xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tình nghĩa xóm chài

Bài và ảnh: Sỹ Đông

Hàng chục năm qua, tài sản quý giá nhất của họ là chiếc thuyền nhỏ, tấm lưới cũ. Lênh đênh cùng con nước lớn, nước ròng nhưng tình người luôn tràn ngập ở xóm chài nghèo dưới chân cầu Bình Lợi, phường 13, quận Bình Thạnh

Một ngày đầu tháng 9, chúng tôi tình cờ đi ngang qua xóm chài dưới chân cầu Bình Lợi. Không như vài năm trước, xóm chài giờ chỉ còn vài hộ gia đình chọn bến vắng này làm nơi nương náu.

Cuộc sống bấp bênh

Ông Nguyễn Văn Chúc (Ba Chúc) năm nay 58 tuổi, đã cắm thuyền ở bến sông này gần 40 năm. Ông Chúc cho biết năm 14 tuổi, ông một mình một ghe rong ruổi trên sông Sài Gòn đánh bắt tôm cá. Sau đó, ông lập gia đình và 5 người con gái lần lượt ra đời trên thuyền ở xóm chài này. Cả gia đình sống chen chúc trên chiếc thuyền chưa đầy 6 m2. Gần đây, các con ông đã lên bờ tìm việc làm, chỉ còn vợ chồng ông ở lại thuyền.

“Ngày đó, nước trong vắt nhìn thấy tôm cá, đánh bắt cũng tạm đủ nuôi con. Khoảng chục năm trở lại đây, nước sông ô nhiễm, cá thiên nhiên ít sinh sản, chủ yếu là cá phóng sinh người dân thả xuống nên kiếm sống cũng khó khăn lắm” - ông Chúc cho biết.

 

Xóm chài nằm nép mình dưới cầu Bình Lợi, phường 14, quận Bình Thạnh, TP HCM.
Xóm chài nằm nép mình dưới cầu Bình Lợi, phường 14, quận Bình Thạnh, TP HCM.

 

Để có tiền trang trải cuộc sống, ông Chúc nhận đón đưa khách từ sà lan chở cát, dầu lên bờ hoặc chở khách đi đóng phạt, mỗi lượt được trả công 50.000 đồng. Trưa 3-9, trong lúc đang nói chuyện với chúng tôi, ông Chúc nhận được điện thoại của khách nên lập tức lấy ghe đón họ ở dưới cầu Bình Lợi rồi chở đến sà lan cát đậu cách đó chừng 3 km.

Cách thuyền ông Chúc khoảng 20 m là thuyền của vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Ái (48 tuổi) và bà Trần Thị Nhung (42 tuổi). Bà Nhung cho biết lập gia đình năm 20 tuổi và sinh sống trên thuyền từ đó đến nay. Những năm gần đây, nguồn thủy sản ít ỏi, bà Nhung lên bờ bán hàng xén ở chợ tự phát nhưng bị đẩy đuổi nên thu nhập cũng chẳng là bao. Con trai của vợ chồng bà là Nguyễn Tiến Đạt (15 tuổi) sinh ra trên thuyền, học đến lớp 2 thì nghỉ, tiếp tục nghề chài lưới cùng cha mẹ.

“Cá bắt được hiện nay là cá phóng sinh nên cũng thất thường, ngày nào được nhiều thì khoảng 5-6 kg, ít chỉ 1 kg. Những ngày mưa, không đi thả lưới được là hôm đó đói ăn. Biết là mưa sẽ có nhiều cá nhưng không dám đánh bắt vì thuyền nhỏ, dễ bị sóng đánh chìm. Lúc trước, nơi đây có gần chục ghe chài nhưng cuộc sống bấp bênh, lượng tôm cá ngày một ít nên nhiều người bỏ nghề lên bờ định cư hoặc tìm công việc khác. Nói thật thì ai cũng mong có được một mảnh đất nhỏ trên bờ để sinh sống, thoát cảnh nhọc nhằn sông nước nhưng nhà cửa, đất đai không có, thuê chỗ trọ thì không tiền …” - ông Ái phần trần.

Vớt xác, cứu người tự tử

Tuy nghèo khổ nhưng những người dân nơi đây sống thật thà, chất phác, đầy chia sẻ, yêu thương. Họ sẵn sàng giúp nhau từng bát cơm, chén nước; sẵn sàng giúp thuyền ghe, người gặp nạn cũng như những người quẫn trí tự tử trên khúc sông này.

 

Ông Ba Chúc ngày ngày làm nghề chở khách xuống sà lan.
Ông Ba Chúc ngày ngày làm nghề chở khách xuống sà lan.

 

Ông Chúc vẫn còn nhớ như in trường hợp cứu một thanh niên tên Đức (quê huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An), làm trong ngành đường sắt, bị rớt xuống sông trong lúc đang sửa cầu. Lúc đó, ông Chúc đang ngồi trên thuyền, nghe tiếng kêu cứu nên tức tốc chèo ra cứu. Nhớ ơn cứu mạng, anh Đức xin nhận ông Chúc làm cha nuôi, thỉnh thoảng lại mời vợ chồng ông ra Nghệ An chơi. “Giờ con của Đức 6 tuổi, hằng tuần gọi điện rủ ông bà nội ở Sài Gòn ra chơi với ông bà nội ở Nghệ An, chúng tôi thấy rất ấm lòng” - ông Chúc hồ hởi.

Năm năm trước, một cô gái nhảy cầu Bình Lợi tự tử. Sau khi được cứu lên, cô cho biết đã mang thai 4 tháng, người yêu làm việc ở nước ngoài, sợ cha mẹ biết nên tìm đến cái chết. “Cháu gọi điện về cho gia đình, không cha mẹ nào nỡ để con cái mình chết đâu” - vợ ông Chúc khuyên. Sau đó, ông Chúc đón xe ôm cùng cô gái về nhà. Năm ngoái, cô gái dẫn con đến thăm ông trước khi đi nước ngoài định cư. Vợ chồng ông Chúc cho biết sau khi được cứu sống, nhiều người có ý định tự tử đã quay lại thăm ông bà.

Ông Chúc còn “nổi tiếng” với công việc vớt xác suốt hơn 40 năm qua. “Tôi không nhớ mình vớt bao nhiêu xác và cứu bao nhiêu người thoát khỏi tử thần. Người ta trên bờ sống bằng lương tháng còn vợ chồng tôi sống bằng lương tâm. Cứu được người là hạnh phúc rồi…” - ông Chúc thật thà.

 

Mơ cuộc sống trên bờ

Khi được hỏi về ước muốn của mình, Đạt (con trai ông Ái) cho biết chỉ mơ có một căn chòi nhỏ để bà nội, năm nay đã 83 tuổi, có chỗ nghỉ ngơi. “Tuần trước nước lớn, dây thuyền vướng vào cầu nên thuyền bị chìm, cha em phải lội nước cứu bà lên bờ mà vẫn chưa hết lo sợ” - Đạt kể. Ngay cả việc câu dây điện qua thuyền, gia đình ông Ái cũng không dám vì sợ thuyền chìm, bị điện giật chết...

Vợ chồng ông Chúc thì cho biết khoảng 5 năm nữa sẽ “về hưu”, chuyển lên đất liền sống. Sau nhiều năm tích cóp, ông Chúc cũng mua được mảnh đất, cất căn nhà nhỏ ở huyện Củ Chi.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo