Pháp luật hiện hành quy định rất rõ trách nhiệm bồi thường đối với cá nhân, tổ chức gây oan sai. Vấn đề còn lại là các cơ quan liên quan xử lý như thế nào và có biện pháp gì buộc người liên quan phải thực hiện.
Đủ biện pháp xử lý
Theo quy định tại điều 52 Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước (TNBTNN) thì kinh phí bồi thường được trích từ ngân sách nhà nước. Về trách nhiệm bồi thường, luật này cũng quy định khá chặt chẽ. Cụ thể, điều 56 quy định người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, riêng trong lĩnh vực hoạt động tố tụng hình sự, người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây ra thiệt hại không phải chịu trách nhiệm hoàn trả.
Cụ thể hóa những quy định trên, điều 20 Nghị định 16/2010/NĐ-CP của Chính phủ (quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật TNBTNN) chỉ rõ nếu đã được thông báo đến lần thứ ba mà cố ý không thực hiện thì người có nghĩa vụ hoàn trả bị kỷ luật theo quy định của pháp luật. Trường hợp người có nghĩa vụ hoàn trả không còn làm việc trong các cơ quan nhà nước thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải thực hiện các biện pháp thu hồi khoản tiền hoàn trả theo quy định của pháp luật.
Tôi cho rằng quy định của pháp luật đã rất rõ ràng. Nếu các cơ quan chức năng liên quan kiên quyết thực hiện thì người gây oan sai không thể trốn tránh trách nhiệm bồi thường của mình.
Bảo đảm quyền lợi người bị oan sai
Việc “quan” làm sai, sau đó lấy tiền đóng góp của dân để bồi thường rồi người vi phạm sẽ hoàn trả lại dường như là không công bằng đối với người dân. Tuy nhiên, nếu nhìn dưới góc độ tổ chức bộ máy nhà nước và để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại như trường hợp của ông Nguyễn Thanh Chấn thì quy định sử dụng ngân sách bồi thường trước cho người bị thiệt hại là hợp lý.
Nhìn ở góc độ khác, các cán bộ, công chức là những người làm việc cho bộ máy nhà nước, nếu gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác trong quá trình thực hiện công vụ thì nhà nước phải đứng ra bồi thường cho người bị thiệt hại. Sau đó, nhà nước mới yêu cầu những cán bộ, công chức sai phạm thực hiện nghĩa vụ hoàn trả. Còn nếu nhìn ở góc độ người bị thiệt hại thì rõ ràng họ không cần quan tâm tới người gây thiệt hại là cá nhân cụ thể nào mà chỉ cần quan tâm cá nhân đó thuộc cơ quan nào, đại diện cho ai để buộc cơ quan, tổ chức đó phải bồi thường cho mình.
Vấn đề cần phải bàn là biện pháp, cơ chế để buộc cán bộ, công chức vi phạm thực hiện nghĩa vụ hoàn trả. Sở dĩ có hiện tượng ít cán bộ, công chức sai phạm thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn là do các cơ quan nhà nước thực hiện chưa nghiêm những quy định về trách nhiệm hoàn trả nêu trên.
Tôi cho rằng để bảo đảm việc hoàn trả của cán bộ, công chức sai phạm thì bên cạnh sử dụng biện pháp xử lý kỷ luật, cần phải quy định trách nhiệm của người đứng đầu. Đồng thời, trường hợp cán bộ, công chức đó không bồi hoàn thì trong một thời hạn nhất định cần quy định theo hướng cơ quan nhà nước có cán bộ, công chức đó phải khởi kiện ra tòa để buộc người đó thực hiện nghĩa vụ.
Cần quy định cụ thể hành vi cố ý hay vô ý
Theo luật sư Nguyễn Thành Công, Luật TNBTNN và Nghị định 16/2010/NĐ-CP của Chính phủ đã xác định rõ trường hợp gây ra oan sai trong vụ án hình sự do lỗi cố ý thì phải bồi thường toàn bộ, còn vô ý thì không phải bồi thường. Cả luật và nghị định trên đều đẩy vai trò xác định lỗi qua tòa án nhưng lại không có văn bản hướng dẫn nào quy định chi tiết, cụ thể như thế nào là vi phạm do lỗi vô ý hay cố ý. Có quy định trên thì dễ dàng tạo ra thực trạng xác định lỗi vô ý hay cố ý trong các vụ án oan sai. Chỉ khi khắc phục được sự bất cập này trong Luật TNBTNN thì khoản tiền thuế của dân mới hết phải gánh những trách nhiệm không đâu.
Bình luận (0)