"Tháng 1-2022, UBND TP HCM có văn bản chỉ đạo "nóng" gửi các sở, ngành, quận, huyện và TP Thủ Đức, tiếp tục tăng cường công tác xử lý vi phạm về tiếng ồn. Giờ qua tháng 6-2022, không còn thấy bất kỳ đội tuần tra nào đi kiểm tra xử phạt tiếng ồn. Cả tuyến đường Phạm Văn Đồng mặc sức tung hoành từ 16 giờ đến 3 giờ sáng hôm sau, không thấy ai nhắc nhở. Quán xá sát nhau, bày hết bàn ghế ra vỉa hè, mỗi quán đặt 4-5 cái loa chĩa thẳng ra đường, bên trong thêm 5-6 cái nữa. Cả con đường "đập" nhạc điên loạn" - bạn đọc Phạm Hùng bức xúc phản ánh đến Báo Người Lao Động.
Khắp nơi đinh tai nhức óc
Liên tiếp 3 buổi tối, bắt đầu từ 18 giờ ngày 6, 7 và 9-6, chúng tôi có mặt tại đường Phạm Văn Đồng. Đúng như phản ánh của bạn đọc, quán cà phê, quán nhậu, hát với nhau... san sát đua nhau mở nhạc. Trước quán, tiếp viên tràn ra lòng đường chèo kéo, mời gọi khách, tạo nên cảnh bát nháo. Dần về đêm, khách càng đông, loa được mở hết công suất, DJ ra cả vỉa hè để chơi nhạc. "Nhức nhối" nhất là đoạn từ cầu Rạch Lăng đến vòng xoay Phạm Văn Đồng - Lê Quang Định, tiếng nhạc chát chúa dội thẳng vào tai người đi đường.
Vội vàng đóng kín tất cả cửa lớn nhỏ, bà Phương Liên (ngụ đường Phạm Văn Đồng, phường 1, quận Gò Vấp, TP HCM) thở dài nói: "Cứ đến chiều tối, nhạc lên, đường Phạm Văn Đồng lại xập xình, ồn ào, không đóng cửa làm sao chịu nổi? Muốn dọn nhà đi nơi khác ở cũng không dễ nên sống ở khu vực này 7 năm là chừng đó thời gian tôi phải chịu đựng tiếng ồn. Phản ánh lên phường cũng vậy nên chúng tôi không buồn nói nữa dù thực sự rất bức xúc".
Tại đường Nguyễn Trãi (quận 5), đường Lê Văn Việt và Võ Văn Ngân (TP Thủ Đức), mỗi tối, các cửa hàng bán quần áo, điện thoại, mỹ phẩm... đặt loa phía trước, mở nhạc ầm ầm. Tối 7-6, một cửa hàng bán quần áo trên tuyến đường này đang "rebrand" (làm mới thương hiệu), kê loa phát nhạc, nhân viên tràn ra đường gây ồn ào, kẹt xe cả khu vực.
Còn tại đường vào hầm chui Linh Trung (TP Thủ Đức), cứ đến chiều, những xe hàng rong dàn trận, chiếm hết lòng lề đường, mỗi xe có một chiếc loa dạng cầm tay rao hàng liên tục: "Vải 15.000 đồng/kg", "Chôm chôm 25.000 đồng/kg", "Rau 5.000 đồng/bó"... khiến đoạn đường ngắn nhốn nháo, inh ỏi. Theo người bán hàng rong tại đây, phải dùng loa mới bán được hàng chứ "viết bảng thì không ăn thua".
Các quán san sát nhau trên đường Phạm Văn Đồng thi nhau mở nhạc gây bức xúc cho người dân ở khu vực này
Trách nhiệm của địa phương?
Theo luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP HCM), Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và mức phạt cao hơn trước, chỉ cần người dân kiến nghị, chính quyền sẽ có cơ sở để xử lý. "Tiếng ồn không giảm là do địa phương chưa xử lý nghiêm, triệt để; việc tuyên truyền các quy định pháp luật chưa đúng đối tượng.
Ngoài ra, văn hóa tôn trọng sự riêng tư của người khác chưa được đề cao. Pháp luật đã có, chỉ cần cơ quan chức năng ở địa phương thực sự vào cuộc, xem việc xử lý tiếng ồn là nhiệm vụ quan trọng để quyết liệt xử lý thì không khó trị được tiếng ồn" - luật sư Trần Minh Hùng phân tích.
Clip tiếng ồn trên nhiều cung đường ở TP HCM
ThS tâm lý Lê Minh Huân (Trung tâm Ứng dụng Tâm lý - Giáo dục An Nhiên) nhận định âm nhạc là để giải trí cũng là để thu hút sự chú ý hay giải tỏa căng thẳng... Vì vậy, các cửa hàng, quán ăn dùng âm nhạc để hướng sự quan tâm của khách hàng về phía mình. Tuy nhiên, cái gì quá cũng không tốt, âm lượng vượt quá ngưỡng nghe bình thường, quá nhiều âm thanh phát ra cùng lúc, nhiều thể loại nhạc thi nhau "trình diễn"... sẽ gây phiền hà đến người khác, thậm chí tạo cảm giác khó chịu, tinh thần căng thẳng.
Ông Lê Minh Huân cũng cho rằng dù có các quy định và chế tài nhưng không có lực lượng kiểm tra, xử phạt nên người dân "vô tư" làm ồn. "Cần quy định rõ ràng, khoa học và triển khai đến từng tổ chức, cá nhân về mức âm lượng cho phép, khung thời gian/không gian phát âm thanh/nhạc. Các cơ quan chức năng ở địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, chấn chỉnh người dân về ý thức tôn trọng pháp luật, tôn trọng sự riêng tư, bắt đầu từ các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh".
Chỉ cần nhà nước dẹp được tiếng ồn
Liên quan đến tiếng ồn, gần đây, Báo Người Lao Động nhận được khá nhiều phản ánh bức xúc của người dân. Bạn đọc Nguyen Loan cho rằng không chỉ tiếng ồn karaoke, tiếng ồn của những quán cà phê cũng rất kinh khủng. "Họ toàn mở nhạc vũ trường, ầm ầm, lặp đi lặp lại. Chúng tôi stress, ám ảnh mỗi khi về nhà vào buổi tối.
Góp ý thì họ càng mở lớn hơn, báo địa phương thì không ai giải quyết. Kinh doanh nhưng phải có ý thức, vì túi tiền của mình mà hành hạ người xung quanh là tội ác. Thật sự không cần gì lớn lao, chỉ cần cơ quan chức năng dẹp được tình trạng ô nhiễm tiếng ồn là đã giúp cho người dân rồi" - bạn đọc Nguyen Loan viết.
Bạn đọc Nguyễn Long mong mỏi: "Tiếng ồn từ loa của các cửa hàng bán quần áo, điện máy... thật kinh khủng. Tôi bị tra tấn mỗi ngày suốt 4 năm nay, phản ánh nhiều nơi cũng chẳng ăn thua, tiếng nhạc vẫn như vậy. Mỗi lần có chỉ đạo xử lý tiếng ồn, tôi lại hy vọng nhưng rồi không thấy tiến triển gì. Chỉ mong sao chính quyền TP HCM mạnh tay xử lý dứt khoát, triệt để một lần để người dân thoát cảnh bị tiếng ồn tra tấn".
Bình luận (0)