Ở các vùng nông thôn, miền núi, nơi mà điều kiện về kinh tế của đại bộ phận người dân còn thấp thì số tiền mừng tuổi mà mỗi trẻ nhận được khá ít ỏi, khoảng vài ngàn đồng, nhiều lắm chỉ vài chục ngàn đồng. Thế nhưng, ở phố thị, nơi mà mức sống của người dân đã cao thì chuyện trẻ nhận được vài trăm, vài triệu đồng tiền lì xì ngày Tết là thường tình. Bạn tôi, giám đốc một doanh nghiệp Nhà nước, có con mới 5 tuổi nhưng Tết vừa qua đã được lì xì cả mấy chục triệu đồng!
Tiền lì xì đã trao cho trẻ là của trẻ nhưng nếu để cho con cái tự ý quản lý và chi tiêu số tiền ấy là một sai lầm của cha mẹ. Khi được lì xì, đại đa số trẻ đã dùng để đi chơi game, cờ bạc và tiêu pha lãng phí vào nhiều trò vô bổ. Tôi đã chứng kiến vụ con nhà hàng xóm, được khách của bố mẹ lì xì cho 500.000 đồng, vậy mà bé chạy đi chơi một loáng về, bố mẹ hỏi đã không còn đồng nào! Khi bố mẹ gặng hỏi, bé cho biết đã chơi bầu cua đầu ngõ, thua hết rồi. Vì là ngày Tết nên bố mẹ nào nỡ đánh con!
Để những đồng tiền lì xì năm mới của con trẻ thực sự hữu ích, không lãng phí thì cha mẹ nhất thiết phải quản lý. Cha mẹ cũng không nên tiêu xài những đồng tiền ấy mà nên quản lý để giữ tiền hộ con trẻ bằng các kế hoạch, như: mua một con heo đất và cho số tiền lì xì của con vào đó để tạo cho trẻ có tính tiết kiệm. Khi con cần mua sắm quần áo, đồ dùng học tập…, có thể “mổ” heo và bố mẹ cũng đỡ được một phần kinh tế. Nếu tiền lì xì khá nhiều, bố mẹ có thể mở cho con một tài khoản tại ngân hàng. Qua nhiều năm, khi trẻ lớn lên, số tiền tích cóp hằng năm ấy cũng sẽ đáng kể và trẻ có thể dùng những đồng tiền ấy vào rất nhiều việc trên con đường học hành, cuộc sống…
Đối với những đứa trẻ đã lớn, đang học THPT hay đại học chẳng hạn, bố mẹ không nên quản lý tiền lì xì của trẻ mà nên để chúng tự lên kế hoạch cho việc chi tiêu. Song, cũng chớ quên nhắc nhở con không được ném những đồng tiền ấy vào những trò chơi vô bổ, lãng phí…
Bình luận (0)