Đó là những ngày giữa năm 2017 ở Nga - những ngày chúng tôi bị bóc lột sức lao động thậm tệ. Đó là những ngày chúng tôi kỳ vọng tiết kiệm được tiền gửi về cho gia đình trang trải nợ nần khi đi xuất khẩu lao động "chui" nhưng rồi lọt bẫy bọn lừa đảo, sức lực bị vắt kiệt mà không dư nổi đồng nào. Đó là những ngày hễ chúng tôi đòi về nước là lập tức bị đe dọa, đánh đập… Những hình ảnh ấy chắc chắn sẽ còn lặp đi lặp lại đến giờ nếu Báo Người Lao Động không kịp thời can thiệp.
Tôi vẫn nhớ như in một ngày giữa tháng 8-2017 ấy. Một người bạn - cùng xưởng may bên Nga, được về nước sau khi phải đóng hàng chục triệu đồng tiền chuộc - báo tin lá thư của tôi giấu trong hộp bánh đã được chuyển đến Báo Người Lao Động. Hy vọng được "giải cứu" của tôi lớn dần bởi gia đình vốn nghèo, không thể có vài chục triệu hay cả trăm triệu đồng để chuộc tôi về.
Chờ đợi cả tuần, không thấy ai liên lạc, tôi hoang mang lo rằng đã bị lộ. Nếu vậy thì tôi sẽ nhừ đòn, không chừng còn bị "khử". Rồi dòng tin nhắn đầu tiên của phóng viên Báo Người Lao Động cũng xuất hiện...
Anh Trần Văn Châu trở về nước sau khi thoát khỏi cảnh lao động “khổ sai” ở Nga. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Sau khi được cung cấp thông tin cần thiết về đường dây tổ chức đưa chúng tôi sang Nga cùng những thông tin cụ thể ở xưởng may, phóng viên nói tôi cứ yên tâm và hứa sẽ làm hết mình. Năm ngày sau, một người lạ vào xưởng làm và xưng là cộng tác viên của báo. Hy vọng được "giải cứu" của chúng tôi đã dần thành sự thật.
Khi bài báo đầu tiên "Đường dây lao động "khổ sai" ở Nga" xuất hiện trên Người Lao Động, chủ xưởng may tức tối truy tìm ai tố cáo. Sau đó, liên tiếp các bài báo về đường dây lao động "khổ sai" ở Nga được đăng tải và chủ xưởng bắt đầu thương lượng với chúng tôi khi Đại sứ quán Việt Nam tại Nga và các cơ quan chức năng sở tại vào cuộc. Gần 1 tháng sau, tôi và 5 người khác đã được trở về nước mà không mất một đồng tiền chuộc nào.
Phải nói rằng cái Tết vừa qua là cái Tết đáng quý và đáng nhớ nhất trong cuộc đời của tôi. Tôi đã được sum họp bên gia đình - cảnh tượng mà nhiều đêm tôi mơ ước khi bị bắt lao động "khổ sai" bên Nga cùng những trò hù dọa, đánh đập của chủ xưởng.
Nói không quá lời là Báo Người Lao Động đã sinh ra tôi lần thứ hai. Ngoài việc được giải cứu khỏi đường dây lao động "khổ sai", thông qua sự giới thiệu của báo, hiện tôi còn có cuộc sống tương đối dễ chịu với công việc ở một công ty tại Bình Dương và khoản thu nhập kha khá, có thể gửi tiền hằng tháng phụ giúp cha mẹ già.
Việc Báo Người Lao Động vào cuộc giúp những người lao động bị lừa, kể lại thì nghe đơn giản nhưng người trong cuộc như chúng tôi mới thấy khó khăn muôn vàn.
Bình luận (0)