Khoảng 2 giờ chiều, trong căn nhà "Đại đoàn kết" do địa phương xây dựng tặng, bà Trần Thúy Kiều (54 tuổi; ngụ khu vực Bình Thường A, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) đếm xấp vé số và đưa cho con gái là em Lê Minh Thùy để chạy vào xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, cách nhà khoảng 8 km, bán.
Đạp xe hàng chục cây số mỗi ngày
Thùy vội đặt ngay ngắn những tờ vé số trong bịch nilon và mặc áo mưa rồi đạp xe đi trong cơn mưa rả rích. Khoảng nửa tháng qua, bà Kiều không đi cùng con gái do bị một người giao hàng đụng phải trong một lần đi bán vé số, khiến chân bị thương.
Bà Kiều đếm xấp vé số đưa cho Thùy đi bán buổi chiều
Bà Kiều bùi ngùi: "Vợ chồng tôi có 2 đứa con. Đứa lớn lấy chồng sang Trà Vinh nhưng cũng thiếu trước hụt sau, không đỡ đần gì cho cha mẹ. Khi chồng tôi còn sống, mỗi ngày ông ấy đi làm thuê, vác mướn, rảnh thì mò óc bán, còn tôi đi bán vé số. Năm 2014, tôi được địa phương xây cho ngôi nhà này, nhờ vậy mà che mưa che nắng".
Tuy nhiên, vào năm 2020, chồng bà Kiều qua đời do bệnh tật. Trước đó, để có tiền chạy chữa cho chồng, bà Kiều đã vay mượn nhiều nơi và phải đóng lãi hằng ngày.
Trụ cột trong nhà không còn, bà Kiều đã thấm thía câu "mẹ góa con côi". Cũng kể từ ấy, 2 mẹ con dựa vào nhau và Thùy cũng đi bán vé số sau giờ học.
"Mỗi ngày tôi bán khoảng 200 tờ vé số, kiếm được 200.000 đồng để trang trải cuộc sống và đóng tiền lãi cho số tiền vay mượn khoảng 20 triệu đồng. Con Thùy năm nay lên lớp 10, cháu học buổi sáng, còn buổi chiều về thì đi bán vé số, có khi tới gần 9 giờ tối hết vé thì mới về ôn bài. Ngày nào cũng phải hơn 11 giờ đêm con mới ngủ, thấy con cực nhọc tôi cũng xót lắm, nhưng không biết phải làm sao"- bà Kiều nói trong nước mắt.
Căn nhà do địa phương xây tặng giúp mẹ con bà Kiều che mưa, nắng
Nghe Thùy kể về cuộc sống mỗi ngày của em, chúng tôi không kìm được xúc động. Thùy học lớp 10 tại Trường THPT Bình Thủy, cách nhà khoảng 10 km. Em phải dậy từ 5 giờ sáng và đạp xe đến trường khoảng 1 giờ. Sau khi học xong thì đạp xe về, ăn cơm, nghỉ ngơi một lát rồi tiếp tục đạp xe rong ruổi khắp nơi bán vé số.
Mỗi ngày, Thùy phải đạp xe hàng chục cây số để đi học, đi bán vé số
Thùy rơm rớm: "Mỗi ngày em bán khoảng 60 tờ. Em đạp xe mệt lắm nhưng vì mưu sinh và phấn đấu học nên em phải càng cố gắng hơn. Dù mưa hay nắng, em vẫn phải đi bán để có tiền phụ mẹ. Có hôm mệt quá, lên lớp em ngủ gục". Tuy một ngày trôi qua là một áp lực với Thùy nhưng khẩu phần ăn của em chủ yếu là đậu hũ vì "có tiền đâu mà mua thịt, cá"- bà Kiều ngậm ngùi, nói.
Mong ước của nữ sinh nghèo
Thấy hoàn cảnh gia đình này, nhiều giảng viên tại Trường ĐH Cần Thơ và Trường Chính trị Cần Thơ cũng thường xuyên quan tâm, giúp đỡ. Vừa qua, khi bà Kiều bị tai nạn, các thầy đã gom góp được khoảng 10 triệu đồng để bà chữa trị.
Dù mưa hay nắng, Thùy vẫn rong ruổi khắp nơi bán vé số
Ông Hồ Ngọc Hỷ, Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND phường Long Tuyền, xác nhận: "Gia đình bà Kiều là hộ nghèo, chính quyền địa phương rất quan tâm đến hộ này, đặc biệt là hỗ trợ hết mức để Thùy được đi học. Khi vừa vào năm học mới, địa phương có một suất học bổng cao nhất là 5 triệu đồng đã trao cho Thùy".
Ngoài ra, Thùy được miễn học phí và được cấp thẻ BHYT. Thương cảm hoàn cảnh của bà Kiều, một số cán bộ tại phường cũng thường xuyên lấy tiền túi cho bà, khi thì 300.000 đồng, lúc thì 500.000 đồng hoặc có người tặng quần áo cho Thùy.
"Thùy đồng trang lứa với con tôi. Con mình thì được cha mẹ đưa rước, còn Thùy phải đạp xe một quãng đường xa, chiều còn mưu sinh. Nhìn cháu như vậy chúng tôi rất thương" – ông Hỷ chia sẻ.
Dù vất vả mưu sinh nhưng Thùy vẫn cố gắng học tập
Theo cô Trần Thị Ngọc Sương, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Thủy, Thùy thuộc diện học sinh khó khăn. Vì vậy, đầu năm học, nhà trường và ban cha mẹ học sinh lớp cũng hỗ trợ để tiếp sức cho em.
Nhờ nỗ lực của bản thân và sự quan tâm của địa phương, nhà trường nên Thùy luôn cố gắng học tập tốt. Trên tường nhà treo chi chít giấy khen của em từ cấp tiểu học đến THCS. Đó là niềm vinh dự và cũng là nguồn động viên to lớn để nữ sinh giàu nghị lực này không bỏ học.
Thùy ao ước: "Con mong muốn mẹ khỏe mạnh để cùng đi bán vé số, nhằm gom đủ tiền mua xe đạp điện khi con 16 tuổi. Có xe này sẽ tiết kiệm thời gian đi lại và con có điều kiện ở nhà nhiều hơn để ôn bài".
Bình luận (0)