Thời gian gần đây, nông dân trồng tỏi ở huyện đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi rầu “thúi ruột” vì đặc sản của vùng này - đã được Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học - Công nghệ công nhận thương hiệu - bị làm nhái trắng trợn.
Chở củi về rừng
Cảng Sa Kỳ (huyện Bình Sơn - Quảng Ngãi) gần đây chứng kiến một hình ảnh trái khoáy: Cánh lái buôn tấp nập vận chuyển những bao tỏi xuống tàu để đưa ra “vương quốc tỏi” Lý Sơn. Một người hành nghề bốc vác ở cảng cho biết: “Chuyện “chở củi về rừng” diễn ra như cơm bữa tại đây”.
Tàu cập cảng An Hải, huyện Lý Sơn, những tay bốc vác bắt đầu chuyển tỏi lên bờ. Đang chuyển hàng, nghe chúng tôi hỏi mua tỏi, bà Trương Thị C. một lái buôn trạc 50 tuổi ngụ tại thôn Đông, xã An Hải, hồ hởi: “Cậu mua bao nhiêu cũng có, bảo đảm tỏi Lý Sơn chính hiệu. Nếu mua nhiều, tôi giảm giá cho”.
Đến nhà bà C., chúng tôi đã thấy ngay hàng chục bao tỏi chất thành đống lớn trước hiên. Bà C. quả quyết: “Tỏi Lý Sơn 100% đó, mới thu hoạch”. Thấy chúng tôi chần chừ, bà C. liền mở bao tỏi ra, lấy một củ lột từng tép. Loại tỏi này củ to, tép mọng, ruột rỗng, khác xa sản vật Lý Sơn, chỉ có thể là tỏi từ các nơi khác đưa đến, nhất là Khánh Hòa.
Nghe chúng tôi nhận xét, bà C. lúng túng giải thích: “Những bao tỏi này là của đứa cháu gửi từ Ninh Hòa - Khánh Hòa ra bán. Nhà nó trong đó chật quá, không có chỗ chứa” (!?). Chúng tôi thắc mắc: “Sao không bán trong đó mà chuyển ra đây chi cho tốn kém?”. Bà C. lấp lửng: “Tỏi ở đâu cũng vậy cả thôi, nó lấy tỏi giống Lý Sơn vào đó trồng, đất cát, kỹ thuật chăm sóc như nhau thì chất lượng cũng ngang nhau hết”!
Giết chết một thương hiệu
Ở Lý Sơn có khoảng 30 người mang tỏi từ các nơi khác về huyện đảo này để trộn chung với tỏi địa phương bán kiếm lời. Tỏi Khánh Hòa hiện có giá 25.000-40.000 đồng/kg, trong khi tỏi Lý Sơn 65.000-80.000 đồng/kg, thậm chí có lúc lên đến 120.000-160.000 đồng/kg. Tính ra, mỗi ký tỏi từ Khánh Hòa mang về Lý Sơn, dân buôn kiếm lời 30.000-60.000 đồng.
Chị Lê Thị Hoài, ngụ thôn An Đông, xã An Hải, cho biết năm nay tỏi Lý Sơn mất mùa nên giá có nhỉnh hơn trước. Nhìn 2 tấn tỏi vừa thu hoạch, chị ngao ngán: “Cứ tưởng giá tăng thì nông dân sẽ gỡ gạc được ít nhiều, ai ngờ người ta chuyển tỏi từ nơi khác đến trộn với tỏi Lý Sơn rồi bán với giá thấp hơn. Nông dân chúng tôi giờ không thể nào bán được tỏi Lý Sơn nếu không chấp nhận giảm giá. Nếu bán theo giá hiện nay, mỗi sào tỏi, chúng tôi bị lỗ 1-2 triệu đồng”.
Trên chuyến tàu ra Lý Sơn, chúng tôi làm quen với một du khách. Nghe nhắc đến sản vật Lý Sơn, anh lắc đầu: “Mỗi lần ra huyện đảo này, tôi đều mua tỏi mang về làm quà tặng người quen. Vừa rồi ra Lý Sơn, tôi mua hơn 10 kg tỏi về tặng một nửa cho sếp, phần còn lại để dành ăn. Tặng xong, tôi mới phát hiện đó không phải là tỏi Lý Sơn. Lỡ tặng quà cho sếp rồi, đến giờ tôi vẫn thấy ái ngại vô vùng”.
Bất lực! Theo ông Trần Quang Toản, Chi cục trưởng Chi cục QLTT Quảng Ngãi, tỏi nơi khác đưa ra trộn chung với tỏi Lý Sơn nhưng vẫn sử dụng bình thường, không ảnh hưởng đến sức khỏe và không dán nhãn mác tỏi Lý Sơn thì không có gì vi phạm. Điều đáng nói là vì lợi nhuận, chính một số người buôn bán ở Lý Sơn đã “bán đứng” thương hiệu sản vật địa phương mình. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng Phòng Kỹ thuật - Hạ tầng nông thôn huyện Lý Sơn, cho rằng người dân huyện đảo vô Khánh Hòa mang theo tỏi giống vào trồng nên không thể nói tỏi ở đó là nhái được. Theo ông Lê, chưa có cơ quan chức năng nào kiểm định chất lượng các loại tỏi nên rất khó xử lý. Ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết hiện cơ quan chức năng địa phương vẫn không có cách nào ngăn chặn vì tỏi Lý Sơn hay Khánh Hòa cũng đều là hàng hóa, được phép lưu thông bất kỳ nơi nào. |
Bình luận (0)