Phát biểu tại "Diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu sản phẩm chăn nuôi và thủy sản trong điều kiện dịch Covid-19" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức chiều 31-7, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh việc tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và lưu thông nông sản không chỉ giúp nông dân tiêu thụ được hàng hóa mà còn vì mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực.
Kết nối tiêu thụ
Thứ trưởng Trần Thanh Nam thông tin, qua 2 tuần các tỉnh phía Nam thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 để phòng chống dịch bệnh làm ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa. "Trong khi đó, các vùng sản xuất đang bước vào vụ thu hoạch lúa, cá tra, tôm, nhiều loại trái cây,… và nhiều mặt hàng có xu hướng giảm giá. Nhiều vướng mắc phát sinh đã được các HTX, doanh nghiệp (DN) phản ánh đến chúng tôi và chúng tôi không kể ngày đêm đã cố gắng tháo gỡ cho DN. Như trường hợp DN vận chuyển trứng không qua được chốt kiểm dịch, con giống tôm từ miền Trung vào đã được chúng tôi liên hệ tháo gỡ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong DN hết sức thông cảm, ưu tiên hàng đầu lúc này là chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân" - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhìn nhận.
Vừa qua, Bộ NN-PTNT đã thành lập Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam do Thứ trưởng Trần Thanh Nam phụ trách, đã tạo được mạng lưới các đầu mối cung ứng nông sản cho TP HCM và các tỉnh. Qua đó, nhiều đơn vị kết nối thông tin và tiến hành giao dịch thành công.
Nông sản tập kết về TP HCM vào cuối tháng 7-2021 Ảnh: NGỌC ÁNH
Trao đổi riêng với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh (Long An), cho biết HTX chuyên sản xuất các loại nông sản với khả năng cung ứng 15-20 tấn/ngày. Chỉ trong vài ngày, HTX đã ký được 3 đơn hàng lớn cho một sàn thương mại điện tử, một chuỗi siêu thị ở Đồng Nai và một siêu thị lớn ở Bến Tre với giá trị đơn hàng từ 50-300 triệu đồng. "Chúng tôi kết nối nhanh nhờ đã có hồ sơ pháp lý đầy đủ, giấy tờ công bố chất lượng. Về giá, chúng tôi không ưu tiên lợi nhuận, chỉ đặt mục tiêu tiêu thụ hàng cho nông dân nên có mức giá cạnh tranh. Do dịch bệnh nên các bên đều rất linh động để hợp tác dễ dàng" - ông Cường nêu.
Hay như trường hợp HTX gạo Tân Long (Hậu Giang) đã tìm được đầu ra cho mặt hàng trứng vịt và gạo tại TP HCM nhờ kết nối cung - cầu của các cơ quan chức năng. Theo một thành viên Tổ công tác của Bộ NN-PTNT, hiện nhiều HTX có hàng vẫn ở tâm thế "chờ người đến mua", chưa chủ động việc giao hàng nên kết nối chưa thành công.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, đề xuất phương án nên lập các điểm giao nhận hàng hóa tại các chốt kiểm dịch để giúp hàng hóa thông thương vì thực tế hiện nay không chỉ các vùng dịch mà các vùng xanh không có Covid-19 cũng đang thắt chặt.
Thiếu nơi giết mổ
Theo bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, hiện tỉnh Long An đang tồn 2 triệu con gà lông màu, 200.000 con gà ri trong khi sản lượng giết mổ tại các cơ sở giảm rất mạnh, nhiều cơ sở phải đóng cửa.
Ông Lê Văn Quyết, đại diện HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Long Thành Phát (Đồng Nai), cho hay năm ngoái giá gà công nghiệp từng xuống 8.000 đồng/kg nhưng chỉ trong thời gian ngắn. Hiện nay giá gà có nơi chỉ còn 6.000-7.000 đồng/kg vẫn chưa được tiêu thụ. "Gà không thể để quá lâu trong chuồng sẽ quá cỡ, phát sinh dịch bệnh nhưng hiện nay bị đứt gãy ở khâu giết mổ. TP HCM có lò mổ 100.000 con/ngày đã đóng cửa, một lò mổ lớn ở Bình Dương cũng đóng cửa nên các DN muốn trữ lạnh cũng không được. Do đó, cần khởi động lại các lò mổ nhỏ lẻ để giải quyết đầu ra cho các trại chăn nuôi" - ông Quyết kiến nghị.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, với việc ách tắc lưu thông như hiện nay, nếu không tháo gỡ sớm, nhiều DN có thể phá sản với tổng đàn gà tồn lên đến 7-8 triệu con. "Trước mắt, đề nghị Cục Thú y phối hợp với các tỉnh để sớm đưa các cơ sở giết mổ đang ngưng được trở lại hoạt động để tháo điểm nghẽn của ngành chăn nuôi. Tiếp theo là các nhân sự trong chuỗi cung ứng sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là đội ngũ tài xế, phụ xe và công nhân nhà máy giết mổ cần được ưu tiên tiêm vắc-xin. Ngoài ra, cần chính sách khoanh nợ, giãn nợ cho các DN trong lĩnh vực này do bị tác động bởi dịch bệnh" - ông Sơn kiến nghị.
