Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn. Ảnh: TẤN THẠNH
Không thực tế
Theo ông Ân, Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời “chung chung quá”. “Không biết bộ trưởng có nắm được vấn đề thủy điện không mà cứ trả lời vòng vo, không bám sát thực tế và chưa đúng trọng tâm. Về các vấn đề hàng giả, kém chất lượng, bộ trưởng dẫn nghị định này, thông tư kia, bộ này, ngành nọ quản lý nhưng cuối cùng lại toàn là “nếu” và “nhưng” - ông Ân thất vọng .
Ông Trần Hữu Đại, ngụ phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm - TP Hà Nội, cũng cho rằng “dường như Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng không chịu trách nhiệm gì cả”. Theo ông Đại, các đại biểu đặt câu hỏi rất cụ thể, rõ ràng nhưng bộ trưởng trả lời lại loanh quanh. “Cử tri chúng tôi rất bức xúc trước việc Petrolimex làm ăn lỗ cả ngàn tỉ đồng nhưng năm 2011, chủ tịch tập đoàn này lại hưởng lương cao chót vót, lên đến 58 triệu đồng/tháng; lương của ủy viên HĐQT là 40 triệu đồng/tháng mà bộ trưởng vẫn bảo thấp hơn năm 2010! Tôi cho rằng bộ trưởng trả lời không làm cử tri thỏa mãn và chưa đạt yêu cầu” - ông thẳng thắn.
Ông Đinh Dẻ, ngụ xã Dang, huyện Tây Giang - Quảng Nam, sau khi nghe bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời chất vấn liên quan đến người dân tái định cư do thủy điện, đã nói: “Bộ trưởng nói thì hay nhưng phải thực hiện, bởi người dân chúng tôi nghe hứa quá nhiều rồi. Bộ trưởng cần nhanh chóng thực hiện lời hứa của mình để dân tái định cư được nhờ”.
Chính sách không theo kịp thực tế
Theo ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Công ty Thép Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã nêu các giải pháp cho vấn đề tồn kho trong ngành vật liệu xây dựng, thép… Tuy nhiên, việc có thể thực hiện hiện nay là ngăn chặn thép nhập. Từ đầu năm đến nay, dù lượng thép tiêu thụ tại thị trường nội địa giảm 12% nhưng lượng thép nhập khẩu (chủ yếu từ Trung Quốc) lại tăng gấp 5 lần.
“Về giải pháp chặn thép nhập khẩu, việc cấp giấy phép nhập khẩu tự động như cách Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nêu sẽ không có nhiều tác dụng khi áp dụng trong thực tế. DN nào có “quan hệ” tốt với hải quan sẽ được thông quan rất nhanh. Cách hay nhất và hiệu quả nhất là học theo các nước, sử dụng các rào cản về thủ tục, kỹ thuật” - ông Thái nói.
Trong khi đó, ông Cao Tiến Vị, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Giấy Sài Gòn, nguyên chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TPHCM, cho rằng điều hành quản lý thị trường xăng dầu, biến động giá xăng… luôn là vấn đề nóng. Lâu nay, giá xăng tăng liên tục nhưng họa hoằn lắm mới giảm; DN kêu rất nhiều nhưng không giải quyết được gì nên đâm chán nản, đến mức không muốn nghe bộ trưởng trả lời chất vấn vì nghĩ rằng sau đó cũng không có gì thay đổi.
“Không rõ các bộ và DN tính toán thế nào nhưng việc tăng hay giảm giá xăng dầu không theo diễn biến chung của thị trường thế giới, gần nhất là Singapore. Chức năng quản lý của Nhà nước nhằm chủ động điều tiết thị trường không còn được phát huy. Những bất cập của Nghị định 84 về quản lý kinh doanh xăng dầu đã được bàn luận nhiều lần nhưng vẫn chưa được sửa đổi, bổ sung. Ngoài ra, nhiều luật, văn bản pháp luật đã không còn phù hợp với thực tiễn, cần thay đổi để theo kịp tốc độ phát triển của nền kinh tế” - ông Vị kiến nghị.
Công nhân mong an cư Theo dõi phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, chị Trần Thị Mỹ Thanh, công nhân Công ty Ampfield (KCN Tân Bình - TPHCM), cho biết chị quan tâm đến việc xây dựng nhà ở cho công nhân (CN). “Với mức lương và chi phí như hiện nay, việc CN tích cóp tiền để mua nhà ở TP gần như là điều không thể. Mới đây, tôi nghe Bình Dương có mô hình nhà ở giá rẻ cho CN với mức thấp nhất là 110 triệu đồng/căn. Với mức giá đó, CN có thể xoay xở để mua nhà. Tôi rất mong Nhà nước sẽ phổ biến rộng rãi mô hình này, dành quỹ đất quanh các KCX-KCN để xây nhà ở xã hội và bán giá rẻ cho CN” - chị mong mỏi. Chị Hà Thị Bầu, CN Công ty TNHH Freetrend Việt Nam (KCX Linh Trung 2, quận Thủ Đức - TPHCM), cho biết với tổng thu nhập của vợ chồng chị hơn 7 triệu đồng/tháng nhưng phải trang trải nhiều chi phí, mong ước được an cư tại TP thật quá xa vời. “Để người nghèo an cư, Nhà nước nên có những chính sách đồng bộ. Chẳng hạn, nên khuyến khích DN đầu tư xây nhà ở cho CN bằng chính sách ưu đãi về thuế, giá thuê đất hợp lý nhằm hạ giá thành sản phẩm; xây dựng mô hình quỹ hỗ trợ CN vay vốn mua nhà với điều kiện ưu đãi, phù hợp” - chị đề xuất. |
Bình luận (0)