Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang thẩm định đề xuất của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) về việc thuê lại hạ tầng và tài sản khu bay của 22 cảng hàng không trong cả nước với giá chỉ hơn 45 tỉ đồng/năm.
Thuê trong vòng 50 năm
Hạng mục mà ACV đề xuất thuê lại bao gồm: đường băng, đường lăn, hàng rào, nhà để xe cứu hỏa (hạ tầng); máy cắt cỏ, máy tẩy vệt cao su trên đường băng (tài sản, trang thiết bị khu bay). Đây là hạng mục đã được loại ra khỏi giá trị thực tế của doanh nghiệp (DN) khi thực hiện cổ phần hóa ACV vì là tài sản, hạng mục mang tính chất công ích, phục vụ mục đích an ninh quốc phòng, được định giá hơn 1.914 tỉ đồng. Khi trở thành công ty cổ phần, ACV đặt vấn đề khai thác, quản lý hạ tầng và tài sản khu bay theo 2 phương án.
Phương án 1, ACV thuê lại tài sản của nhà nước trong vòng 50 năm (đồng thời được tiếp tục thuê khi hết thời hạn) với mức giá cho thuê được xác định trên cơ sở giá trị còn lại của tài sản theo tính toán của ACV khoảng hơn 45 tỉ đồng/năm. Phương án 2, nhà nước thuê ACV vận hành - quản lý tài sản. Trong đó, ACV nghiêng về phương án 1 vì có tính kế thừa cao từ phương án cổ phần hóa ACV đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đã có tiền lệ trong lĩnh vực cho thuê cảng biển, cảng cạn. Theo đó, nhà nước sẽ có nguồn thu từ phí thu cố định. Nếu thực hiện theo phương án 2, không phù hợp với chủ trương cổ phần hóa ACV, khả năng thu hồi vốn đầu tư của nhà nước không chắc chắn do nhà nước không thu được phí cố định. Đồng thời, chưa bảo đảm mục tiêu cốt lõi của hoạt động khai thác khu bay là an ninh, an toàn và hoạt động thường xuyên, liên tục của cảng hàng không.
Trước đây, ACV là DN độc quyền quản lý, khai thác toàn bộ hệ thống cảng hàng không cả nước nhưng hiện đã có những chủ thể mới được tham gia từng phần vào công đoạn này do chính sách xã hội hóa đầu tư như các hạng mục nhà ga hàng hóa, khu thương mại... Trong thực tế, nhiều nhà đầu tư đặt vấn đề xây dựng - khai thác sân bay như dự án sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh), sân bay Lào Cai, sân bay Lai Châu, trong đó sân bay Vân Đồn đang được nhà đầu tư Sun Group triển khai xây dựng và sẽ đứng ra khai thác, quản lý. Còn vấn đề thuê lại hạ tầng cơ bản là khu bay để khai thác thì trên thế giới chưa có tiền lệ. Tuy nhiên, nếu ACV không làm thì cũng có thể có phương án khác là giao hạng mục này về cho Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam hoặc thành lập một DN 100% vốn nhà nước quản lý.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, tiếp tục giao ACV quản lý, khai thác hoạt động khu bay sau khi trở thành DN cổ phần hóa là phương án tối ưu vì có thể bảo đảm tính liên tục, đồng bộ trong khai thác cảng hàng không.
Định giá độc lập, không “mặc cả”
Việc ACV đề xuất trả giá thuê hơn 45 tỉ đồng/năm được đánh giá là quá thấp và thiếu cơ sở thực tiễn. Bộ GTVT cho rằng giá trị tài sản cố định của khu bay còn lại rất ít nhưng căn cứ vào giá trị còn lại trong sổ sách để tính giá cho thuê 45 tỉ đồng/năm cho 22 cảng là không ổn. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, đây là vấn đề mới nảy sinh nên cần thành lập ngay tổ nghiên cứu về cho thuê kết cấu hạ tầng và tài sản khu bay để nghiên cứu kỹ các vấn đề đặt ra liên quan đến việc cho thuê tài sản. Việc định giá cho thuê là vấn đề hết sức quan trọng, cần làm rõ định giá cho thuê theo giá sổ sách hay giá thị trường. Nếu cần thiết, có thể thuê một đơn vị của Bộ Tài chính đánh giá lại tài sản. Trường hợp cần thiết, Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng cho thực hiện thí điểm trước.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một lãnh đạo ngành hàng không cho rằng cần phải lưu ý 2 vấn đề. Thứ nhất, phải có tổ chức định giá độc lập đứng ra đánh giá tài sản để làm cơ sở tính giá cho thuê, bảo đảm được hoạt động duy tu, bảo dưỡng cũng như hoạt động của cơ quan quản lý vẫn lấy từ nguồn thu hoạt động khai thác và hoạt động thương mại của cảng hàng không. Thứ hai, phải bảo đảm việc cổ phần hóa của ACV không tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Một chuyên gia trong ngành bình luận mức chi phí ACV đề xuất như muối bỏ biển so với phí duy tu, bảo dưỡng khu bay hằng năm. Trong trường hợp định giá tài sản cao mà ACV vẫn chỉ muốn thuê với giá như đã đề xuất thì không nên để ACV “mặc cả”, thay vào đó, nhà nước đứng ra quản lý hoặc giao quyền cho DN khác. “Người đi thuê bao giờ cũng muốn trả chi phí thấp. ACV nói doanh thu từ hoạt động khu bay lỗ nhưng vẫn muốn đứng ra thuê lại để quản lý, khai thác là vấn đề cần phải làm rõ” - chuyên gia này nói.
Thu không đủ chi phí hoạt động
Theo ACV, khu bay tại các cảng hàng không chưa bảo đảm doanh thu đủ bù đắp chi phí hoạt động. Năm 2014, tính riêng hoạt động khu bay lỗ 140 tỉ đồng, năm 2015 mức lỗ tăng lên 170 tỉ đồng và dự kiến những năm tiếp theo, tình hình cũng sẽ không khả quan hơn. Hiện tại, ACV đang phải dùng những nguồn lợi nhuận khác để cân đối chi phí phát sinh từ hoạt động khu bay vì đây là hoạt động bắt buộc nằm trong chuỗi dịch vụ cung cấp đối với một cảng hàng không nhằm bảo đảm sự liên tục, ổn định và an toàn tuyệt đối cho hoạt động bay.
Bình luận (0)