Thời gian qua, ông Đoàn Văn Phúc (ngụ phường Long Bình, quận 9, TP HCM) liên tục gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng TP HCM yêu cầu làm rõ việc thu hồi 27.640,9 m2 đất của gia đình ông tại phường Long Bình nhưng chỉ hỗ trợ với giá rất thấp.
Hỗ trợ giá “bèo”
Theo hồ sơ khiếu nại, năm 2008, UBND TP HCM ban hành quyết định thu hồi 978.491 m2 đất tại phường Long Bình, quận 9, TP HCM để thực hiện dự án chỉnh trang phát triển đô thị tại phường Long Bình, trong đó có 27.640,9 m2 đất của gia đình ông Phúc. Theo phương án bồi thường năm 2012 đã được UBND quận 9 phê duyệt, gia đình ông Phúc được bồi thường hơn 22,5 tỉ đồng. Thế nhưng khi ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định công bố bồi thường, UBND quận 9 chỉ hỗ trợ gia đình ông Phúc hơn 905 triệu đồng và không được tái định cư.
Không đồng ý với quyết định trên, ông Phúc đã gửi khiếu nại đến UBND TP HCM. Hiện đơn của ông Phúc đã được UBND TP HCM chuyển Thanh tra TP giải quyết.
Lý giải việc khiếu nại của mình, ông Phúc cho biết khu đất của gia đình có từ thời ông nội, cha rồi đến ông sử dụng ổn định từ trước năm 1975 cho đến nay. Trong quá trình sử dụng không có ai tranh chấp. Năm 1999, ông Phúc đến phường Long Bình kê khai đất đai nhưng nơi đây trả lời là đất tôn giáo nên không cần kê khai.
“Trước năm 1975, ông nội và cha tôi đã xây dựng chùa Thanh Sơn trên khu đất này và gia đình tôi quản lý chùa cho đến nay. Gia đình chúng tôi chấp hành chủ trương thu hồi đất của nhà nước, tuy nhiên phải xem xét nguồn gốc và quá trình sử dụng đất để bồi thường chứ hỗ trợ thấp như vậy gây thiệt thòi cho gia đình tôi” - ông Phúc trình bày.
Không chỉ riêng ông Phúc mà nhiều hộ có đất bị thu hồi trong dự án này cũng rơi vào tình cảnh tương tự, phương án được duyệt rất cao nhưng quyết định bồi thường lại rất thấp.
Thiệt thòi cho người dân
Trả lời về vụ việc trên, ông Huỳnh Tiển - Phó Phòng Nghiệp vụ 3, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 9 - lý giải: Đơn vị căn cứ Quyết định 35 ngày 28-5-2010 quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP HCM. Theo quyết định này, do đất của gia đình ông Phúc không đủ điều kiện để bồi thường nên chỉ được hỗ trợ tiền cho 2.000 m2 đất cho dù diện tích bị thu hồi có lớn hơn.
Đối với các trường hợp khác, ông Huỳnh Tiển cho biết phương án bồi thường được duyệt là dựa trên kê khai của người dân. Sau đó, cơ quan chức năng kiểm tra đối chiếu nguồn gốc đất, quá trình sử dụng và đo đạc lại diện tích đất không trùng khớp với khai báo của người dân nên xảy ra việc bồi thường thấp hơn phương án đã phê duyệt.
Về vụ việc của ông Phúc, theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Đoàn Luật sư TP HCM, trước tiên cần phải xác định đây là đất của cơ sở tôn giáo hay đất của hộ gia đình, cá nhân thì mới có cách giải quyết chính xác. Theo hồ sơ thì đất chùa Thanh Sơn có đối tượng sử dụng đất là của hộ gia đình, cá nhân.
Hộ gia đình ông Phúc sử dụng đất ổn định trước ngày 15-10-1993, được UBND cấp xã xác nhận, nếu có một trong các giấy tờ quy định tại khoản 3 điều 8 Nghị định 197/204/NĐ-CP, khoản 4 điều 8 quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP HCM (ban hành kèm theo Quyết định 35/2010/QĐ-UBND của UBND TP HCM ngày 28-5-2010) thì được bồi thường khi thu hồi đất. Trong trường hợp không có các giấy tờ theo các quy định nêu trên thì căn cứ theo khoản 6 điều 8 Nghị định 197/20004/NĐ-CP quy định: “Đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 15-10-1993, nay được UBND cấp xã xác nhận là đất đó không có tranh chấp” vẫn được bồi thường khi thu hồi đất. Việc bồi thường, hỗ trợ về đất khi nhà nước thu hồi đất đối với đất sử dụng trước ngày 15-10-1993 mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất được thực hiện theo quy định điều 44 Nghị định 84/2007/NĐ-CP của Chính phủ. Nếu là đất do cơ sở tôn giáo sử dụng thì phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có quyết định giao đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì mới được bồi thường về đất theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp không đủ điều kiện để bồi thường về đất theo điều 8 Nghị định 197/2004/NĐ-CP của Chính phủ thì được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xem xét hỗ trợ khi thu hồi.
“Đất của chúng tôi sử dụng qua 3 đời nhưng khi thu hồi lại không bồi thường, không được tái định cư, chỉ hỗ trợ ít ỏi thì gia đình chúng tôi phải sống ra sao” - ông Đoàn Văn Phúc bức xúc.
Bình luận (0)