Thời gian vừa qua, Cục Quản lý dược - Bộ Y tế đã ban hành các văn bản đình chỉ lưu hành, thu hồi nhiều loại thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Dù vậy, một số loại thuốc vẫn được bày bán công khai.
Nhân viên nhà thuốc "không biết"?!
Tháng 10-2018, Cục Quản lý dược đã có công văn đình chỉ lưu hành nhiều loại thuốc, trong đó có viên nén MOOV 7.5 (Meloxicam 7,5 mg), SĐK: VN-14514-12, số lô: FQ90L701, HD: 22-11-2020 do Công ty Zim Laboratories Ltd (Ấn Độ) sản xuất, Công ty CP XNK Y tế TP HCM nhập khẩu, được chỉ định sử dụng giảm đau, kháng viêm đối với bệnh nhân viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp; thuốc viên nang cứng Fenbrat 200 M (Fenofibrat micronised 200 mg), SĐK: VD-27136-17, số lô: 0118, HD: 1-2-2021, do Công ty CP Dược phẩm và Sinh học y tế sản xuất, điều trị tăng cholesterol.
Sau đó, chúng tôi đã đến hiệu thuốc L.K trên đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận, TP HCM hỏi mua thuốc MOOV 7.5. Một phụ nữ mặc áo blouse trắng, ngoài 50 tuổi, cho biết ở đây vẫn bán loại thuốc này nhưng giá hơi mắc. Bà vừa lấy thuốc vừa hướng dẫn mỗi ngày uống 1 viên sau khi ăn, hết thuốc quay lại mua tiếp, sử dụng trong thời gian dài.
Tại nhà thuốc T.P trên đường Dương Quảng Hàm, quận Gò Vấp, TP HCM, khi biết chúng tôi có nhu cầu mua Fenbrat 200 M, cô nhân viên tên M. đứng tại quầy niềm nở tìm và đưa thuốc ra giới thiệu. M. hướng dẫn thuốc điều trị cho bệnh nhân tăng cholesterol nên uống vào buổi sáng sẽ tốt vì dễ hấp thu hơn.
Tại nhà thuốc D.C trên đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp, khi chúng tôi hỏi mua Fenbrat 200 M, nhân viên xác nhận hết hàng. Thế nhưng, nhân viên này khẳng định nếu chúng tôi có nhu cầu, nhà thuốc sẽ đặt hàng, một ngày sau quay lại lấy...
Hầu hết ở các nhà thuốc trên, khi chúng tôi thắc mắc về việc có thông tin thuốc bị Bộ Y tế đình chỉ lưu hành, yêu cầu thu hồi, nhân viên đều trả lời không biết (?).
MOOV 7.5 vẫn được bán tại nhà thuốc L.K trên đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận, TP HCM Ảnh: Ngọc Hân
Chống chọi 2 "căn bệnh"
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực dược, khi kiểm nghiệm phát hiện thuốc kém chất lượng, ngành chức năng sẽ ra quyết định thu hồi. Thế nhưng, trên thực tế, không ai chịu trách nhiệm chính trong việc giám sát thu hồi khẩn cấp, triệt để các loại thuốc này. Đó là lý do nhiều loại thuốc bị đình chỉ lưu hành vẫn được bán tại các nhà thuốc và người bệnh không nắm thông tin vẫn mua sử dụng.
Bác sĩ (BS) Hoàng Ngọc Ánh, Phó Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM), cho biết người bệnh sử dụng thuốc kém chất lượng không những không hết bệnh mà còn bị nhiều tác dụng phụ như dị ứng, kháng thuốc, nhiễm độc, thậm chí có thể gây sốc phản vệ dẫn đến tử vong.
"Người bệnh cần sử dụng thuốc có hàm lượng, nồng độ đúng và đủ để điều trị. Nếu dùng thuốc kém chất lượng, thay vì tiêu diệt mầm bệnh thì lại đưa thêm độc chất vào người. Khi đó, cơ thể người bệnh phải chống chọi 2 "căn bệnh" cùng lúc nên bệnh không hết mà trở nên trầm trọng hơn. Nguy hiểm nhất vẫn là dùng các loại thuốc chích kém chất lượng, khả năng bị choáng, sốc gây chết người rất cao" - BS Ánh khuyến cáo.
Nhiều BS phân tích nguyên nhân dẫn đến thuốc giả, thuốc kém chất lượng có xu hướng tăng ngoài chuyện lợi nhuận còn do việc sử dụng thuốc vô tội vạ của người bệnh; mua bán thuốc không cần kê đơn, chỉ dẫn của BS. Ngoài ra, việc kiểm soát nguyên vật liệu đầu vào, kiểm định chất lượng sản phẩm đầu ra còn nhiều hạn chế.
Theo ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược, cục đã yêu cầu sở y tế các tỉnh, TP tăng cường công tác quản lý chất lượng thuốc cũng như chỉ đạo các cơ sở kinh doanh dược, cơ sở sử dụng thuốc tăng cường công tác quản lý, thực hiện đúng quy định hiện hành về sản xuất, kinh doanh, lưu thông phân phối, thu hồi thuốc đúng quy định.
Từ tháng 11-2018 đến tháng 1-2019, Bộ Y tế lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành nhằm đánh giá thực trạng hoạt động cấp phép sản xuất, lưu hành, quảng cáo, giám định, chứng nhận chất lượng, chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn đối với mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền của một số cơ quan, đơn vị.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trung bình mỗi năm, trên thế giới có khoảng 200.000 người chết do thuốc giả, thuốc kém chất lượng.
Bình luận (0)