Bức xúc nhưng đành... bó tay
Bạn đọc Đình Vũ cho rằng: “Phần lớn các tin nhắn rác là do các nhà mạng tung ra, ngoài tin nhắn rác còn có nhiều cách để nhà mạng lấy tiền khách hàng. Ví dụ: tự kích hoạt dịch vụ giá trị gia tăng, sau đó gửi tin nhắn thông báo cho khách hàng (cũng là quảng cáo nên có thể xem như tin rác). Khách hàng muốn hủy thì phải tốn tiền cho nhà mạng. Những tin nhắn rác cũng được nhà mạng liên kết với cách dịch vụ chuyển đến máy khách hàng. Đây là một bức xúc rất lớn trong việc sử dụng mạng điện thoại tại Việt Nam”.
Bạn đọc Minh Luân dẫn chứng: “Tôi đang sử dụng thuê bao của Vinaphone. Mỗi ngày tôi nhận khoảng chục tin rác thì đã có đến 8-9 tin của tổng đài 18001091 với những nội dung hết sức tào lao. Không chỉ vậy, cũng chính tổng đài này yêu cầu mình nhắn tin theo cú pháp... (có tính phí) nếu muốn chặn quảng cáo. Đúng là dùng đủ mánh khóe để moi tiền khách hàng”. Bạn đọc lấy tên Kiến Càng cụ thể hơn nỗi bực dọc của mình: “Chỉ kiếm cớ để lấy tiền các thuê bao thôi. Ngay ngày 1-1-2013 nhưng tôi vẫn nhận toàn những bản tin bá láp từ tổng đài 18001091. Vậy thì kiện ai đây ?”.
Nói đến vấn đề này, bạn đọc Ngọc Hồi thốt lên: “Thật không chịu nổi”. Bạn đọc này cho biết: Tin nhắn đến máy toàn của nhà mạng. Đã vậy những tin nhắn này lại sặc mùi cờ bạc, dụ người thuê bao chơi trò nhắn tin trúng thưởng đủ loại. Bức xúc hơn là nhắn bất kể giờ giấc: trong giờ làm việc cũng nhắn, đang ăn cơm cững nhắn, thậm chí nửa đêm nửa hôm đang ngủ ngon giấc cũng bị lôi đầu dậy để mà đọc ngững tin nhắn không giống ai. “Tôi rất mong mọi thuê bao bị “khủng bố” như tôi hãy lên án mạnh mẽ trò lừa này của nhà mạng và yêu cầu họ hãy bỏ ngay kiểu làm phiền khách hàng này đi” - bạn đọc Ngọc Hồi bức xúc.
Nhà mạng phải có trách nhiệm
Bạn đọc Hoàng Hà Hồng phản ánh: “Một ngày tôi nhận từ tổng đài 18001091 hàng chục tin nhắn tào lao, gồm những thông báo đại loại như bạn có cơ hội nhận được những phần quà này nọ... Phiền lòng và bực bội nhiều mà chẳng biết làm sao để tránh được. Là người đã sử dụng thuê bao hơn chục năm nay, muốn giữ số liên lạc cho việc giao dịch trao đổi thông tin với bạn bè cho thuận tiện mà tôi phải cắn răng dùng tiếp dịch vụ của nhà mạng này. Nhiều lúc tôi cũng tính không dùng nữa vì cảm thấy phiền toái quá, mong nhà mạng quan tâm tới khách hàng truyền thống mà sửa đổi cách kinh doanh cho phù hợp để khách hàng không bỏ rơi dịch vụ mình đã trót lựa chọn”.
Trước quy định thu phí thuê bao để hạn chế sim rác, bạn đọc Đặng Sơn cho rằng cách này chẳng thể làm giảm được sim rác nhắn tin vô tội vạ vào máy của khách hàng. Bạn đọc Đặng Sơn, cho biết: “Chỉ khi nào được sử dụng chung kho dữ liệu chứng minh thư của Bộ Công an để quản lý triệt để đăng ký thông tin thuê bao thì khi đấy tin nhắn rác sẽ giảm. Chứ làm như bây giờ không có tác dụng bao nhiêu bởi vì mua sim không có tiền trong tài khoản nhưng khi nạp tiền mấy lần đầu tặng 100% thì cũng như nhau”.
Bạn đọc Ngọc Long nói thẳng: “Gà thả ra bây giờ thì bắt lại" thì làm sao cho ổn. Thử hỏi sim rác là của ai, do ai quản lý và phát hành, tiền của ai nạp sẵn vào các sim rác? Đề nghị cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn nữa trong việc chấn chỉnh và xử lý những nhà mạng chuyên để cho người khác "đổ rác" vào máy của khách hàng”.
Dễ dàng “lách” quy định “Nói gì thì nói nhưng sim rác không bao giờ hết thời. Nhà mạng thu tiền cước phí thuê bao cước phí hòa mạng ngay từ đầu nhưng một mạng nào đó có thông báo khi sử dụng sim mới thuê bao hòa mạng trả trước ngay lần nạp tiền đầu tiên được hưởng 100% tiền khuyến mại vào tài khoản chính hoặc được khuyến mại 100.000 đồng chúc mừng người dùng mới thì tình hình vẫn như cũ. Kẻ xấu tha hồ mua sim kích hoạt mạng và để tin nhắn rác vào người tiêu dùng” - bạn đọc Nông Dân nhìn nhận.
Bạn đọc Duy Thanh băn khoăn: “Không biết đến nay các nhà mạng đã bán hết các sim đăng ký từ trước thời điểm 1-1-2013 chưa? Các nhà mạng còn các kiểu khuyến mãi vô tội vạ, không kiểm soát được lượng sim của mình phát hành thì khách hàng còn lãnh đủ”. |
Bình luận (0)