Hai ngày nay, dư luận bức xúc trước một vụ việc chết người xảy ra ở Tây Ninh. Theo thông tin ban đầu, lực lượng liên ngành của xã Tân Hội, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh khi đến kiểm tra giấy phép kinh doanh (GPKD) của các điểm thu mua mì, trong lúc làm việc, bất ngờ 1 người trong đoàn liên ngành xô ngã 1 phụ nữ xuống đất, nạn nhân tử vong tại chỗ.
"Củ mì là loại hàng hóa gì mà thu mua không giấy phép là phạm luật, bị tịch thu?". Rất nhiều bạn đọc đã bức xúc đặt câu hỏi như vậy.
"Có mấy trăm ký khoai mì người ta mua bán mà cũng làm khó vậy sao? Đâu phải là hàng quốc cấm? Lãnh đạo nhiều địa phương còn phải tìm cách tiêu thụ nông sản cho bà con nữa đó, sao ở đây một mình một kiểu vậy?"- bạn đọc Huỳnh Hoa thắc mắc. Bạn đọc Quốc Dũng khẳng định: "Đây đích thị là nhũng nhiễu, hành dân, cản trở việc làm ăn bình thường của người dân. Các tiểu thương có thu mua, làm đầu mối thu gom nông sản thì mới thông thương và nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân. Không có lý do gì cán bộ xã, huyện đi kiểm tra việc mua bán của các tiểu thương, trừ khi không muốn những người nông dân không bán được sản phẩm do họ làm ra".
Lời giải thích của lãnh đạo huyện sau khi sự việc xảy ra chẳng khác gì như "đổ thêm dầu vào lửa". Hầu hết các ý kiến đều không đồng tình với việc lý giải rằng việc kiểm tra này có kế hoạch từ trước và việc chính quyền "làm căng" đối với những điểm thu mua nông sản nhỏ lẻ như vậy vì thời gian gần đây một số điểm thu mua, tiêu thụ mì, mủ cao su trộm cắp...Bạn đọc cho rằng đó là ngụy biện, chẳng qua cán bộ xã và lực lượng liên ngành không nắm luật, quá lạm quyền, kém năng lực nên mới động tay, động chân gây hậu quả đau lòng này. "Công tác này phải do quản lý thị trường làm chứ sao lại xã, họ không nắm rõ các quy định pháp luật mới hành xử như vậy, chưa chứng minh được hàng hóa phạm pháp mà đòi tịch thu"- bạn đọc Nam Nguyen nêu ý kiến.
Còn theo bạn đọc Tư Tân Hội, đoàn liên ngành của xã Tân Hội phải chịu trách nhiệm về cái chết của nạn nhân, dù GPKD đứng tên người khác, điểm thu mua tại nhà nạn nhân pháp luật vẫn cho phép, giống như mướn nhà người khác kinh doanh.
Bạn đọc Xuân Hùng cho rằng nếu người dân có sai thì cán bộ phải tuyên truyền, giải thích cho họ hiểu; hướng dẫn cho họ làm các thủ tục cho đúng pháp luật; cho cam kết, nếu vi phạm tiếp thì lập biên bản vi phạm hành chánh xử lý; vi phạm đến đâu xử lý tới đó, đâu cần phải xô xát với người dân mà lại là phụ nữ. Tóm lại cấp xã chỉ tuyên truyền giáo dục, thuyết phục là chính.
Đã có chết người xảy ra, đã có gia đình bỗng dưng mất người thân. Vụ việc này các cơ quan chức năng tỉnh phải khởi tố điều tra ngay, không chần chờ nữa. Đó là mong muốn của tất cả bạn đọc gửi đến báo Người Lao Động.
Bình luận (0)