Mặc dù bị nghiêm cấm nhưng người dân tỉnh Gia Lai vẫn vào rừng săn thú rừng về bán cho các quán ăn, nhà hàng. Việc săn thú rừng diễn ra công khai từ bao nhiêu năm qua trong khi các cơ quan chức năng không có biện pháp gì ngăn chặn.
Loại nào cũng săn
Chỉ qua một mối quen biết, chúng tôi dễ dàng xin được theo chân nhóm thợ săn ở làng Nghơm Thung (xã Ia Pết, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai) vượt hơn 50 km tới những cánh rừng ở xã Ia Pia, huyện Chư Prông, nằm sát biên giới với Campuchia, để săn thú.
Trưởng nhóm, thợ săn Nghênh, cho biết từ khi rừng bị chuyển đổi để trồng cao su, các loại thú không còn chỗ trú đã dịch chuyển dần theo những cánh rừng của Campuchia. “Khi có những cơn mưa đầu mùa, cỏ non mọc rộ, đất ẩm thì thú rừng trở về kiếm ăn. Đây là thời điểm mùa săn bắt đầu. Chỉ cần lần theo những dấu chân thú sẽ có thu hoạch tốt” - thợ săn Nghênh chia sẻ.
Sau khi chia nhau tìm được dấu chân thú để lại khi kiếm ăn, nhóm thợ săn nhanh chóng dùng lưới dù căng ra hàng trăm mét để bẫy. Đàn chó săn được thả ra lùng sục từng khoảnh rừng. Nếu phát hiện có thú, chúng sẽ truy đuổi lùa vào lưới. Theo già Pâng, một thợ săn lão luyện, đây là loại lưới chủ yếu dùng để săn hoẵng nhưng nếu có loài khác như chồn, heo... rừng mắc vào thì cũng không thể thoát được.
Với cách đơn giản này, chỉ trong một buổi chiều, nhóm thợ săn đã bắt được 1 con hoẵng nặng hơn 20 kg. “Trước đây, mỗi ngày, chúng tôi có thể săn được 4-5 con thú như thế này. Hiện giờ phải đi xa, nếu may mắn thì được 1-2 con” - già Pâng cho biết.
Trước đó, chúng tôi theo chân nhóm thợ săn làng Cam (xã Đắk Sma, huyện Kbang) tới khu vực rừng giáp Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Chỉ trong buổi chiều, nhóm thợ săn đã bắt được 4 con dúi từ 2-3 kg. “Thịt dúi ngon, được nhiều dân nhậu xem là món khoái khẩu. Có giá từ 400.000-500.000 đồng/kg nhưng thịt dúi rất dễ bán, chỉ cần mang ra mấy nhà hàng là họ mua ngay” - anh Hlêu, thợ săn dúi chuyên nghiệp, kể. Hầu như con thú nào săn được cũng dễ dàng bán cho đầu nậu và quán ăn với giá thịt chồn: 200.000 đồng/kg, heo rừng: 250.000 đồng/kg…
“Bảo đảm tươi ngon”
Tại Gia Lai, hầu như nhà hàng nào cũng đều có trong thực đơn một vài món thịt rừng. Đường Phạm Văn Đồng, TP Pleiku được xem là “thiên đường” của dân nhậu sành đồ rừng. Nhà hàng B.H.X khá nổi tiếng ở đây vì nhiều món ăn, chủng loại phong phú. Mới 17 giờ, lượng khách vào ăn nhậu đã khá đông, gần kín hết bàn. Thấy chúng tôi lưỡng lự khi cầm thực đơn có hàng chục món thịt rừng, anh nhân viên gợi ý: “Anh ăn thịt heo rừng nhé, bảo đảm tươi ngon. Hay kỳ đà nướng mọi, chồn hương giả cầy, nai nướng..., món nào cũng tươi ngon hết ạ”. Nhìn sang các bàn bên cạnh, những món như khô nai nướng, dúi xào lăn, heo rừng hấp sả… bốc khói nghi ngút. Nhân viên ở đây cho biết nếu muốn mua thịt tươi mang về thì cũng sẵn sàng.
Không chỉ nhà hàng B.H.X mà ở tỉnh miền núi này, hầu như nhà hàng và quán ăn nào cũng kinh doanh món đặc sản thịt rừng. Chỉ riêng đường Phạm Văn Đồng đã có hàng chục nhà hàng bán món đặc sản khoái khẩu này.
Ngoài các món ăn được chế biến sẵn trong các nhà hàng, thịt rừng còn được bày bán công khai dọc các con đường. Tại vỉa hè đường Trần Hưng Đạo - gần Quảng trường Đại Đoàn Kết, TP Pleiku - ngày nào cũng có người bày bán các loại thịt rừng như heo rừng, chồn, cheo… Lượng thịt rừng này do người dân địa phương săn bắt. Bên cạnh đó, một lượng lớn được các đầu nậu thu mua từ cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, huyện Đức Cơ hoặc theo đường thủy điện Yaly huyện Chư Pah, xã Ia O ở biên giới Campuchia chuyển về.
Phần lớn là thịt thú rừng nuôi ?
Bà Nguyễn Thị Kim Hương, Trưởng Phòng Bảo tồn thiên nhiên Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, cho biết phần lớn thịt rừng được bày bán ở các nhà hàng là thú nuôi (!), một số nhà hàng cũng trà trộn thịt thú rừng để bán. Tuy nhiên, việc quản lý, kiểm tra gặp nhiều khó khăn do các quán thường giấu nơi khác. Còn về kiểm tra vận chuyển thịt rừng, họ thường được đóng gói, đóng hộp hoặc cất giữ cẩn thận nên rất khó phát hiện.
Bình luận (0)