị kích động, thích thể hiện
Nhà xã hội học Võ Ngọc Liên khẳng định: "Thói hung hãn đang gia tăng trong văn hóa ứng xử của người Việt".
Theo bà Liên, khi phát ngôn như vậy sẽ chạm đến tự ái của nhiều người nhưng đây là thực tế mà chúng ta phải thừa nhận để "soi" lại và sửa chữa. Con người sinh ra vốn hiền lành nhưng do tác động từ môi trường sống, các mối quan hệ, giao tiếp và đặc biệt là nền giáo dục mà hình thành nên nhân cách. Cái đáng quan ngại, báo động gần đây là một bộ phận thanh niên dễ bị kích động, thích lối ứng xử bạo lực. Chỉ cần ra đường tham gia giao thông sẽ chứng kiến rất nhiều cảnh tranh giành, đôi co, chửi bới.
Va chạm giao thông, nam thanh niên cầm mũ bảo hiểm đánh cô gái ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai (ảnh cắt từ clip)
"Có lần tôi chạy xe máy vô tình va chạm với một người đàn ông khoảng 40 tuổi tại vòng xoay Lý Thái Tổ (quận 10), chưa biết ai đúng, ai sai, người này đã chỉ tay vào mặt tôi nói những lời rất nặng nề. Lần khác, tôi chứng kiến một vụ va chạm xe máy nhẹ nhưng 2 người đàn ông lại túm cổ quyết dùng nắm đấm "nói chuyện" cho đến khi mọi người vào can ngăn.
Có cảm giác như bây giờ người ta thích hơn thua, thể hiện mình, không quen nhường nhịn, thiếu kiên nhẫn, kiềm chế. Chính cách hành xử này đã tiêm nhiễm thói xấu cho trẻ con. Trong khi đó, có lần tôi đi bộ không chú ý đạp chân vào một bé gái 6 tuổi người Nga bên hông chợ Bến Thành, thay vì khóc thét, cô bé cau mặt vì đau nhưng vẫn cúi đầu xin lỗi tôi. Mẹ bé đứng gần đó cũng cúi đầu xin lỗi. Tôi cảm thấy xấu hổ vì đạp chân bé mà chưa kịp xin lỗi, họ đã xin lỗi mình. Nếu là người Việt, không chừng tôi bị mắng chửi vì làm đau bé" - bà Liên kể.
Phạt kiểu gãi ngứa
Dưới góc nhìn của chuyên gia pháp luật, luật sư Nguyễn Anh Minh (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng khung hình phạt cho tội đánh nhau gây thương tích hiện không đủ sức răn đe. Điển hình, nếu đánh nhau mà giám định thương tật dưới 11% thì chỉ phạt hành chính vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng. "Phạt kiểu gãi ngứa nên người ta không sợ, liên tục tái phạm dẫn đến xem đó là chuyện bình thường. Phải nâng cao vai trò luật pháp và nâng mức xử phạt đối với hành vi côn đồ" - luật sư Minh nói.
Còn chuyên gia tâm lý Cao Thanh Sang cho rằng thói hung hãn đều có sẵn trong mỗi người, nếu không nhận thức rõ, thiếu kiềm chế thì sẽ bùng phát. Để có thể ngăn chặn tình trạng hành xử côn đồ phải bắt đầu từ giáo dục.
Trong gia đình, các thành viên phải biết yêu thương, nhường nhịn, tránh cãi nhau to tiếng khi gặp chuyện không vừa ý. Trẻ nhỏ thích bắt chước, nếu muốn con cái sau này trở thành những người biết cách cư xử, cha mẹ phải theo dõi, uốn nắn sớm đối với các lời nói, hành vi tiêu cực và trước hết hãy là tấm gương tốt, sống vui vẻ, vị tha.
Về phía ngành giáo dục, ngoài việc dạy kiến thức nên bổ trợ nhiều kỹ năng giao tiếp, dạy trẻ biết phân biệt đúng - sai cũng như tính giới hạn, biết nói lời xin lỗi, nhận lỗi, rèn luyện kỹ năng làm chủ cảm xúc, ứng xử thân thiện trong mọi tình huống… "Về mặt quản lý nhà nước, áp lực kinh tế, thất nghiệp, kẹt xe… cũng phần nào gây ra tâm lý ức chế, dễ nổi cáu. Việc bảo đảm an sinh xã hội cũng là giải pháp giúp người dân bớt bạo lực.
Ngoài ra, các ngành quản lý văn hóa, các cơ quan truyền thông, giải trí cũng cần xem xét các nội dung đăng tải mang tính bạo lực. Hầu hết các bộ phim hoạt hình từ các kênh truyền hình nước ngoài hiện nay đều chứa đựng yếu tố bạo lực; những thể loại game bạo lực nhan nhản… Chính từ đây đã gieo mầm bạo lực và hung hãn" - ông Sang phân tích.
Theo đại tá Nguyễn Sĩ Quang, Trưởng Phòng Tham mưu Công an TP HCM, hằng ngày, ở TP xảy ra hàng chục vụ gây thương tích từ trong nhà ra ngoài phố với nhiều lý do ngớ ngẩn.
Bình luận (0)