Chiều 7-11, tại TP Phan Rang - Tháp Chàm, Báo Người Lao Động phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức trao tặng học bổng cho 100 học sinh, sinh viên (HS-SV) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Đây là học bổng được trích từ chương trình "Học bổng hỗ trợ HS-SV dân tộc thiểu số, HS nghèo" do Báo Người Lao Động quản lý, điều hành.
Tham dự buổi lễ có ông Trương Hòa Bình - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch danh dự chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc"; Thiếu tướng Bùi Minh Tuyên, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh - Bộ Công an; nhà báo - tiến sĩ Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động; cùng nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, các đơn vị đồng hành với chương trình.
Nỗ lực từng ngày
100 em HS-SV nhận học bổng tại buổi lễ (2 triệu đồng/ suất) đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn TP Phan Rang - Tháp Chàm và 6 huyện tại Ninh Thuận, có hoàn cảnh khó khăn nhưng đã nỗ lực vươn lên, học tập tốt.
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; Thiếu tướng Bùi Minh Tuyên, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh - Bộ Công An và nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, trao bảng tượng trưng học bổng cho đại diện lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận
Em A Túc Thị Nĩa (dân tộc Raglai), HS lớp 12A2 Trường THPT Dân tộc nội trú Ninh Thuận, sinh ra ở làng quê thuần nông tại thôn Giá, xã Phước Hà, huyện Thuận Nam. Cách đây 5 năm, khi gánh lúa qua suối, cha của em không may bị chết đuối, một mình mẹ em phải nuôi 5 đứa con. Dù thiếu trước hụt sau nhưng mẹ vẫn cố gắng dành dụm để cho em ăn học. "Chứng kiến mẹ vất vả sớm hôm, em và các anh chị em trong nhà luôn dặn nhau phải nỗ lực nhiều hơn. Em cố gắng học để thành người hữu ích và để sau này có công ăn việc làm đỡ đần phụ giúp mẹ" - Nĩa chia sẻ.
Còn với em Phú Nữ Thanh Hóa (dân tộc Chăm), HS lớp 11T4, Trường THPT An Phước, huyện Ninh Phước, mong ước lớn nhất là học thật giỏi để trở thành cô giáo.
Cha làm lúa, mẹ nội trợ, kinh tế gia đình khá khó khăn nhưng suốt 11 năm qua, hai chị em Hóa liên tục đạt danh hiệu HS giỏi. Riêng Hóa còn là HS tiêu biểu, tham gia nhiều cuộc thi HS giỏi, các cuộc thi về văn thể mỹ ở nhiều cấp. "Trước đây, ông nội em là thầy giáo đã truyền nhiều cảm hứng cho em trong học tập. Em rất muốn sau này nối nghiệp ông. Phần học bổng từ chương trình của Báo Người Lao Động là động lực giúp em học tập tốt hơn nữa để hoàn thành ước mơ" - Hóa xúc động nói.
Quan tâm, sẻ chia cùng học sinh Ninh Thuận
Phát biểu tại buổi lễ, nhà báo - tiến sĩ Tô Đình Tuân cho biết đến nay, chương trình "Học bổng hỗ trợ HS-SV dân tộc thiểu số, HS nghèo" đã trao hơn 11,7 tỉ đồng ở khắp mọi miền Tổ quốc. Trong đó, riêng tại tỉnh Ninh Thuận, chương trình đã trao tổng cộng 490 triệu đồng.
"Cùng với chương trình trao học bổng thì chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc" mà nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình làm Chủ tịch danh dự đã trao và ký kết trao hơn 1,9 triệu lá cờ ở khắp các tỉnh, thành trên toàn quốc. Chương trình có 3 hợp phần: "Triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" (đã trao cờ ở 28/28 tỉnh, thành có biển); "Cờ Tổ quốc biên cương" (đã trao 25/25 tỉnh, thành có đường biên giới trên bộ) và "Đường cờ Tổ quốc" (đã xây dựng hơn 500 đường cờ tại hơn 40 tỉnh, thành). Riêng tỉnh Ninh Thuận, chương trình đã thực hiện đường cờ rất đẹp tại huyện Ninh Hải. Chúng tôi mong rằng các HS-SV được nhận học bổng tiếp tục nỗ lực, rèn luyện hơn nữa để sau này đóng góp tích cực cho sự phát triển của tỉnh nhà" - ông Tô Đình Tuân gửi gắm.
Đánh giá cao ý nghĩa chương trình "Học bổng hỗ trợ HS-SV dân tộc thiểu số, HS nghèo", ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, thông tin toàn tỉnh có hơn 120.000 HS phổ thông, trong đó có hơn 33.000 HS dân tộc thiểu số. Chương trình "Học bổng hỗ trợ HS-SV dân tộc thiểu số, HS nghèo" đã tiếp thêm động lực, giúp các em có thêm điều kiện để nỗ lực học tập, vươn lên trong cuộc sống.
"Chúng tôi chân thành cảm ơn nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, lãnh đạo Báo Người Lao Động cùng đoàn công tác đã tổ chức chương trình đầy ý nghĩa dành cho các em HS-SV dân tộc thiểu số, HS nghèo vượt khó trên địa bàn tỉnh" - ông Lê Huyền bày tỏ.
Trao 50 triệu đồng cho Hội Khuyến học Ninh Thuận
Tại chương trình, Báo Người Lao Động cũng đã trao tặng 50 triệu đồng cho Hội Khuyến học tỉnh Ninh Thuận. Như vậy, tổng giá trị đợt trao học bổng tại Ninh Thuận dịp này là 250 triệu đồng, trích từ chương trình "Học bổng hỗ trợ HS-SV dân tộc thiểu số, HS nghèo", cùng với sự đồng hành của các đơn vị: Tập đoàn Dây cáp điện Daphaco (TP HCM); Công ty CP Hoàn Lộc Việt; Công ty CP SU17; Công ty Phần mềm Kim tự tháp (PSC).
Bình luận (0)