Tại cuộc họp tổ của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM vừa qua, thảo luận về dự án Luật Dược (sửa đổi), phát biểu chất vấn bộ trưởng Bộ Y tế của đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM (được các báo đăng tải) khiến nhiều người chú ý. Sau khi nêu hàng loạt câu hỏi, như: Vì sao người dân nước ta phải è cổ gánh giá thuốc cao? Ai phải chịu trách nhiệm khi người dân tiêu thụ thuốc kém chất lượng? Hơn 60 tấn Salbutamol (chất tạo nạc trong chăn nuôi, gây hại cho sức khỏe con người) nhập vào nước ta bằng con đường nào mà Bộ Y tế không biết? …; bà Phong Lan kết luận: “Nếu vậy, chúng ta (cán bộ quản lý ngành y tế) tồn tại để làm gì?”.
Theo tôi, ý kiến phát biểu trên của bà Phong Lan thể hiện nỗi lo âu, bức xúc, trăn trở của một cán bộ lãnh đạo ngành y có “tâm” và có “tầm”. Việt Nam vẫn còn là nước nghèo, đời sống của đại bộ phận nhân dân còn khó khăn nhưng phải luôn mua thuốc trị bệnh (và mua sữa cho trẻ em) với giá cao. Đó là một thực tế hiển nhiên, vậy mà lãnh đạo ngành y tế lại cho rằng giá thuốc ở Việt Nam thấp hơn giá thế giới, cụ thể là thấp hơn Trung Quốc, Thái Lan từ 1,5- 3 lần (báo Người Lao Động ngày 22-11-2015).
Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh còn cho biết thêm: “Có nhiều trường hợp trẻ chết do tiêm vắc-xin. Trước công luận, Bộ Y tế nói số trẻ chết đó vẫn nằm trong tỉ lệ cho phép, vẫn thấp hơn thế giới” (báo Tuổi trẻ ngày 20-11-2015). Trên thế giới, không biết có quốc gia nào như Việt Nam khi tự ý đặt ra “tỉ lệ cho phép” đối với số trẻ em chết do tiêm vắc-xin, bởi mạng người là vô giá.
Tương tự, dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1 (qua các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa) với chiều dài hơn 300 km, tổng kinh phí hơn 22.000 tỉ đồng. Chỉ mới thông xe hơn 1 tháng, nhiều đoạn đường đã bị bong tróc, lỗ chỗ ổ gà, ổ voi, vá chằng vá đụp nhưng một vị lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải kết luận: “Quốc lộ 1 hư trong giới hạn cho phép, với tỉ lệ chấp nhận được- dưới 3%” (báo Người Lao Động ngày 19 và 21-11-2015). Không biết ai lại đi “cho phép” đường mới vừa làm xong (với kinh phí hàng chục ngàn tỉ đồng) được hư ngay với “tỉ lệ chấp nhận được”?
Đối với những trường hợp nêu trên, tôi hoàn toàn đồng ý với cách đặt vấn đề của đại biểu Phạm Khánh Phong Lan: Nếu vậy, các vị (lãnh đạo, quản lý ngành) tồn tại để làm gì?
Bình luận (0)