Giao quyền cho các sở NN-PTNT
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết Bộ NN-PTNT đã có văn bản đề nghị các tỉnh giao quyền chủ động cho các sở NN-PTNT để tạo điều kiện cho nông dân ra đồng, công nhân đến nhà máy sản xuất, giết mổ với phương châm vướng ở đâu gỡ ngay cho người dân, trên nguyên tắc bảo đảm công tác phòng chống dịch. Đặc biệt, với các cơ sở giết mổ, trường hợp có cơ sở phải đóng cửa do có ca nhiễm phải có phương án thay thế, hạn chế ảnh hưởng đến nguồn cung thịt cho thị trường.
Ông NGUYỄN QUỐC TRỊNH, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Long An:
Linh hoạt tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa
Dự kiến, trong tháng 8-2021, toàn tỉnh Long An có khoảng 10.000 tấn thanh long cần phải tiêu thụ. Cầu thị trường là có, DN, HTX cung ứng ra bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu nhưng việc vận chuyển sản phẩm từ nhà vườn đến nơi tiêu thụ gặp nhiều trở ngại khiến cả nông dân lẫn DN đang rất lo lắng. Giá thành sản xuất thanh long (bán xô) khoảng 10.000 đồng/kg nhưng hiện giá thu mua tại vườn chỉ 6.000 đồng/kg, nông dân đang chịu lỗ 4.000 đồng/kg. Các kho thu mua, phân phối thanh long muốn hoạt động phải thực hiện 3 tại chỗ, xét nghiệm Covid-19 liên tục khiến chi phí bị đội lên, thanh long đến tay người tiêu dùng cuối cùng có giá cao hơn gấp mấy lần giá thu mua ban đầu, đúng kiểu "ế đồng đắt chợ".
Nhưng nan giải nhất là bài toán vận chuyển: mỗi DN, HTX chỉ được cấp phép 2 luồng xanh (tương ứng với 2 xe chở hàng), nên việc vận chuyển từ Long An đến TP HCM và các địa phương khác để giao hàng cực kỳ khó khăn. Các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, đã có nhiều hướng dẫn tháo gỡ ách tắc trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa, cho phép xe chở lương thực thực phẩm, hàng thiết yếu được lưu thông bình thường nhưng một số chốt kiểm soát vẫn cố tình áp dụng quy định riêng, gây khó khăn cho DN. Trong khi đó, các chốt có thể linh hoạt giải quyết bằng cách kiểm tra các thông tin liên quan đến hóa đơn mua hàng, điểm đi - điểm đến, tờ khai y tế và kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2. Vì vậy, đề nghị các tỉnh, thành mạnh dạn thống nhất bỏ luồng xanh mà chỉ cần quản lý người di chuyển để tạo thuận lợi cho việc di chuyển, tiêu thụ hàng hóa.
Bà LÝ KIM CHI, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM:
Cần lập tổ công tác liên tỉnh hỗ trợ tiêu thụ nông sản
Hiện nay, tất cả các nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ cho việc sản xuất của các DN trong ngành lương thực thực phẩm tại TP HCM đều lệ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu đến từ các tỉnh, nhất là 19 tỉnh, thành phía Nam.
Trên cơ sở các kiến nghị quyết liệt của Hội Lương thực Thực phẩm cùng các hiệp hội ngành hàng cả nước, vấn đề lưu thông hàng hóa đã được Chính phủ và các bộ ngành tháo gỡ nhưng thực tế vẫn còn xảy ra tình trạng các chốt kiểm soát không chỉ trong phạm vi TP mà hơn hết là giữa các tỉnh, thành với TP vẫn còn gây khó dễ theo kiểu "phép vua thua lệ làng", đòi hỏi các thủ tục khiến đường đi của hàng hóa, nguyên liệu vẫn ách tắc cục bộ, khiến DN bức xúc. Trong khi nông sản, thực phẩm ở một số tỉnh hiện nay rất dồi dào nhưng khó đưa về TP HCM. Do đó, việc quan trọng hiện nay là phải tập trung giải quyết triệt để vận chuyển thông suốt giữa các tỉnh, điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong từng địa phương mà hơn hết là cả khu vực mà còn kết nối với chuỗi cung ứng ở các khu vực khác và phục vụ xuất khẩu.
Th.Nhân ghi
Bình luận (0)